TP HCM: 2 công ty trúng giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền dù ngày 6/4 là hết thời hạn

Theo Cục Thuế TP HCM, hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá 2 lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.

Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất được miễn nộp lệ phí trước bạ nhưng đến nay vẫn chưa nộp tiền.

Tạm tính đến cuối tháng 2/2022, tiền phạt chậm nộp của 2 công ty này là hơn 22 tỷ đồng.

Trước đó, vào sáng 21/3, Cục Thuế TP HCM đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega liên quan đến việc chậm nộp tiền 2 lô đất trúng đấu giá trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tại buổi làm việc này, đại diện Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega thông tin cố gắng nộp số tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, 2 doanh nghiệp này đang huy động vốn để nộp gần 8.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất trúng đấu giá.

Bản tin bất động sản 6/4: T&T muốn
2 công ty trúng giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền dù ngày 6/4 là hết thời hạn. Ảnh minh họa

Ngày 6/1, Cục Thuế TP HCM đã ban hành 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021.

Sau đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7m2) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cũng xin không tiếp tục thực hiện dự án.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết TP HCM đang chịu áp lực về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.

T&T muốn "thay chân" của FLC tại một số dự án thuộc tỉnh Lâm Đồng

Ngày 5/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T về đề xuất đăng ký thực hiện dự án tại huyện Đức Trọng.

Theo đó, qua xem xét văn bản ngày 19/3 của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đăng ký thực hiện dự án tại huyện Đức Trọng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã cho ý kiến đối với dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim - khu 1 (quy mô diện tích 153ha) và các dự án khu đô thị mới phía Bắc dự án Nam sông Đa Nhim; khu đô thị mới phía Nam dự án Nam sông Đa Nhim (khu 2); khu đô thị mới phía Nam dự án Nam sông Đa Nhim (Khu 3).

Cụ thể, đối với dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim - khu 1 (quy mô diện tích 153ha), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết ngày 28/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đang chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T có nhu cầu nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị công ty nộp hồ sơ về Sở trước ngày 18/4.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ xem xét hồ sơ của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T khi hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC không đáp ứng các điều kiện quy định.

Dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim do FLC đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim do FLC đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T không nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia và sẽ thông tin đến công ty để tham gia đăng ký thực hiện dự án và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với các dự án khu đô thị mới phía Bắc dự án Nam sông Đa Nhim; khu đô thị mới phía Nam dự án Nam sông Đa Nhim (khu 2), khu đô thị mới phía Nam dự án Nam sông Đa Nhim (khu 3) Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện huyện Đức Trọng đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu đô thị mới Liên Nghĩa và khu đô thị mới tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Do đó, chưa có cơ sở xem xét về đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cho từng dự án theo quy định.

Liên quan đến dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim, trong báo cáo mới nhất của UBND huyện Đức Trọng, dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng ủng hộ ý tưởng và thống nhất đề xuất của Tập đoàn FLC về khảo sát nghiên cứu.

Quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng được UBND huyện phê duyệt tại quyết định ngày 16/3/2020. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam sông Đa Nhim được phê duyệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Tuy nhiên qua theo dõi, UBND huyện Đức Trọng cho biết hiện nay Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Thủ tướng: Khánh Hòa cần có trung tâm KHCN đẳng cấp quốc tế tại huyện Cam Lâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến thống nhất chủ trương nghiên cứu quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa theo định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, việc đầu tư cần xem xét, nghiên cứu vào thời điểm thích hợp. Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa Cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng để kết nối đồng bộ, khai thác hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh theo công suất thiết kế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý chủ trương cho nghiên cứu xây dựng sân bay phục vụ charter thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, gắn với phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và “huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp” theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để thực hiện vấn đề này, Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành.

Về lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa “huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay sinh thái, hiện đại, đẳng cấp quốc tế” và “tạo nền tảng để Khánh Hòa trở thành trung tâm của khu vực và cả nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tốt việc lập Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm song song với việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, tỉnh này cần lưu ý việc nghiên cứu quy hoạch theo hướng xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế và định hướng thu hút các cơ sở giáo dục và y tế đẳng cấp quốc tế tại huyện Cam Lâm.

