Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng phát lộ liên quan 28ha đất vàng ven biển đẹp nhất TP Vũng Tàu

Theo phản ánh của báo Điện tử Nhân dân, năm 1996, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Công ty đầu tư xây lắp (ĐTXL) Bà Rịa - Vũng Tàu (lúc này là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) làm chủ đầu tư xây dựng bãi tắm Thùy Vân, TP Vũng Tàu. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến đường Thùy Vân là 3km với diện tích khoảng 28ha đất. Mục tiêu của dự án là lập lại trật tự, vệ sinh môi trường cho bãi tắm, tăng cường kinh doanh du lịch, đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch lâu dài của một thành phố biển.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Nhà nước cho Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu thuê đất. Công ty sẽ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, và Nhà nước (chủ sở hữu tiền thuê đất) sẽ ghi thu, ghi chi (giao lại cho công ty số tiền ấy dưới hình thức Nhà nước giao vốn cho doanh nghiệp Nhà nước) để kết hợp với số vốn do công ty huy động thêm nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của bãi tắm Thùy Vân. Tuy nhiên, trên thực tế chủ trương này không được thực hiện, Nhà nước đã sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải tỏa đền bù tại bãi tắm Thùy Vân, với tổng giá trị quyết toán trên 122 tỷ đồng (phần lớn các công trình hoàn thành và quyết toán từ trước năm 2002).

Sau khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng ở bãi tắm Thùy Vân, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho nhiều doanh nghiệp (DN) vào thuê lại mặt bằng để đầu tư du lịch. Từ năm 1997 - 2005 (lúc còn là DN 100% vốn Nhà nước), Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu đã chia nhỏ hơn 28ha đất cho Công ty du lịch Vũng Tàu (nay là Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty du lịch dịch vụ dầu khí VN, Công ty Hưng Hải, Công ty CP du lịch và thương mại DIC… thuê để kinh doanh nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng, không nộp tiền thuê đất cho Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng số tiền hơn 16,4 tỷ đồng.

Theo Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu không thực hiện đúng vai trò làm đầu mối trong việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, không ký hợp đồng thuê mặt bằng với các DN thứ phát trong khu vực bãi tắm Thùy Vân. Bên cạnh đó, có 6 công trình hạ tầng kỹ thuật đã được ngân sách tỉnh đầu tư trị giá hơn 25,6 tỷ đồng như cấp thoát nước, cây xanh, đường nội bộ, bãi đậu xe, cấp điện và chiếu sáng…, nhưng Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu không quản lý, trong đó có 5 công trình (ngân sách tỉnh đầu tư giá trị hơn 19 tỷ đồng) không tổ chức bàn giao cho các đơn vị đang trực tiếp sử dụng đất, hạ tầng để quản lý theo quy định. Đối với một số DN thứ phát, sau khi thuê đất từ Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu, đã tiếp tục chia nhỏ đất cho các công ty khác thuê lại mặt bằng. Năm 2005, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu cổ phần hóa (vốn Nhà nước 0 đồng), hiện đổi tên thành Công ty CP bất động sản và đầu tư VRC.

Việc Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu không còn và Công ty CP bất động sản và đầu tư VRC không quản lý, sử dụng đất ở bãi tắm Thùy Vân khiến 28ha “đất vàng” ở bãi tắm này hiện do các DN thứ phát sử dụng, nhưng không đóng tiền thuê đất. Tính từ năm 2006 - 2017, Cục Thuế tỉnh xác định tiền thuê đất khu vực bãi tắm Thùy Vân mà 9 doanh nghiệp phải nộp hơn 300 tỷ đồng.

Sau khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng ở bãi tắm Thùy Vân, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho nhiều doanh nghiệp vào thuê lại mặt bằng để đầu tư du lịch nhưng không ký hợp đồng.
Sau khi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng ở bãi tắm Thùy Vân, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho nhiều doanh nghiệp vào thuê lại mặt bằng để đầu tư du lịch nhưng không ký hợp đồng. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại các doanh nghiệp sử dụng 28ha “đất vàng” ở TP Vũng Tàu đã được Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận từ năm 2018, trong đó có việc thẩm định cho Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu (100% vốn Nhà nước) lập thủ tục cổ phần hóa, việc xây dựng không phép của các doanh nghiệp thứ phát (thuê lại hạ tầng) vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu và các DN thứ phát sử dụng đất, như: OSC VN, Công ty CP khách sạn du lịch Tháng Mười, Công ty TNHH Janhold-OSC, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty CP du lịch Nghinh Phong, Công ty CP du lịch và thương mại DIC, Công ty CP du lịch quốc tế Vũng Tàu, Công ty CP du lịch quốc tế Hải Dương…, mặc dù các đơn vị này đã sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng, một số đơn vị hàng năm có tạm nộp tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế nhưng không nộp đầy đủ, để tồn đọng nợ tiền thuê đất, tính đến năm 2017 với số tiền hơn 326 tỷ đồng.

