Bà Rịa - Vũng Tàu: Diễn biến mới tại khu du lịch Hyatt Regency Ho Tram hơn 2.500 tỷ

Theo đó, xét công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh dự án, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc sử dụng đất của dự án, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các nội dung về thủ tục đất đai liên quan đến khu du lịch Mặt Trời Buổi Sáng (Khu A).

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng được yêu cầu phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn Công ty TNHH Thương mại Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chỉnh đầu tư dự án, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư theo đúng quy định, thời hạn hoàn thành trong tháng 6.

Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ quan liên quan được cũng cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án. Về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩ vụ về ký quỹ đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án khu du lịch Mặt trời buổi sáng (khu A) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2002, đến năm 2003 được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Cuối năm 2003, tỉnh đã thu hồi và bàn giao hơn 9ha đất cho Công ty TNHH Thương mại – Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng thuê.

Dự án này có diện tích hơn 9ha, phía bắc giáp đường ven biển Bến Cát – Hồ Tràm; phía nam giáp Biển Đông; phía đông giáp khu du lịch Ngân Hiệp và phía tây giáp khu du lịch Long Sơn.

khu du lịch Hyatt Regency Ho Tram hơn 2.500 tỷ.
Khu du lịch Hyatt Regency Ho Tram hơn 2.500 tỷ.

Đến tháng 7/2019, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay dự án đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng rào, hồ cảnh quan, khu nhà văn phòng, chòi ngắm biển ven bờ, khu nhà nghỉ, 10 biệt thự, hệ thống đường giao thông nội bộ...

Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kinh tế nên chủ đầu tư không thể đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động kinh doanh, dẫn đến chậm triển khai. Chủ đầu tư đã xin giãn tiến độ thực hiện và cam kết sẽ đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động vào quý II/2022.

Tháng 7/2020, Công ty TNHH Hồ Việt Capital (một đơn vị trong hệ sinh thái IFF Holdings) đã mua lại dự án thông qua nhận chuyển nhượng 90% vốn điều lệ tại Mặt Trời Buổi Sáng. Sau khi về tay nhóm IFF Holdings, dự án có tên thương mại là Hyatt Regency Ho Tram và được điều chỉnh quy hoạch vào cuối năm 2020.

Tại lần điều chỉnh mới nhất vào tháng 3/2022, tổng mức đầu tư của dự án được tăng từ 135,6 tỷ đồng lên 2.501 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 500 tỷ đồng và vốn vay là 2.001 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh thành 18 tháng, khởi công xây dựng vào quý IV/2021 và đưa vào hoạt động trong quý IV/2022.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao Công ty TNHH Thương mại Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng có trách nhiệm liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đối với phần vốn đầu tư tăng thêm đảm bảo việc thực hiện dự án theo quy định; hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh vào tháng 12/2022.

Theo UBND tỉnh, trong trường hợp, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Mặt Trời Buổi Sáng không đưa dự án vào hoạt động trong tháng 12/2022, dự án sẽ bị chấm dứt hoạt động theo quy định và tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án sẽ bị thu vào ngân sách tỉnh; nhà đầu tư không được bồi thường về mọi chi phí đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Tài sản công là nhà, đất chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, Đoàn giám sát của HĐND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị qua kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện sai phạm trong quản lý tài sản công, nhất là những sai phạm nghiêm trọng cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất luôn được thành phố Hà Nội xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng, phức tạp, có nhiều khó khăn, được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo và cử tri đặc biệt quan tâm. "Việc HĐND thành phố giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố nhằm đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực tế tình hình và kết quả thực hiện các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về quản lý, sử dụng tài sản công", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc HĐND thành phố lựa chọn vấn đề này để giám sát là rất trúng bởi UBND thành phố cũng xác định trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố dù có nhiều kết quả tích cực, song cũng còn hạn chế, chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Theo tổng hợp của Đoàn giám sát, qua nghiên cứu tài liệu, báo cáo của 8 sở, ngành; 30 quận, huyện, thị xã; 25 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức xã hội và tổ chức giám sát trực tiếp tại 6 cơ quan và đơn vị cho thấy, thời gian qua, UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc. Bên cạnh đó, thành phố đã xử lý 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà là các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. Đáng chú ý, công tác quản lý, bố trí, bán căn hộ tái định cư đã đáp ứng được nhu cầu tái định cư phục vụ các dự án phát triển đô thị; công tác quản lý, vận hành nhà chung cư phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân tái định cư. Ngoài ra, thành phố đã quan tâm, bước đầu bảo đảm ổn định nơi ở cho công nhân, sinh viên, hộ thu nhập thấp và hộ tái định cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát trực tiếp tại nhiều đơn vị, Đoàn giám sát cho rằng, việc quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm; công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công còn chậm. Đồng thời, thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả một số tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan nhà nước khi chưa sử dụng hết công suất. "Đặc biệt, công tác quản lý để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài chưa được xem xét, giải quyết triệt để; vẫn còn nợ đọng tiền cho thuê đất...", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh.

