Chấp thuận đặt ga ngầm C9 không ảnh hưởng đến Hồ Gươm, tăng vốn 500 tỉ đồng

Ngày 27/9, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết Thường trực Chính phủ đã chấp thuận phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo theo Phương án 1. Căn cứ vào đây, UBND TP Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo MRB, ga ngầm C9 có vị trí tại khu vực Hồ Gươm là di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt. Do vậy, quá trình nghiên cứu đã được thực hiện một cách cẩn trọng, đầy đủ các bước theo quy trình, quy định của pháp luật. Thiết kế hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu, xem xét hơn 10 phương án tuân theo trình tự xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị.

Các kết quả nghiên cứu đều được xin ý kiến tham vấn các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư liên quan; tổ chức các hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và người dân.

Do phương án đề xuất phê duyệt từ năm 2017 (có một phần thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn) nên chưa nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ VH-TT &DL và Ủy ban Khoa học Giáo dục của Quốc hội...

Chấp thuận đặt ga ngầm C9 không ảnh hưởng đến Hồ Gươm, tăng vốn 500 tỉ đồng
Chấp thuận đặt ga ngầm C9 không ảnh hưởng đến Hồ Gươm, tăng vốn 500 tỉ đồng. Ảnh minh họa

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo MRB và các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án bố trí ga ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, kỹ thuật và mang tính khả thi, giảm ảnh hưởng tới Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm. Theo đó, 3 phương án đặt ga ngầm C9 đã được đưa ra, gồm:

Phương án 1: Nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm. Ga ngầm C9 nằm bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017. Ga ngầm C9 nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ Hồ Gươm tại phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, phần chính thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong Vùng bảo vệ II di tích Hồ Hoàn Kiếm.

Phương án 3: Bỏ ga ngầm C9 (hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai).

Trên cơ sở ý kiến trao đổi thống nhất của bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp và văn bản góp ý, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành thống nhất đề xuất phương án bố trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm theo Phương án 1 là phương án chọn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Phương án 1, ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài 202,4m, rộng 15m, sâu khoảng 31m, ga nằm trên đường cong có bán kính 800m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội; bố trí 2 lối lên xuống số 1 và 2 ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu.

Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió (cao 13m) và phòng máy phát điện... cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội lên 705m2, tăng 260m2 so với phương án đề xuất ban đầu; lấy thêm đất của UBND TP khoảng 25m2 để bảo đảm thi công.

Mặc dù việc điều chỉnh thiết kế ga C9 và đoạn tuyến làm tăng thêm chi phí xây dựng (khoảng 500 tỉ đồng), tăng chi phí vận hành bảo dưỡng, kém thuận lợi cho hành khách nhưng tại cuộc họp ngày 24/9/2022, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 theo Phương án 1.

Đây sẽ là cơ sở để UBND TP Hà Nội hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đề xuất cho TP Thủ Đức giữ toàn bộ số tiền từ nguồn thu sử dụng đất

Chiều 27/9, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát về tình hình thực hiện nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM.

Tại đây, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, UBND TP tổ chức lấy ý kiến nhiều chuyên gia, các bộ ngành về dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, kiến nghị bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP, trong đó lồng ghép cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức.

Tổ biên soạn hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội đã soạn thảo một số cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức.

Theo bà Mai, trong dự thảo nghị quyết mới cũng đã xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Theo đó, HĐND, UBND TP HCM thực hiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho HĐND, UBND TP Thủ Đức. Chủ tịch UBND TP HCM thực hiện việc ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, dựa theo quy định tại Điều 19, 21 và 22 Luật Tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015.

HĐND TP quyết định việc phân công một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP Thủ Đức.

Đề xuất cho TP Thủ Đức giữ toàn bộ số tiền từ nguồn thu sử dụng đất. Ảnh minh họa
Đề xuất cho TP Thủ Đức giữ toàn bộ số tiền từ nguồn thu sử dụng đất. Ảnh minh họa

Trong phạm vi các nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được phép ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền.

Cũng theo dự thảo, về ngân sách, TP Thủ Đức được giữ lại toàn bộ số tiền thu được từ nguồn thu sử dụng đất và toàn bộ số vượt thu so với pháp lệnh hàng năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh để phục vụ chi cho đầu tư phát triển trên địa bàn.

