Bổ sung 21 triệu Euro đưa Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao về đích cuối năm 2022

Sáng 7/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp kiểm tra thực địa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau khoảng 11 năm triển khai, tính đến nay, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính với tổng sản lượng thi công dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đạt khoảng 75%. Trong đó, sản lượng thi công đoạn trên cao (8,5 km) đạt 96%, đoạn ngầm (4 km) đạt 33%.

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào tháng 12/2022, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết từ tháng 10/2021.

Song, vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội bày tỏ sự quan ngại trước sự chậm trễ trong việc thực hiện gói thầu CP05 của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án đoạn trên cao.

Được biết, hợp đồng xây dựng gói thầu này được ký ngày 24/10/2012 với giá trị hợp đồng hơn 799,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022.

Đây là gói thầu quan trọng liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì đường sắt đô thị, gồm các hạng mục chính: xây dựng tòa nhà trung tâm điều hành vận tải, các tòa nhà chứa tàu, bảo dưỡng, kỹ thuật điện và các công trình phụ trợ.

Đặc biệt, UBND TP, chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với Bộ Xây dựng thúc tiến độ, song, các mốc tiến độ đề ra trong quá trình triển khai gói thầu không được nhà thầu đảm bảo. Song, đến nay, một số hạng mục đã chậm 6 tháng so với kế hoạch.

Điển hình như: mốc số 4 về đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện (ngày 15/11/2021); Mốc bàn giao cho các gói thầu cơ điện (ngày 1/6/2022); Đóng điện hạ thế depot (ngày 30/6/2022).

Vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định: “Sự chậm trễ của gói thầu CP05 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao của dự án, kéo theo chậm trễ của các gói thầu thiết bị (CP06, 7, 8, 9) gây khiếu nại, thiệt hại cho dự án. Các nhà tài trợ của dự án cũng đã có ý kiến quan ngại của nhà thầu”.

Đồng thời, để giảm tối đa sự lệ thuộc vào tiến độ gói thầu CP05, UBND TP Hà Nội đã cho phép chủ đầu tư/tư vấn và các nhà thầu xây dựng chi tiết phương án khắc phục nhằm đảm bảo mốc hoàn thành đoạn trên cao.

Bổ sung 21 triệu Euro đưa Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao về đích cuối năm 2022
Bổ sung 21 triệu Euro đưa Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao về đích cuối năm 2022. Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhằm bảo đảm nguồn vốn phục vụ mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào cuối năm 2022, UBND TP cũng đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính và thống nhất dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi kế hoạch tài trợ tại Thỏa ước vay CVN 1164 01G của AFD ký ngày 19/2/2016.

Trong đó, sử dụng 21,07 triệu Euro của khoản vay này để bổ sung cho các gói thầu CP06, CP09, Tư vấn thực hiện dự án đang được tài trợ từ nguồn vốn Chính phủ Pháp nhưng còn thiếu.

Liên quan đến tiến độ thực hiện đoạn ngầm dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội (4 km tuyến hầm và 4 ga ngầm), theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, quá trình triển khai GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, quá trình thi công 4 km ngầm đã có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng do có móng xung đột với ống hầm, cần phải phá dỡ 7 nhà và tạm cư 43 nhà.

Trong khi đó, khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà này còn nhiều vướng mắc về thủ tục dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ 1 - 6 năm.

UBND TP đang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại về GPMB trước ngày 30/9/2022.

Đề cập đến tiến trình làm việc với Liên danh nhà thầu Huyndai (Hàn Quốc) - Ghella (Italia) đảm nhận thi công gói thầu CP03 đoạn ga ngầm, ông Dương Đức Tuấn cho biết, việc thương thảo ký kết các phụ lục hợp đồng với nhà thầu cũng hết sức khó khăn.

Cụ thể, do phát sinh các khiếu nại, tranh chấp hết sức phức tạp do sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng quốc tế FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành, nhà thầu CP03 đã tạm dừng thi công từ tháng 8/2021, đưa các vấn đề tranh chấp và chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng ra Ban xử lý tranh chấp và yêu cầu gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/10/2026.

UBND TP đã chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án và các Sở, ngành liên quan khẩn trương thương thảo với nhà thầu về phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian, bổ sung kinh phí để sớm quay lại thi công.

“Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP và nhà thầu, UBND TP Hà Nội đã cam kết một số nội dung quan trọng như: hoàn thành công tác GPMB, bàn giao phần còn lại cho nhà thầu trước ngày 15/10/2022; Thanh toán tạm ứng cho nhà thầu khiếu nại số 1 về chậm trễ ngày khởi công trước ngày 28/8/2022; Tiếp tục thương thảo phụ lục hợp đồng các nội dung còn lại, tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và yêu cầu nhà thầu sớm quay trở lại thi công trong tháng 8/2022”, ông Tuấn thông tin.

Sẽ cưỡng chế, thu hồi gần 3.000m2 đất công ở Phú Quốc bị chiếm làm bến xe

Sở TN&MT Kiên Giang vừa có kế hoạch cưỡng chế, buộc Công ty CP xe buýt Phú Quốc (trụ sở tại phường Dương Đông, TP. Phú Quốc) chấp hành nghiêm biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Kế hoạch cưỡng chế được thực hiện trong tháng 8/2022, có sự tham gia của Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND TP Phú Quốc và UBND phường Dương Đông.