HĐND thành phố Hà Nội đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ảnh: Đại biểu Nhân dân
HĐND thành phố Hà Nội đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ảnh: Đại biểu Nhân dân

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, tài sản công là nhà, đất có giá trị rất lớn, lĩnh vực này có phạm vi quản lý rộng, hình thành qua nhiều thời kỳ, nhiều năm, nhiều chính sách ban hành. Vì vậy, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất bảo đảm hiệu quả, khắc phục tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thu cho Nhà nước và khai thác chưa hiệu quả giá trị khối tài sản công này.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cần rà soát, đánh giá lại mô hình hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội; tăng cường kỷ cương, huy động sự tham gia phối hợp trong công tác quản lý của chính quyền cấp quận, phường. Cùng với đó, kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát hiện qua các cuộc kiểm tra, rà soát do các sở, ngành, đơn vị báo cáo, đề xuất; cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra nếu có sai phạm cần xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, giao trách nhiệm cho sở, ngành cụ thể về xây dựng đơn giá thuê nhà; tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các quận, huyện, thị xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của cơ quan quản lý tài sản công cùng cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này cả về số lượng, chất lượng, nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

"UBND thành phố cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý, sử dụng nhà, đất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định liên quan. Trước mắt, UBND thành phố tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu về nhà, đất vào Cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố; đồng thời, xây dựng phần mềm khai thác hiệu quả dữ liệu này phục vụ công tác quản lý của thành phố", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nhấn mạnh.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu UBND thành phố cần chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp, quản lý, sử dụng quỹ nhà 30%, quỹ đất 20 - 25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị được bàn giao lại cho thành phố. “UBND thành phố sớm giao cho các sở, ngành rà soát nợ đọng để có giải pháp thu hồi. Trong đó, phân loại, có lộ trình, chế tài mạnh mẽ để xử lý, thu hồi”, bà Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu.

Hưng Yên xây dựng thêm cụm công nghiệp 48ha

CTCP Đầu tư hạ tầng Công nghiệp Yên Mỹ MBLand sẽ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp Yên Mỹ rộng gần 48ha tại Hưng Yên.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có Quyết định 1301/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ.

Theo Quyết định, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP Đầu tư hạ tầng Công nghiệp Yên Mỹ MBLand. Tỉnh Hưng Yên yêu cầu Yên Mỹ MBLand đảm bảo tiến độ, các quy định về quản lý đất đai theo quy định.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp (CCN) là sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành: điện tử, ôtô, cơ khí; công nghiệp công nghệ cao, các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Phạm vi lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN Yên Mỹ có diện tích 477.773m2 được thực hiện trên địa bàn quản lý của các xã Trung Hòa, Tân Lập và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cơ cấu sử dụng đất gồm hơn 348.700 m2 diện tích xây dựng nhà máy, kho; 54.650m2 diện tích đất giao thông; 52.488 diện tích cây xanh, mặt nước còn lại khu điều hành dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe.

Quy hoạch xây dựng CCN Yên Mỹ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hoạt động, sản xuất của các doanh nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường theo quy định.

Đồng thời, phục vụ di dời, đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tăng ngân sách cho địa phương.

Các khu chức năng của CCN được hình thành trên cơ sở định hướng phát triển giao thông nội bộ CCN, các trục giao thông chính kết nối vuông góc với giao thông đối ngoại là đường tỉnh lộ ĐT.376, đảm bảo nhu cầu giao thông vận tải cho CCN.

Khu điều hành, dịch vụ với các công trình theo kiến trúc hiện đại bố trí phía tây nam CCN, nằm tại cửa ngõ CCN thuận tiện về giao thông, là điểm nhấn kiến trúc cho CCN.

Các lô đất xây dựng nhà máy bố trí dọc theo các tuyến đường nội bộ của CCN. Các nhà máy, xí nghiệp quản lý theo một tổng thể hài hòa về màu sắc và hình thức kiến trúc, đồng thời tuân thủ chiều cao, mật độ, khoảng lùi đúng quy hoạch.