HĐND TP quyết định sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của TP Thủ Đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của TP Thủ Đức nhưng không vượt quá cơ cấu tổ chức của đơn vị cấp tỉnh loại I theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 2 Điều 18 của Luật Tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015; quyết định chế độ công tác, phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo đối với TP Thủ Đức ở mức cao hơn đô thị loại I của thành phố thuộc tỉnh và nhưng không vượt quá cấp tỉnh và TP trực thuộc Trung ương.

Dự thảo nghị quyết mới cũng đề xuất thành lập các cơ quan, đơn vị tại TP Thủ Đức như: Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Cục thuế TP Thủ Đức trực thuộc Cục Thuế TP.HCM; Đội trật tự xây dựng và đô thị TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức trên cơ sở tổ chức lại đội thanh tra địa bàn TP Thủ Đức và đội trật tự đô thị; Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức…

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vi phạm về đất đai tại Đà Nẵng

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có 2 trường hợp thuộc diện phải thu hồi đất.

Cụ thể, theo kết quả kiểm tra tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng, từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực ngày 1/7/2014 đến nay, trên địa bàn thành phố này có 82 dự án, khu đất vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định.

Đến nay, các chủ đầu tư, người sử dụng đất thuộc diện trên đã nộp tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách, với tổng số tiền hơn 345,5 tỷ đồng.

Tuy vậy, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện vẫn còn 17 dự án, khu đất còn trong thời gian gia hạn; 5 khu đất của Công ty Cổ phần Khang Hưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 5 khu đất của Công ty Cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành vừa hết thời gian gia hạn.

Riêng 2 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật phải thu hồi đất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải Du lịch dịch vụ và Thương mại Triết Thuần với diện tích 5.473,3m2 đất tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu.

Tiếp theo là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm Thiện với diện tích kiến nghị thu hồi 485m2 đất tại đường Phan Huy Ích, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Dự án khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort tại tỉnh Hòa Bình

Dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort có vị trí tại khu vực Suối Thần, xóm Đoàn Kết I, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án Viên Nam Resort cách thành phố Hòa Bình 20 km, cách thành phố Hà Nội 46 km về phía Tây Bắc.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort có tổng diện tích 150 ha, quy mô 231 biệt thự sinh thái, được xây dựng chia thành 2 giai đoạn gồm:

– Giai đoạn 1: 60 ha với các phân khu chức năng chính như khu biệt thự time share 30 ha, khu trung tâm nghỉ dưỡng 10 ha, khu thiên nhiên hoang sơ bảo tồn 20 ha; quy mô gồm 33 căn biệt thự, diện tích từ 500 m2 - 800 m2 - 3000 m2.

– Giai đoạn 2: Mở rộng thêm 90 ha.

Thiết kế biệt thự Tropical Villa dự án Viên Nam Resort Hòa Bình với tổng diện tích sử dụng 240 m2, thiết kế 3 phòng ngủ, 4 WC; có các tiện ích như khu sinh hoạt chung, khu bếp, khu ngủ phụ, bể sục, chòi nghỉ spa, bể bơi (option), gara (option).

Mẫu thiết kế biệt thự Tropical Villa Viên Nam Resort Hòa Bình.
Mẫu thiết kế biệt thự Tropical Villa Viên Nam Resort Hòa Bình.

Tiện ích dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort: Câu lạc bộ vui chơi giải trí, khu vực vườn bộ, bể bơi tại mỗi biệt thự, khu bảo tồn, khu nghỉ dưỡng trung tâm, nhà hàng ẩm thực, khu vực để xe máy, khu vực để ô tô, khuôn viên cây xanh, khu massage và bể bơi trung tâm, khu sinh hoạt cộng đồng, khu trung tâm văn hóa.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort nằm cách sân Golf Phoenix 9 km; đến sân Golf Skylake 23 km, đến vườn quốc gia Ba Vì 42 km, đến trung tâm thành phố Hòa Bình 20 km.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort do Công ty Cổ phần Đầu tư Archi làm chủ đầu tư, công ty có trụ số chính tại tòa nhà Capital, 58C Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Công ty Cổ phần Đầu tư Archi thành lập ngày 28/03/2008 do ông Nguyễn Thành Nam làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.

Các sản phẩm tại dự án Khu nghỉ dưỡng Viên Nam Resort có giá bán trên thị trường từ 17 triệu đồng/m2.