Ngoài ra, các DN thứ phát và đơn vị liên doanh, cổ phần hóa từ các DN thứ phát còn đầu tư xây dựng trái phép, không phép nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Trong đó, có 3 trường hợp đã được UBND TP Vũng Tàu xử phạt vi phạm hành chính: Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty CP du lịch Nghinh Phong, Công ty CP khách sạn du lịch Tháng Mười. Trách nhiệm này thuộc về Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu, các DN thứ phát, các đơn vị sử dụng đất có liên quan nêu trên và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng…

Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ ra sai phạm trong việc để lọt khoản nợ ngân sách khi cổ phần hóa đối với Công ty ĐTXL Bà Rịa - Vũng Tàu, việc DN thứ phát “qua mặt” pháp luật cho thuê lại mặt bằng, chuyển nhượng tài sản trái phép và trách nhiệm cá nhân Giám đốc 2 sở, Chủ tịch TP Vũng Tàu qua các thời kỳ.

Phê duyệt kế hoạch thu hồi hơn 16 ha đất xây dựng Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Diện tích khu đất cần thu hồi khoảng 16,05 ha, vị trí khu đất tại Phường 4, Phường 12, Phường 15 (quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh). Theo kế hoạch, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình phối hợp các phường gửi quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ đến các đơn vị, tổ chức có đất bị thu hồi từ ngày 21-23/10. Từ ngày 24-30/10, các phường thực hiện chi trả tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt.

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, việc tổ chức bàn giao khu đất diện tích khoảng 16,05 ha để xây dựng Nhà ga hành khách T3 làm 2 đợt: đợt 1 bàn giao 14,757 ha (dự kiến đầu tháng 10/2022); đợt 2 bàn giao 1,293 ha sau khi hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định (dự kiến trước 30/10).

Kế hoạch này nhằm mục tiêu đầu tư xây dựng Nhà ga T3 (quốc nội) công suất 20 triệu hành khách/năm và công trình phụ trợ phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất; giảm tải cho Nhà ga T1, T2 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Lâm Đồng: Chưa chấp thuận xây dựng Dự án tổ hợp sân Golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar

Dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar có quy mô khoảng 90 ha được đề xuất thực hiện tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar - huyện Lạc Dương do Công ty CP Golden City làm chủ đầu tư.

Trong đó có khu sân golf có quy mô khoảng trên 71 ha và khu nghỉ dưỡng khoảng gần 19 ha. Địa điểm thực hiện dự án thuộc một phần tiểu khu 145B, 114A tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Dự án sẽ có sân golf cao cấp 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan sân golf. Theo đề xuất, dự án sẽ có tổng vốn đầu tư gần 2.595 tỷ đồng, gồm vốn của công ty và vay ngân hàng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến hết quý IV/2028, thời gian hoạt động 50 năm.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, dự án đề xuất không phù hợp với quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Lạc Dương đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Hơn nữa, khu vực đề xuất dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, do đó chưa đủ cơ sở để tiến hành thẩm định cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khu vực đề xuất thực hiện dự án của Công ty CP Golden City có hiện trạng rừng tự nhiên núi đất lá kim trung bình khoảng trên 2 ha, rừng tự nhiên núi đất lá kim giàu khoảng gần 1 ha, đất đang sản xuất nông nghiệp khoảng 13 ha, đất trống khoảng 0,02ha, đất không kiểm kê tài nguyên rừng khoảng trên 74 ha.

Như vậy, trong diện tích đất đề xuất thực hiện dự án có khoảng gần 3 ha đất rừng tự nhiên, không được sử dụng để thực hiện dự án sân golf theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 52/2020/NĐ-CP về nguyên tắc đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf và Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017.

Đồng thời, theo ý kiến Sở NN&PTNT, hầu hết khu vực đề xuất dự án là đất sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện dự án sẽ làm mất đi diện tích không nhỏ đang sản xuất nông nghiệp ổn định của người dân địa phương.

Do đó, cần cân nhắc về hiệu quả đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt tại hồ Đan Kia Suối Vàng, trật tự, an ninh chính trị tại địa phương… làm cơ sở xem xét chủ trương đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế.

