Nhiều địa phương chưa lập quy hoạch chi tiết về cải tạo chung cư cũ

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đôn đốc việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022.

Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương có nhà chung cư cũ đã triển khai thực hiện một số bước theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP như: Bố trí ngân sách để thực hiện việc khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, việc triển khai thực hiện quy định của Nghị định nêu trên vẫn còn chậm.

“Những địa phương này chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…” - văn bản có nêu.

Nhiều địa phương chưa lập quy hoạch chi tiết về cải tạo chung cư cũ. Ảnh minh họa
Nhiều địa phương chưa lập quy hoạch chi tiết về cải tạo chung cư cũ. Ảnh minh họa

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, khẩn trương thực hiện một số nội dung: Bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định; Khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết những khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng như tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện.

Khẩn trương ban hành hệ số K bồi thường làm cơ sở để nhà đầu tư lập phương án bồi thường khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án; Ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ- CP; Chỉ đạo những cơ quan có liên quan trong việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, thực hiện thủ tục liên quan về thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành và người dân đang sinh sống tại khu vực có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.

Đối với một số dự án đang thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 34/2007/NQ- CP và Nghị định số 101/2015/NĐ - CP của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nhưng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng, cần sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định, cấp Giấy phép xây dựng theo quy định để nhanh chóng thực hiện xây dựng, sớm bàn giao nhà ở cho người dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết công việc giữa Bộ Xây dựng và các địa phương, Bộ đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ động đôn đốc, phối hợp việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Khu tái định cư quận Thốt Nốt, Cần Thơ: Nghiệm thu thanh toán cao hơn khối lượng thi công

Thanh tra TP Cần Thơ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện dự án khu tái định cư quận Thốt Nốt (Khu I), phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt.

Kết quả thanh tra cho thấy có một số sai phạm về nghiệm thu thanh toán và vi phạm luật đất đai.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Thốt Nốt thiếu kiểm tra giám sát khi nghiệm thu, thanh toán dẫn đến giá trị nghiệm thu thanh toán cao hơn khối lượng thi công thực tế với giá trị là 173,5 triệu đồng.

Trong đó hạng mục đường giao thông nội bộ (vỉa hè), đơn vị tư vấn thiết kế tính khối lượng đá cấp phối, nhựa lót, thảm nhựa mặt đường các đường số 1, 4, 5, 6 rộng 7,5 mét; đường số 2, 3 rộng 8 mét là chưa phù hợp vì chưa trừ bê tông bó vỉa hè chiếm mỗi bên lề 10cm. Từ đó dẫn đến khối lượng thi công thực tế ít hơn khối lượng thiết kế với giá trị là hơn 107 triệu đồng.

Việc lập thủ tục xin giao đất theo quyết định phê duyệt, Thanh tra TP Cần Thơ xác định đến nay dự án khu tái định cư quận Thốt Nốt (khu 1) chưa ban hành quyết định thu hồi đất công theo quy và chưa lập thủ tục xin giao đất theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Việc này là chưa đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Từ đó Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo UBND quận Thốt Nốt tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án.

UBND quận Thốt Nốt chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Thốt Nốt tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã nêu. Bên cạnh đó quận chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục xin giao đất đúng quy định và tham mưu tiến hành thu hồi phần đất công theo quy định Luật Đất đai. Khi hoàn thành thủ tục thu hồi đất, giao đất mới tiến hành giao nền tái định cư theo quy định.

Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Thốt Nốt phải giảm trừ khi thanh quyết toán với tổng số tiền hơn 187 triệu đồng.

Cao tốc Bắc Nam đi qua chỉ 1km nhưng Cần Thơ thực hiện rất chậm

Ngày 10/11, tại Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm đến khảo sát địa điểm dự kiến khởi công dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và làm việc với các địa phương liên quan.

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, hiện đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 cho khoảng 2.188 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau.

Trong đó, dự thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường 36,30/37,65km tuyến chính và 1,23/9,25km tuyến nối. Còn dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau đã phê duyệt 51/72,22km tuyến chính. Theo kế hoạch, trong tháng 11/2022 sẽ tiếp tục phê duyệt đợt 2.

Dự kiến có khoảng 970 hộ tái định cư tập trung. Trong đó, có 5 khu xây mới (4 khu tại Hậu Giang, 1 khu tại Kiên Giang) và 3 khu đã có (Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau mỗi địa phương 1 khu).

