TP HCM: Hàng trăm dự án đầu tư công giải ngân 0 đồng

Đó là thông tin được ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TP HCM cho biết tại cuộc họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8/2022 vào sáng 4/8 do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì.

Ông Hiếu cho biết, có những công trình mà TP mong muốn thực hiện nhưng kết quả giải ngân quá chậm. Qua giám sát có 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0. Tỷ lệ giải ngân của các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, với 12 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

Theo báo cáo của UBND TP, đến cuối tháng 7/2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 8.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26% tổng kế hoạch vốn giao (gần 32.000 tỷ đồng). Theo ông Hiếu, có nhiều dự án đáp ứng đủ các tiêu chí bố trí vốn lại không đủ điều kiện triển khai thực hiện. Ông cho rằng các dự án được HĐND 16 quận thông qua trước tháng 6/2021 đều ách tắc; trong khi đó đây đều là dự án quy mô không lớn nhưng sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân.

Do đó TP cần rà soát lại và các sở, ngành và UBND TP phải làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thủ tục, tài chính, quyết toán… Phân tích thêm về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM, cho biết rơi vào các dự án có bố trí vốn lớn, với khoảng trên 200 tỷ đồng nhưng giải ngân thấp, chỉ dưới 10%. Trong đó chủ yếu rơi vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Cụ thể một số dự án chưa giải ngân được (tỷ lệ giải ngân bằng 0) gồm: dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng; dự án Cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh được đầu tư 277 tỷ đồng; công trình Trung tâm triển lãm quy hoạch TP 350 tỷ đồng, BV Đa khoa Phạm Ngọc Thạch…

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân dưới 10% có công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bố trí vốn 200 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân 9 tỷ đồng; dự án nút giao An Phú bố trí 375 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân 15 tỷ đồng; dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 bố trí 1.990 tỷ đồng, chỉ giải ngân 3 tỷ đồng (đạt 4%); dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát bố trí 1.039 tỷ đồng, chỉ giải ngân 237 triệu đồng…

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 7-2022. Ảnh: TTBC
Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội tháng 7/2022. Ảnh: TTBC

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường (TN-MT) TP, nhìn nhận trong lĩnh vực của ngành TN-MT, có 2 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công gồm công tác thẩm định giá và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Theo ông Bảy, báo cáo đầu tư công trước đây thường nói nguyên nhân chậm trễ giải ngân là do sự chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở TN-MT đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá.

Đến nay Sở TN-MT đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện. 7 tháng năm 2022, TP đã thông qua 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng. Ông Bảy phân tích, pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, chưa kể khâu quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều vướng mắc. Ông cho biết các đơn vị tư vấn trên địa bàn TP nhiều nhưng chất lượng không đồng đều và họ ngại tham gia thẩm định các dự án bồi thường bởi thù lao không nhiều nhưng trách nhiệm rất lớn.

Trong khi đó TP không có chế tài ép buộc các công ty này phải thực hiện. Do đó, quận, huyện loay hoay tìm đơn vị tư vấn. Phó Giám đốc Sở TN-MT TP cũng nhìn nhận sau khi TP có quyết định phê duyệt dự án thì lẽ ra quận, huyện phải chuẩn bị các khâu cần thiết để tiến hành phương án bồi thường, tái định cư. Nhiều trường hợp quận, huyện chậm trễ cả nửa năm, một năm khiến người dân phản ứng với giá bồi thường.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Bảy cho biết hiện nay một số địa phương nhầm giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc gặp khó khăn, gây kéo dài. Ông đề nghị Sở Tài chính quan tâm cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở quận, huyện vì nếu không củng cố ban này thì khi có dự án sẽ không thực hiện được. Tránh khoán việc vận động người dân cho Ban bồi thường này mà phải cơ cấu hệ thống chính trị để đạt hiệu quả đồng thuận cao hơn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở KH-ĐT TP HCM rút kinh nghiệm từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 để chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh những vấn đề khó khan như vừa qua. Ông cũng đề nghị các ngành tập trung quyết liệt mọi giải pháp đẩy nhanh đầu tư công. Sau hội nghị này TP sẽ tiếp tục ngồi lại rà soát vấn đề.

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Chờ Bộ Công thương lên tiếng

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phải có ý kiến để xem xét, quyết định việc thi công trở lại hay không đối với Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng trong tháng 7/2022, nhưng đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức.

Ngay sau khi có báo cáo tại thực địa với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục có kiến nghị khẩn thiết đề nghị Bộ Công thương quyết định cho phép thi công trở lại công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Cho đến thời điểm này, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn I đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân Tượng đài Bác Hồ.