Khu hạ tầng kỹ thuật bố trí ở phía đông bắc khu đất, thuận tiện để cung cấp và đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho CCN.

Tổng nhu cầu cấp nước cho CCN khoảng Q=1560m3/ngđ. Nguồn cung cấp nước dự kiến lấy từ hệ thống cấp nước của huyện Yên Mỹ thông qua tuyến ống cấp nước phân phối dọc đường tỉnh lộ ĐT.376.

Tổng nhu cầu cấp điện cho CCN khoảng 10.600kVA. Nguồn cấp điện dự kiến lấy từ trạm biến áp 110kv/22kv dự kiến xây dựng cạnh đường tỉnh ĐT.376 phía Tây Bắc dự án theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025.

Yên Mỹ MBLand có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Yên Mỹ hoàn thiện các thủ tục, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết. Nếu quá thời hạn đã cam kết, tỉnh Hưng Yên sẽ xem xét tiến hành lựa chọn chủ đầu tư mới.

UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn Yên Mỹ MBLand triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện theo đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Về chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, CTCP Đầu tư hạ tầng Công nghiệp Yên Mỹ MBLand (thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) được thành lập năm cuối tháng 9/2017 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Đến tháng 5/2021, Yên Mỹ MBLand đã tăng vốn điều lệ lên 75 tỷ đồng.

Theo định hướng phát triển CCN của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 35 CCN với tổng diện tích trên 1.399 ha, giai đoạn 2021-2025 sẽ mở rộng quy mô 2 CCN và hình thành thêm 5 CCN mới, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 40 CCN, với tổng diện tích hơn 1.709 ha.

Dự án Felicity Phú Quốc đang được bàn giao

Felicity Phú Quốc có vị trí nằm tại bãi Ông Lang, xã Cửa Dương và xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Từ dự án chỉ cách trung tâm thị trấn Dương Đông chưa đến 10 km và cách sân bay Phú Quốc khoảng 20 km di chuyển.

Felicity Phú Quốc có tổng diện tích lên đến 51,62 ha, mật độ xây dựng của dự án thấp chỉ 12,32%. Phần diện tích còn lại dành cho cảnh quan, tiện ích đường nội khu. Sản phẩm của dự án Felicity Phú Quốc được thiết kế xây dựng bao gồm: 79 căn biệt thự, 329 căn condotel và 305 phòng khách sạn.

Biệt thự nghỉ dưỡng có số lượng 79 căn, trong đó có 56 căn hướng hồ, 22 căn hướng biển, 01 căn tổng thống hướng biển. Các căn biệt thự hướng hồ có diện tích từ 230 – 250 m2 và các căn biệt thự hướng biển có diện tích 418,5 m2, được thiết kế từ 1 – 2 tầng với mật độ xây dựng thấp.

Thiết kế biệt thự tại Felicity Phú Quốc.
Thiết kế biệt thự tại Felicity Phú Quốc.

Condotel tại Felicity Phú Quốc được xây dựng với 1 tòa tháp gồm 9 tầng nổi với 329 căn hộ 5 sao. Các căn hộ được thiết kế xây dựng với 1 – 2 phòng ngủ, với căn 1 phòng ngủ diện tích từ 39,9 – 45,4 m2 và các căn 2 phòng ngủ diện tích từ 91,8 – 112 m2.

Toàn dự án Felicity Phú Quốc sở hữu hệ thống 52 tiện ích, dịch vụ như: hồ cảnh quan khủng với 2 bể bơi lớn ven hồ và biển, đài phun nước; khu chăm sóc sức khỏe, thư giãn, khu spa, phòng gym; khu tổ chức tiệc ngay trên bãi biển, khu trung tâm hội nghị có quy mô rộng lên đến 1000 m2…

Chủ đầu tư dự án Felicity Phú Quốc là Công ty cổ phần Ngôi Sao Cửa Dương (M.I.K Group), đơn vị phát triển dự án Sun Property, đơn vị phân phối độc quyền dự án địa ốc PQR.

Công ty cổ phần Ngôi Sao Cửa Dương được thành lập ngày 11/10/2005, đặt trụ sở tại tổ 1, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo công bố thay đổi ngày 27/01/2021, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực như: dịch vụ lưu trú ngắn ngày, kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà để ở…

Ngày 22/05/2022, sự kiện kick-off dự án Felicity Phú Quốc được tổ chức.