Trước đó, ngày 27/4/2020, UBND thị trấn Dương Đông (nay là phường Dương Đông) phát hiện Công ty CP Xe buýt Phú Quốc đang thực hiện hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị do Nhà nước quản lý với tổng diện tích gần 3.000m2 nên tiến hành lập biên bản.

Sau đó, lãnh đạo TP. Phú Quốc có văn bản đề nghị Sở Tư pháp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt và buộc trả lại nguyên trạng trước khi vi phạm.

Tháng 6/2020, Chủ tịch UBND Kiên Giang ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 280 triệu đồng đối với Công ty CP Xe buýt Phú Quốc, do ông Nguyễn Văn Dũng làm giám đốc công ty, vì có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị do Nhà nước quản lý.

Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm với diện tích 2.995,1m2, tại tổ 14, khu phố 4, thị trấn Dương Đông. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm, công ty này vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh, không tháo dỡ, trả lại khu đất nói trên theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Khẩn trương cải tạo, nâng cấp 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nhằm thực hiện chỉ tiêu 'Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố', thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.

Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng mới 6 công viên gồm: Dự án xây dựng khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy theo hình thức hợp đồng BT, Dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa tại khu đô thị Tây Nam Hà Nội, dự án cảnh quan công viên hồ Phùng Khoang, dự án cụm công trình Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, dự án công viên văn hóa Kim Quy, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Khẩn trương cải tạo, nâng cấp 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo
Khẩn trương cải tạo, nâng cấp 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.

Về việc triển khai 6 công viên này, tại cuộc họp ngày 13/7/2022, UBND thành phố chỉ đạo như sau: Đối với các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án. Đối với công viên Chu Văn An, yêu cầu UBND huyện Thanh Trì hoàn thành thủ tục đầu tư thi công, hoàn thành công trình phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đôn đốc 6 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên tổ chức triển khai thực hiện cải tạo, chỉnh trang các công viên, vườn hoa trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2022, cải tạo vườn hoa Tao Đàn (quý III-2022) và vườn hoa Ngọc Lâm (quý IV-2022). Năm 2023, cải tạo các vườn hoa: Diên Hồng, Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng. Các công viên, vườn hoa còn lại, hiện UBND các quận đang trong thời gian nghiên cứu, triển khai các trình tự thủ tục, bố trí kế hoạch vốn để thực hiện giai đoạn 2022-2025.

Dự án khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ tại tỉnh Bắc Ninh có giá từ 25 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ có vị trí tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dự án Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ cách QL 1A 5 km, trung tâm hành chính phường Đồng Kỵ 1 km, cách thành phố Bắc Ninh cách 15 km.

Dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ có tổng diện tích 240 ha; đất công trình thương mại hành chính 386.650 m2; đất ở đô thị 512.209 m2; đất công viên cây xanh, quảng trường, công viên mặt nước 326.462 m2; đất hạ tầng kỹ thuật 28.816 m2; đất giao thông 642.162 m2; mật độ xây dựng 26,31%.

Dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ phát triển với loại hình đất nền liền kề, biệt thự, nhà ở xã hội, công trình hỗn hợp, nhà ở cao tầng, trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, công trình thương mại, công trình văn hóa thể dục thể thao, quảng trường, công viên cây xanh hồ điều hòa.

Trong đó, đất nền liền kề và nhà vườn tại Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ có diện tích từ 97 m2 - 220 m2, mặt tiền 6 m – 10 m, mật độ xây dựng 80%, xây dựng cao 4 - 6 tầng. Đất nền biệt thự diện tích từ 350 m2 - 499 m2, mặt tiền 14 m – 21 m, mật độ xây dựng 60%, xây dựng cao 3 tầng. Đất nền shophouse diện tích từ 121 m2 - 191 m2, mặt tiền 6 m – 8 m; mật độ xây dựng 80% xây dựng cao 4 - 6 tầng.

Dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ thực hiện đầu tư giai đoạn 1 diện tích 50,5 ha; mở bán đợt 1 với quy mô 400 lô đất nền phân lô shophouse và đất nền liền kề. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án 1.158 tỷ đồng.

Phối cảnh Dự án khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ tại tỉnh Bắc Ninh
Phối cảnh dự án khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ tại tỉnh Bắc Ninh.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ: Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại, đại học quốc tế, bệnh viện quốc tế, công viên cây xanh, hồ điều hòa, quảng trường, hệ thống an ninh, gym, spa, fitness, khu công viên cây xanh gần 4,5 ha, hồ điều hòa rộng 7,5 ha…

Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ: Cách chợ Đồng Kỵ 1 km, cách trung tâm hành chính phường Đồng Kỵ 1 km, cách trường đại học thể dục thể thao Bắc Ninh 1 km, cách đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên 6 km, cách khu công nghiệp Tiên Sơn 5 km, cách khu công nghiệp Ninh Hiệp 8 km…

Dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ do Công ty TNHH Xây dựng đường 295B (trực thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Nam Hồng) làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Địa Tín làm đơn vị phân phối.

Công ty TNHH Xây dựng đường 295B hoạt động ngày 14/08/2009, có trụ sở có vị trí tại trung tâm thương mại Nam Hồng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Công ty TNHH Xây dựng đường 295B do ông Nguyễn Thế Nam làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, xây dựng công trình đường bộ, xây dựng nhà để ở…

Các sản phẩm đất nền tại dự án Khu đô thị Từ Sơn Garden City Đồng Kỵ có giá bán trên thị trường từ 25 triệu đồng/m2.