Số liệu quan trắc dịch chuyển tại các hạng mục công trình và công trình hiện hữu từ thời điểm chu kỳ 0 vào tháng 11/2021 đến nay cho thấy, hố móng của công trình, phạm vi Tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu xung quanh ổn định, không có sự chuyển dịch bất thường.

Báo cáo Đánh giá tổng thể Dự án đã được Tư vấn thiết kế (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 - PECC1) lập trên cơ sở cập nhật kết quả khảo sát bổ sung, rà soát lại các tính toán trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình, tính toán kiểm tra lại kết cấu các hạng mục công trình căn cứ vào hồ sơ mô tả địa chất sau mở móng.

Sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu và rà soát lại các tính toán trước đây, Tư vấn thiết kế khẳng định, Hồ sơ thiết kế xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu.

Sau khi nghiên cứu, tính toán, thẩm tra hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án do PECC1 lập, Tư vấn thẩm tra độc lập (Liên danh Viện Kỹ thuật công trình và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) đã có Văn bản số 170/VKTCT-TTR ngày 29/4/2022, khẳng định: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của công trình phù hợp với điều kiện thực tế sau khi mở móng; các giải pháp thiết kế mà Tư vấn thiết kế đưa ra là phù hợp với thực tế thi công, đảm bảo an toàn ổn định theo yêu cầu, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận.

Xem xét hồ sơ Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế lập, tất cả 14 thành viên Hội đồng Tư vấn thẩm định Hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đều có ý kiến “đồng ý cho công trình thi công trở lại” bằng văn bản.

Các bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản thống nhất nội dung Báo cáo đánh giá tổng thể và thống nhất ý kiến cho phép thi công trở lại công trình.

Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tổng thể Dự án của Tư vấn thiết kế lập, ý kiến của Tư vấn thẩm tra độc lập, ý kiến đồng thuận của các bộ, UBND tỉnh Hòa Bình và các chuyên gia Hội đồng Tư vấn thẩm định, EVN đã có Văn bản số 2400/BC-EVN ngày 6/5/2022 báo cáo Bộ Công thương, khẳng định Hồ sơ thiết kế Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công cũng như vận hành lâu dài.

Đáng nói là, ngày 26/7, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của EVN, Bộ Công thương cho hay, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để sớm có ý kiến về Hồ sơ đánh giá an toàn tổng thể để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sớm thi công trở lại với công trường Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Tuy nhiên, tới ngày 1/8/2022, bộ này vẫn chưa có ý kiến và rất có thể sẽ lại là báo cáo tình hình và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề thi công trở lại hay không.

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Chờ Bộ Công thương lên tiếng
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng đợi ý kiến của Bộ Công thương. Ảnh minh họa

Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia trong những năm sau 2025, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong tình hình thay đổi cơ cấu nguồn điện hiện nay.

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư xây dựng với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện, từ đó góp phần trực tiếp giảm chi phí sản xuất điện, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh/năm.

Mặt khác, Dự án giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, Dự án tận dụng tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện.

Bởi vậy, tại Văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công thương, Bộ Xây dựng quyết định việc thi công trở lại trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập Thủy điện Hòa Bình và Tượng đài Bác Hồ.

Còn kết luận tại Thông báo 200/TB-VPCP ngày 9/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan tập trung khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Văn bản 302/TB-VPCP để xem xét, quyết định việc thi công trở lại hay không đối với Dự án trong tháng 7/2022.

Trên thực tế, Dự án đã phải dừng thi công hơn 8 tháng, gây khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Việc chỉ còn duy nhất Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước liên quan vẫn chần chừ đưa ra ý kiến chính thức của mình có thể không khó hiểu nếu xét dưới góc độ hiểu biết về kỹ thuật hay câu chuyện chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong bối cảnh thực tế gần đây.

Tuy nhiên, với tư cách là bộ lo điện cho nền kinh tế, nhất là khi miền Bắc nhìn rõ câu chuyện thiếu điện vì thiếu nguồn mới như vài năm qua, thì sự chùng chình này cần có lời giải thích rõ ràng, đặc biệt khi các bộ, ngành liên quan khác, cũng như UNBD tỉnh nơi có công trình và toàn bộ thành viên Hội đồng Tư vấn đều đã đồng ý cho thi công trở lại.

Theo số liệu của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, trong giai đoạn 1999 - 2018, tổng lượng nước xả thừa (không qua phát điện) là 175 tỷ mét khối, chiếm 19% lượng nước về hồ. Riêng từ đầu mùa lũ năm 2022 đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã phải xả nước qua tràn để chống lũ 3 đợt, với tổng cộng 7,18 tỷ mét khối, tương đương 1,6 tỷ kWh.