Ban QLDA Mỹ Thuận cho hay, tình hình triển khai dự án còn một số vướng mắc. Trong đó, tiến độ chi trả tiền bồi thường trên địa bàn TP Cần Thơ hiện rất chậm so với các tỉnh khác. Thủ tục triển khai phê duyệt phương án bồi thường của TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau còn chậm so với kế hoạch UBND cấp tỉnh ban hành.

Công tác triển khai thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư của các địa phương cũng đang chậm so với tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật điện cao thế phức tạp, mất nhiều thời gian… nên có thể sẽ không kịp tiến độ phê duyệt phương án trước khi khởi công.

Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị TP Cần Thơ khẩn trương phê duyệt phương án và chi trả bồi thường trong tháng 11/2022. Tỉnh Cà Mau phấn đấu bàn giao mặt bằng phần còn lại trước 31/1/2023 (do địa chất nơi đây rất yếu, cần nhiều thời gian xử lý). Các địa phương triển khai phê duyệt dự án và sớm xây dựng bàn giao suất tái định cho người dân, hạn chế tối đa thời gian tạm cư.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (giữa) khảo sát hiện trường triển khai dự án. Ảnh: Tiền Phong
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (giữa) khảo sát hiện trường triển khai dự án. Ảnh: Tiền Phong

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, các công việc được thực hiện cơ bản bám sát kế hoạch được phê duyệt theo Nghị quyết số 18. Công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có 3/5 địa phương (Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu) vượt kế hoạch, còn TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau đang chậm tiến độ.

Trong đó, TP Cần Thơ là điểm đầu của dự án, tuyến chính chưa được 1km nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng khá chậm. Việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của địa phương về sau.

Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng địa phương để đến ngày 20/11/2022 cơ bản bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án.

Các địa phương quan tâm giải quyết các thủ tục, sớm khởi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án đảm bảo đúng tiến độ. Rà soát, chỉ đạo các sở, ngành thông báo chỉ số giá xây dựng sớm để Ban QLDA cập nhật vào dự toán sát với giá thị trường. Có đề xuất, kiến nghị liên quan đến nguồn cát phục vụ dự án. Ban QLDA kết hợp địa phương sớm triển khai bàn giao cọc giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ, cắm mốc lộ giới để quản lý.

Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau; bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho công tác giải phóng mặt bằng của hai dự án là 1.832 tỷ đồng (đoạn Cần Thơ – Hậu Giang 951 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang – Cà Mau 881 tỷ đồng).

Đến nay, dự án Cần Thơ – Hậu Giang đã chấp thuận phương án 851 tỷ đồng, đã giải ngân 555 tỷ đồng; dự án Hậu Giang – Cà Mau đã chấp thuận phương án 591,4 tỷ đồng, đã giải ngân được 469,2 tỷ đồng…

Sắp ra mắt dự án sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Sun Hà Nam

Dự án Sun Hà Nam có phía Đông tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên, Thái Bình; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Nam Định, Ninh Bình; phía Tây giáp Hòa Bình và phía Bắc tiếp giáp thủ đô Hà Nội.

Khu tổ hợp sinh thái – nghỉ dưỡng – giải trí Sun Hà Nam được triển khai trên quỹ đất có tổng diện tích khoảng 800ha. Dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Dự kiến dự án Sun Hà Nam cung cấp ra thị trường các loại hình shophouse, biệt thự đơn lập, song lập và condotel được thiết kế từ 3 – 4 phòng ngủ với diện tích đa dạng.

Khu tổ hợp sinh thái – nghỉ dưỡng – giải trí Sun Hà Nam sở hữu những tiện ích nội khu gồm: tổ hợp công viên nước, tàu hỏa leo núi, khu cáp treo, khu vui chơi giải trí, khu thương mại - dịch vụ, bể bơi, nhà hàng, khu vực tập thể thao, spa, hệ thống an ninh,…

Sắp ra mắt dự án sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Sun Hà Nam.
Sắp ra mắt dự án sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Sun Hà Nam.

Từ dự án Sun Hà Nam cư dân dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn: đến UBND xã Lạc Long 3,0km; cách Trường THCS Lạc Long 3,9km; đến Trường Cao Đẳng Cơ Điện Tây Bắc 7,2km; di chuyển đến Sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 94km;…

Khu tổ hợp sinh thái – nghỉ dưỡng – giải trí Sun Hà Nam được đầu tư bởi Sun Group Hà Nam (thành viên của Tập đoàn Sun Group).

Dự án có đơn vị thiết kế WATG, đơn vị phát triển là Sun Property – thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Dự án đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng. Giá shophouse, biệt thự tại dự án sẽ được chủ đầu tư công bố trong thời gian sắp tới.