Thủ tục đầu tư nhà ở xã hội rắc rối, doanh nghiệp gặp khó?

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động mà phần lớn muốn thuê nhà ở xã hội hoặc phòng trọ.

TP. Hồ Chí Minh còn có 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân (chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp). Đồng thời, thành phố có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình, với 560.219 phòng trọ, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân.

“Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội phải là người thường trú tại TP. Hồ Chí Minh nên không làm tăng dân số của địa phương, dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 rất nhiêu khê” - theo báo cáo của HoREA.

Về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2020, cả nước đạt 41%. TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Nhưng kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của xã hội.

Đối với những vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở xã hội, HoREA chỉ ra, các doanh nghiệp chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%. Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần”, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt, do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.

Dựa trên những khó khăn, HoREA đã có những kiến nghị, trong đó đáng chú ý là đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng, một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, vì thế nên tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.

HoREA chỉ ra, các doanh nghiệp chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%. Ảnh minh họa
HoREA chỉ ra, các doanh nghiệp chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%. Ảnh minh họa

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN để Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-NHNN thì cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng lại phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi nhà ở xã hội.

HoREA đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để tăng cường chức năng quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công trình nhà trọ, phòng trọ tạo điều kiện cho công nhân lao động có chỗ ở tốt hơn, an toàn và nhiều tiện ích hơn. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Theo HOREA, quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô dưới 2ha có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích đất dự án.

Quy định này cũng dẫn đến ngân sách nhà nước không thu thêm được đồng nào để phát triển nhà ở xã hội. Qua đó, HoREA đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.

HoREA cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Điều kiện cấp sổ đỏ đất lấn chiếm mới nhất

Đất lấn chiếm trước ngày 1/7/2014, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì sẽ được cấp sổ đỏ.

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đất lấn chiếm được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp theo quy định và không có tranh chấp.

Để được cấp sổ đỏ đối với đất lấn chiếm thì thời gian lấn, chiếm phải xảy ra trước ngày 1/7/2014, sau ngày 1/7/2014 hành vi lấn, chiếm đất là vi phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ hộ gia đình, cá nhân mới được cấp, không áp dụng với tổ chức.

Mặt khác, không phải tất cả các trường hợp lấn, chiếm đều được cấp sổ đỏ mà chỉ có người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà không có tranh chấp thì được cấp sổ đỏ.

Điều kiện cấp sổ đỏ đất lấn chiếm mới nhất. Ảnh minh họa
Điều kiện cấp sổ đỏ đất lấn chiếm mới nhất. Ảnh minh họa

Hiện nay, có 3 trường hợp đất lấn chiếm được cấp sổ đỏ, gồm: Người đang sử dụng đất ổn định theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và không có tranh chấp; Người đang sử dụng đất ổn định theo quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và không có tranh chấp; Người sử dụng đất ổn định theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và không có tranh chấp.

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm phải nộp tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ.

Thứ hai, nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ đỏ khi xin cấp sổ đỏ cho đất lấn chiếm. Trong đó, lệ phí trước bạ = 0,5% x (diện tích x giá 1 m2 tại bảng giá đất).

Lưu ý, tùy vào quy định của Hội đồng nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cá nhân, hộ gia đình sẽ nộp khoản tiền khi làm lệ phí cấp sổ đỏ khác nhau.

Đồng thời, tùy thuộc vào từng trường hợp (có hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, nguồn gốc, vị trí, diện tích thửa đất…) mà số tiền phải nộp khác nhau.

TP HCM: Quận 12 có 14 vị trí đất công không sử dụng, gây lãng phí

Sáng 2/8, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM đã có buổi giám sát về kết quả thực hiện pháp luật về đầu tư công, hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP đối với UBND quận 12.

Báo cáo tại đây, UBND quận 12 cho biết tính đến tháng 1/2021, TP đã bố trí vốn thực hiện và vốn chuẩn bị đầu tư cho 160/175 dự án tại địa bàn quận 12 giai đoạn 2016-2020. Trong đó có 75 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100 dự án còn lại vẫn chưa hoàn thành gồm 29 dự án đang thi công, 56 dự án chuẩn bị đầu tư, 15 dự án chưa được bố trí vốn. 100 dự án này sẽ chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện.

