Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội

Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại công văn này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là đã phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu tiếp thu, giải trình và rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo kết luận số 321/TB-BGTVT ngày 5/8/2022 của Bộ GTVT.

Sau khi rà soát, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định lại phương án quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hàng khách/năm; cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách/năm.

“Tùy theo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều tiết, phân bổ các chuyến bay (slot) giữa 2 cảng hàng không, bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; đồng thời tạo động lực hấp dẫn đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai”, công văn của Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành);

Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng hàng không, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Phối cảnh sân bay Sa Pa - Lào Cai.
Phối cảnh sân bay Sa Pa - Lào Cai.

Về tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới đảm bảo 100% dân số khu vực đồng bằng và 95% dân số khu vực miền núi có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Trong thời kỳ 2021-2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP HCM, hình thành 28 cảng hàng không.

Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội). Đồng thời, hình thành một số cảng hàng không, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Như vậy, đối với sân bay thứ hai vùng Thủ đô, đến thời điểm này dự thảo quy hoạch mới nhất chỉ xác định là xây dựng tại Đông Nam Thủ đô Hà Nội nhưng chưa xác định được vị trị chính xác.

TP HCM dự kiến có 2 bến du thuyền hàng trăm tỉ

Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản thông tin về việc đầu tư phát triển, khai thác cảng hành khách trên các sông Nhà Bè, Sài Gòn, trong đó có hai bến du thuyền ở Mũi Đèn Đỏ và khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

“Hiện nay, một công ty đang triển khai dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7), trong đó có bến tàu khách quốc tế và một công ty đang triển khai dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tại quận 4, trong đó có cầu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội” - văn bản do ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, ký gửi UBND TP HCM nêu.

Trước đó, ngày 22/9/2017, báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ cho biết khu bến tàu khách quốc tế (bến du thuyền quốc tế) này có quy mô chiều dài cầu bến 600 m, rộng

22 m, cao độ 2,8 m. Kết cấu bến được tính toán đảm bảo tiếp nhận tàu khách có trọng tải đến 100.000 GT, diện tích sử dụng đất 2 ha. Tổng mức đầu tư hơn 842 tỉ đồng, đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Kế hoạch 3546 ngày 8-6-2017 của UBND TP về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP giai đoạn 2017-2020, bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ được định hướng phát triển khách du lịch đường biển

Theo Sở GTVT TP, khó khăn hiện nay là dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu đô thị kèm theo phải thực hiện báo cáo, trình Thủ tướng có văn bản chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, trong đó có bến này. Do đó, chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng bến tàu khách quốc tế được.

Còn khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội có tổng chiều dài là 1.800 m, chiều rộng cầu cảng trung bình 12-25 m, cầu cảng được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế.

Hiện nay, Công ty CP Cảng Sài Gòn đã di dời toàn bộ thiết bị, cần cẩu trên cảng về khu cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chỉ còn khai thác đối với tàu chở hàng rời có cần cẩu trên tàu và khai thác một phần 500 m cầu cảng phục vụ tàu du lịch biển và tàu nhà hàng du lịch.

Ngày 22/2/2019, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Trong đó có nội dung: “Cho phép giữ lại, tiếp tục quy hoạch 1.800 m cầu cảng tại khu vực Sài Gòn - Khánh Hội cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy…”.

Tuy nhiên, dự án này phải báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai thực hiện công tác di dời cảng Sài Gòn của các đơn vị. Trong đó, báo cáo, trình Thủ tướng chấp thuận tiếp tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng cũ) để thực hiện dự án. “Nên đến nay chủ đầu tư chưa triển khai các bước tiếp theo của dự án, ảnh hưởng đến khai thác hành khách du lịch trong nước và quốc tế tại khu cảng” - văn bản Sở GTVT TP nêu khó khăn.

Vị trí dự kiến sẽ có hai bến du thuyền tầm cỡ ở TP.HCM.
Vị trí dự kiến sẽ có hai bến du thuyền tầm cỡ ở TP HCM. Ảnh: plo.vn

Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International - chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine, có nhà máy tại TP HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP HCM, ngành công nghiệp đóng du thuyền mang lại hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Trong đó, Việt Nam là quốc gia biển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch và công nghiệp đóng du thuyền.

Bản thân ông đau đáu muốn phát triển trung tâm hàng hải hàng đầu tại TP HCM nhiều năm nay nhưng do chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Ông cho biết tại TP.HCM có nhiều vị trí rất đẹp và thuận lợi để xây dựng bến du thuyền hay trung tâm hàng hải kết nối thuận lợi để đi sâu vào nội địa và ra hướng biển, do vậy nếu chậm trễ sẽ lãng phí nguồn tài nguyên và đội ngũ lao động Việt Nam có tay nghề trong lĩnh vực đóng tàu.

“Đồng thời, việc có nhiều bến du thuyền tầm cỡ sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho người dân giải trí, du lịch và bộ môn thể thao du thuyền trên hệ thống sông, biển rất rộng lớn tại Việt Nam”, ông Richard Ward nói.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, thì cho rằng du thuyền là phương tiện được tầng lớp có điều kiện tài chính rất ưa chuộng, bởi thuận tiện di chuyển, có nhiều tiện nghi bên trong, đồng thời là cách tận hưởng phong cách sống thượng lưu của mình một cách đầy tinh tế.