Mặt khác, thống kê sơ bộ của nhà đầu tư cho rằng dự án tác động đến khoảng 500 hộ dân đang sử dụng đất; nhưng Công ty Golden City lại không đề cập đến phương án thỏa thuận, chi trả bồi thường, không đề xuất đơn vị thực hiện đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng với khu vực đề xuất dự án.

Qua xem xét hồ sơ có liên quan, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo quy định, Công ty CP Golden City phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng với vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án khoảng 389 tỷ đồng.

Theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư ngày 8/8/2022, công ty đề xuất nguồn vốn đầu tư từ vốn huy động khoảng 2.205,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ nhận được không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn theo để xuất của công ty, do đó, Sở Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến.

Cty CP Golden City muốn triển khai dự án sân golf, nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng.
Cty CP Golden City muốn triển khai dự án sân golf, nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng.

Theo Sở KH&ĐT, dự án trên có mục tiêu đầu tư là xây dựng sân golf và du lịch nghỉ dưỡng, thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo khoản 12 (bổ sung Điều 14b), Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì một trong những điều kiện để được cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá đất là khu vực dự kiến đấu giá có quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu đáp ứng các điều kiện: “Phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000”. Tuy nhiên theo Sở Xây dựng, khu vực đề xuất thực hiện dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Do đó, dự án chưa đủ cơ sở để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Từ những nội dung thẩm định như trên, Sở KH&ĐT đề nghị UBND Lâm Đồng chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Công ty Golden City; giao UBND Lạc Dương rà soát các nội dung về hiện trạng rừng, quy hoạch, đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động của dự án với đời sống nhân dân, ảnh hưởng với môi trường và một số nội dung khác liên quan...

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở KH&ĐT yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ chứng minh gồm ít nhất một trong các tài liệu như: Văn bản cam kết cho vay, cấp tín dụng, cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng… Trong đó, yêu cầu các văn bản phải có nội dung ghi rõ cam kết hoặc chấp thuận cấp tín dụng cho công ty để thực hiện dự án.

Dự án khu dân cư Bình Long Future Gate tại Bình Phước có giá 550 triệu đồng/nền

Bình Long Future Gate có vị tọa lạc tại ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Dự án sở hữu 2 mặt tiền đường và nằm liền kề với tuyến đường Quốc lộ 13, thuận tiện kết nối với các trung tâm kinh tế của Bình Phước như huyện Hớn Quản, thành phố Đồng Xoài, thông qua hệ thống giao thông ĐT 757, ĐT 756, ĐT 754.

Bình Long Future Gate có tổng diện tích 53.735,3 m2, trong đó đất ở chiếm 27.175,32 m2 (50,57%), đất giao thông 17.281,79 m2 (32,16%), đất cây xanh 4.613,3 m2 (8,59%), phần còn lại dành cho đất giáo dục, hạ tầng kỹ thuật và bãi đỗ xe.

Dự án được thiết kế với loại hình đất nền nhà phố và nhà ở xã hội. Dự án cung cấp ra thị trường 187 lô đất, có diện tích đa dạng khoảng từ 110 – 120 – 130 m2 và một số lô có diện tích lớn từ 200 - 215 m2.

Khu dân cư Bình Long Future Gate sở hữu những tiện ích nội khu như: công viên quảng trường Kavi, hồ bán nguyệt, cầu ánh sáng, vườn treo ngắm cảnh. Cùng các tiện ích ngoại khu lân cận như chợ Thanh Lương, UBND xã Thanh Lương, THCS Thanh Lương, bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long và cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư 50 phút di chuyển.

Mặt bằng phân lô dự án Bình Long Future Gate
Mặt bằng phân lô dự án Bình Long Future Gate.

Chủ đầu tư dự án Bình Long Future Gate Bình Phước là Công ty TNHH Khang Minh Quân, đơn vị phát triển dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Kavi (Kavi Group).

Công ty TNHH Khang Minh Quân được thành lập ngày 22/11/2019, đặt trụ sở tại ấp Thanh Kiều, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Theo thông báo thành lập mới của doanh nghiệp ngày 22/11/2019, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ là 30 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, dự án Bình Long Future Gate có tên pháp lý là Khu dân cư Khang Minh Quân, được quyết định chủ trương tại văn bản số 1391/QĐ-UBND ngày 24/06/2020 cho Công ty TNHH Khang Minh Quân.

Dự án Khu dân cư Khang Minh Quân được phê duyệt đồ án 1/500 tại văn bản số 2933/QĐ-UBND ngày 04/05/2021.

Các sản phẩm tại dự án Bình Long Future Gate có mức giá bán từ 550 triệu đồng/nền.