Sửa Luật Đất đai để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho dân

Chiều 4/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TN&MT phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Sửa Luật Đất đai là vấn đề khó, phức tạp nhạy cảm, nhưng không thể không làm”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu.

Ông Công cho biết, phản ánh của doanh nghiệp đến VCCI cho thấy thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, tạo ra chi phí lớn của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của VCCI, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh giá đất tăng nhanh.

Ông Phạm Tấn Công nêu thực tế, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.

“Cái gì thực tiễn đã chứng minh là đúng, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đã đi trước thì lần này đặt ra để cùng nhau giải quyết, những vấn đề lịch sử để lại thì lần này phải giải quyết được. Thực tiễn là hết sức quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ mục tiêu này, ông bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nhân để trả lời thật tốt các câu hỏi làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.  Ảnh minh họa
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo) xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; tổng kết Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật Đất đai và các luật có liên quan.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn được nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để trả lời thật tốt các câu hỏi: Làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân - doanh nghiệp…

Theo Bộ trưởng TN&MT, hiện nay các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, mệt mỏi về vấn đề đất đai. Do đó, các góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, tìm được giải pháp tốt nhất nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên.

"Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng sửa luật này để làm gì? Để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai. Tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi) là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không đảm bảo lợi ích cho nhà nước, không giải quyết được công bẳng cho các đối tượng thì chưa nên ban hành luật.

Luật phải ích nước, lợi nhà, đảm bảo tính ổn định, bền vững. Ban soạn thảo luôn luôn lắng nghe, không có hạn chế nào trong góp ý. Khi đã lắng nghe thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất có thể"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu và bày tỏ mong muốn nhận được các góp ý bằng văn bản để cân nhắc đưa vào dự thảo Luật.

Dự án du lịch nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort tại Ninh Thuận

Dự án Rocko Bay Resort Nình Thuận có vị trí phía Bắc vịnh Vĩnh Hy, dưới chân Núi Chúa, thôn Thái An, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Dự án du lịch nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort Ninh Thuận nằm sâu trong Bãi Thùng, gần vườn quốc gia Núi Chúa, khu du lịch Hang Rái…

Dự án Rocko Bay Resort Ninh Thuận được thiết kế với các loại hình villa, bungalow, condotel. Dự án được chia thành ba khu vực riêng biệt: Làng Promontory ở phía bắc; Làng suối ở trung tâm và làng biển ở phía nam.

Tiện ích nội khu dự án Rocko Bay Resort Ninh Thuận gồm khu spa view biển, hồ bơi vô cực trên vách đá, các tiện ích chăm sóc sức khỏe cùng 50 hoạt động trải nghiệm với các môn thể thao dưới nước, lướt ván diều, lặn biển, chèo thuyền thúng, kayak, trò chơi leo núi, đi bộ trên cây, hồ bơi nước biển, bungalow mặt nước…

Cùng với đó là tiện ích ngoại khu dự án Rocko Bay Resort Ninh Thuận: Vườn nho, cánh đồng muối, đồng cừu, sa mạc cát Mũi Dinh...

Dự án du lịch nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort tại Ninh Thuận
Dự án du lịch nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort tại Ninh Thuận.

Dự án Rocko Bay Resort Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Tập đoàn Du lịch Crystal Bay làm chủ đầu tư, Tập đoàn NDA làm đơn vị thiết kế.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Du lịch Crystal Bay có trụ sở chính tại tòa nhà số 1, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Vĩnh Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Công ty thành lập ngày 30/06/2016 do ông Nguyễn Tiến Trung làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Tập đoàn Du lịch Crystal Bay có 20 năm kinh nghiệm phát triển với 3 trụ cột: Lữ hành quốc tế và nội địa; quản trị, vận hành - khai thác khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí - chăm sóc sức khỏe và đầu tư hệ sinh thái bất động sản du lịch, giải trí, trải nghiệm…

Giai đoạn trước Covid-19, Tập đoàn Du lịch Crystal Bay khai thác 4,3 triệu phòng/đêm của gần 500 khách sạn. Thông qua 1.800 chuyến bay thuê chuyến trọn gói mỗi năm về Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình.

Tập đoàn NDA thiết kế Rocko Bay Resort giống như một ngôi làng cổ có sự giao thoa văn hóa của dân tộc Raglai, Kinh và Chăm của 2 khu vực Nha Trang và Phan Rang.