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và đầu tư, nhất là mục tiêu hoàn thành Trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế (nếu được quy hoạch và nghiên cứu thực hiện) trước tháng 10 năm 2025, Chính phủ cho phép tỉnh Khánh Hòa thực hiện đồng thời nhiệm vụ, đồ án và các loại quy hoạch; việc thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Riêng về việc thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương tại Khánh Hòa, Thủ tướng đồng ý chủ trương thành lập và giao UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của Viện Hải dương học Nha Trang và Trung tâm trí tuệ toàn cầu tại đô thị mới Cam Lâm.

Chính phủ cũng đồng ý có cơ chế đặc thù gắn kết chặt chẽ hợp tác công tư (đầu tư công - quản lý tư hoặc lãnh đạo công - quản trị tư) và đầy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nhanh chóng chuyển giao, ứng dụng công nghệ đại dương cho phát triển kinh tế biển.

UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể về cơ chế đặc thù, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.

Sắp mở bán Dự án D’ Ozea Cosmo Bay Phú Quốc của Tân Hoàng Minh

D’ Ozea Cosmo Bay có vị trí nằm tại Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự án cũng nằm liền kề trục đường biển Trần Hưng Đạo và dễ dàng kết nối với 2 đường trục của khu vực là Cửa Lấp – An Thới lộ giới 68 m và đường Trung tâm Bãi Trường lộ giới 36 m.

D’ Ozea Cosmo Bay có tông diện tích quy hoạch là 34 ha, mật độ xây dựng chỉ 20% với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng. Sản phẩm của dự án D’ Ozea Cosmo Bay được thiết kế theo phong cách Bắc Âu với các loại hình biệt thự, shophouse, condotel đi kèm hệ thống tiện ích đa dạng.

Biệt thự với số lượng 100 căn, mỗi căn có diện tích khoảng 266 m2, được thiết kế 1 trệt 4 lầu với diện tích sàn lớn từ 468 – 500 m2. Shophouse số lượng 80 căn, diện tích mỗi căn 110 m2, được thiết kế xây dựng 1 trệt 4 lầu với diện tích sàn từ 360 – 500 m2. Condotel với số lượng 7000 căn, với diện tích mỗi căn đa dạng từ 45 – 114 m2. Các loại hình sản phẩm thuộc dự án sở hữu đường nội khu rộng từ 13,5 m.

Phối cảnh
Phối cảnh Dự án D’ Ozea Cosmo Bay Phú Quốc của Tân Hoàng Minh.

Với lợi thế bờ biển dài, dự án D’Ozea Cosmo Bay Phú Quốc được phát triển hệ thống tiện ích 3 lớp: lớp ngoài cùng là các tiện ích vui chơi, giải trí, khám phá như sân golf, sailing club, phố ẩm thực, trung tâm thương mại, quảng trường biển, quảng trường ánh sáng, bar ngoài trười. Lớp giữa là hệ thống các tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, hồi phục sinh lực, tận hưởng cuộc sống với chuỗi các khách sạn, nhà hàng trên không, sky bar, khu vực spa, massage, tắm khoáng nóng. Lớp trong cùng là các tiện ích phục vụ toàn diện các nhu cầu sinh hoạt của cư dân như siêu thị tiện lợi, trung tâm y tế, trường học, công viên, hồ cảnh quan…

Chủ đầu tư dự án D’ Ozea Cosmo Bay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group) được thành lâp ngày 16/06/1993, đặt trụ sở chính tại tầng 16, tòa nhà Vincom Center Hồ Chí Minh số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Dự án D’ Ozea Cosmo Bay được khởi công vào ngày 29/12/2021. Tính đến Tính đến tháng 4/2022, dự án D’Ozea Cosmo Bay Phú Quốc của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh hiện vẫn đang trong giai đoạn khởi động.