“Hiện nay, số người có du thuyền ở Việt Nam chưa nhiều, mà lý do chính bởi vì nơi neo đậu hiếm và các địa điểm neo đậu hiện hữu chưa thực sự xứng tầm với giá trị của chiếc du thuyền” - ông Việt đánh giá.

Vì vậy theo ông Việt, việc có thêm những bến đậu đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp sẽ là điều kiện cần và đủ để gia tăng nhanh số lượng du thuyền tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

Tìm cách khắc phục tình trạng 'hiến đất làm đường để phân lô'

Mới đây, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết huyện đang triển khai khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về sai phạm trong việc cho phép người dân “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kết luận UBND huyện Cam Lâm đã nhận thức được tình trạng “hiến đất” làm đường để tách thửa có thể gây ra tình trạng phá vỡ quy hoạch sau này và đã báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã có ý kiến chỉ đạo.

Tuy nhiên, UBND huyện Cam Lâm lại cho tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cho hiến đất làm đường, sau đó cho tách thành nhiều thửa đất để phục vụ cho mục đích kinh doanh bất động sản của một số cá nhân là trái với các quy định về pháp luật đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Với những sai phạm trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên. Đồng thời, kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.

Ông Ngô Văn Bảo cho rằng UBND tỉnh yêu cầu khắc phục các hậu quả sai phạm đã xảy ra nhưng huyện Cam Lâm muốn khắc phục phải bám vào các quy định pháp luật.

Vì vậy, chủ tịch huyện Cam Lâm cho biết huyện đang nghiên cứu các quy định pháp luật để thực hiện việc hủy các văn bản theo kết luận của tỉnh. “Các phòng ban vẫn chưa tham mưu được phương án thực hiện vì không nằm trong quy định có sẵn”, ông Bảo nói.

Theo UBND huyện Cam Lâm, qua kiểm tra các khu đất hiến làm đường, tách thửa, thị trấn Cam Đức hiện có 22 trường hợp hiến đất làm đường, tách thửa. Trong đó, có nhiều trường hợp đã xây nhà, cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, còn có ba dãy nhà trọ mọc lên từ các thửa đất này.

Các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân cũng có tình trạng người dân cất nhà từ các trường hợp hiến đất làm đường, tách thửa.

Người đứng đầu chính quyền huyện Cam Lâm thừa nhận việc người dân đã xây nhà trên các thửa đất là vấn đề khó giải quyết hiện nay. Ông Bảo nói huyện đang phân tích quy định pháp luật về việc hủy các văn bản cũng như xem xét việc hủy văn bản sẽ tác động đối với chủ các thửa đất.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục họp bàn để tìm giải pháp. Giải pháp nào thuộc thẩm quyền thì huyện xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì huyện sẽ xin ý kiến tỉnh”, ông Bảo thông tin.

huyện đang triển khai khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về sai phạm trong việc cho phép người dân “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền.
Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai khắc phục hậu quả về sai phạm trong việc cho phép người dân “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền. Ảnh minh họa: Lành Vũ

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025 vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Điều này dẫn đến tình trạng UBND huyện Cam Lâm tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Hậu quả là có 114 trường hợp “hiến đất” tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57 ha.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật cảnh cáo, khiển trách với giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm; trưởng Phòng TN&MT huyện và cựu trưởng Phòng TN&MT huyện.

Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 bị cảnh cáo. Đồng thời, kỷ luật, cách tất cả chức vụ trong Đảng với hai phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự, cựu Bí thư Huyện ủy Cam Lâm và ông Nguyễn Hữu Hảo, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cựu Bí thư Huyện ủy Cam Lâm, cựu Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, nhiệm kỳ 2016-2021.

Sắp ra mắt dự án khu đô thị Ngũ Đại Kinh Đô tại Hội An

Ngũ Đại Kinh Đô có vị trí nằm tại thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dự án nằm cạnh tuyến đường Nguyễn Tất Thành, sông Thu Bồn và cầu Cẩm Kim, thuận tiện cho việc di chuyển đến các vùng lân cận và đến trung tâm thành phố Hội An.

Khu đô thị Ngũ Đại Kinh Đô có tổng diện tích hơn 65 ha, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Dự án được lấy ý tưởng từ Hội An thế kỷ XVI-XVII.

Dự án được thiết kế xây dựng mang phong cách hội tụ của 5 nền văn hóa, kiến trúc của 5 quốc gia lớn trên thế giới. Cung cấp ra thị trường với các loại hình nhà ở và dịch vụ thương mại.

dự án khu đô thị Ngũ Đại Kinh Đô tại Hội An
Phối cảnh dự án khu đô thị Ngũ Đại Kinh Đô tại Hội An.

Chủ đầu tư dự án Ngũ Đại Kinh Đô Hội An là Công ty Cổ phần Tập đoàn Royal Capital, được thành lập ngày 17/04/2008, đặt trụ sở tại 488 Hai Bà Trưng, phường Tân An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Theo thông báo thay đổi của doanh nghiệp ngày 04/03/2021, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ tăng từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Hoạt động trong các lĩnh vực như: Dịch vu lưu trú ngắn ngày, hoàn thiện công trình xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Dự kiến thông tin chính thức về khu đô thị này sẽ được ra mắt thị trường trong tháng 09/2022 và sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ Quý III/2023.