Với 40 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm giai đoạn 2016-2020, tất cả đã được quận bố trí vốn thực hiện và vốn chuẩn bị đầu tư.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm giai đoạn 2021-2025 sử dụng ngân sách TP, nguồn TP tập trung có 58 dự án, trong đó có 43 dự án chuyển tiếp, 15 dự án chuẩn bị đầu tư. Nguồn TP phân cấp có 68 dự án chuyển tiếp.

Nói về khó khăn trong quá trình thực hiện, UBND quận 12 cho rằng tốc độ đô thị hóa tại địa bàn đang diễn ra mạnh, quận cũng là đơn vị được TP lựa chọn thí điểm quận đô thị thông minh nhưng việc đầu tư cho quận chưa tương ứng. Quận có 36 dự án mới thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.211 tỉ đồng nhưng đến nay HĐND TP mới thông qua kế hoạch trung hạn cho 13 dự án.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; việc hỗ trợ, bồi thường còn thấp hơn so với giá đất thị trường nên thường xảy ra khiếu nại. Ngoài ra, các thủ tục liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn có sự chồng chéo cũng ảnh hưởng đến tiến độ.

Khi thực hiện chính quyền đô thị thì quận trở thành đơn vị dự toán của TP, do đó quận không còn nguồn kinh phí tăng thu bổ sung vốn đầu tư cho một số công trình đang thực hiện, không có nguồn để thanh toán cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký.

Từ đó, quận 12 kiến nghị khi TP phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cần ưu tiên bố trí đủ vốn bồi thường. Bởi nếu bố trí không đủ, buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện dự án, khi đó sẽ mất thêm thời gian để làm lại thủ tục từ đầu… Quận cũng kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc tổ chức thực hiện dự án, nhất là các dự án bồi thường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn được giao hằng năm.

Cùng đó, cần có quy trình phối hợp giữa các sở, ngành TP trong việc giải quyết thủ tục liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quy trình, thủ tục để sáp nhập dự án xây dựng, dự án bồi thường theo Luật Đầu tư công năm 2019.

Dự án khu dân cư Urban Dream tại huyện Bàu Bàng có giá từ 12 triệu đồng/m2

Dự án Khu dân cư Urban Dream (Khu dân cư Đức Phát 3) có vị trí tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Dự án Khu dân cư Urban Dream cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 18 km, cách trung tâm thành phố Thuận An 15 phút.

Dự án Khu dân cư Urban Dream có tổng diện tích 30,54 ha; diện tích đất xây dựng nhà ở 155.808,6 m2; diện tích sàn xây dựng nhà ở 392.152 m2; diện tích đất công trình công cộng 19.468,3 m2; mật độ xây dựng 47,30%.

Dự án Khu dân cư Urban Dream có quy mô 1.709 lô đất nền diện tích đa dạng từ 70 m2, 80 m2, 100 m2, 150 m2; quy mô dân số tại dự kiến 3.135 người.

Tiện ích nội khu dự án Khu dân cư Urban Dream: Hệ thống trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 quy mô 14.385,4 m2; trung tâm y tế rộng 2.830,4 m2; công viên cây xanh, các cung đường nội bộ, khu vui chơi trẻ em rộng 1,2 ha; tuyến đường giao thông, đèn chiếu sáng…

Dự án Khu dân cư Urban Dream.
Dự án Khu dân cư Urban Dream.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu dân cư Urban Dream: Trường mầm non Lai Uyên, trường THCS Lai Uyên, trường THPT Lai Uyên, trường trung cấp nghề; khu công nghiệp Vsip 2, khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Lai Hưng, khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng; UBND thị trấn Lai Uyên, trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng…

Dự án Khu dân cư Urban Dream do Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Đức Phát làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở tại số 39/10 khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Đức Phát thành lập ngày 08/04/2016 do bà Đặng Thị Ngân làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật…

Các sản phẩm đất nền tại dự án Khu dân cư Urban Dream có giá bán trên thị trường từ 12 triệu đồng/m2.