Bình Dương di dời 2.900 nhà máy khỏi khu dân cư

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương". Đến nay, kế hoạch và giải pháp đã có, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc di dời nhà máy khỏi khu dân cư.

Nhiều hộ dân tại khu phố 9 (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói khi nghe thông tin về việc tỉnh sẽ di dời các DN trong khu dân cư, họ rất mừng. Bởi các hộ dân nơi đây từ lâu đã bức xúc liên quan đến việc thường xuyên xả khói, bụi kèm theo mùi hôi của Công ty TNHH Shijar Việt Nam (đường Nguyễn Thái Bình, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một chuyên sản xuất gạch men. Họ lo lắng trẻ em nếu hít nhiều khói bụi sẽ mắc các bệnh về hô hấp.

"Mặc dù các ngành chức năng nhiều lần xuống làm việc và đề nghị DN này khắc phục hậu quả nhưng lâu lâu sự việc vẫn tái diễn. Do đó, khi nghe thông tin đẩy nhanh việc di dời các DN trong khu dân cư, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ" - anh Nguyễn Văn Lý, một hộ dân bị ảnh hưởng, nói.

Theo anh Lý, ngoài vấn đề về môi trường thì việc những nhà máy sản xuất giữa khu dân cư còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Trong đó, đáng kể nhất là an toàn cháy nổ, an toàn giao thông (xe tải ra vào thường xuyên) và an ninh trật tự.

Việc di dời các DN sản xuất ra khỏi khu dân cư, quy tụ sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp là cần thiết, song đề án này cũng khiến không ít DN băn khoăn. Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 60 DN hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ, tập trung chủ yếu ở TP Thuận An và thị xã Tân Uyên. "Là nghề đặc thù đòi hỏi công nhân phải có tay nghề, nên khi di dời vào các KCN điều lo lắng của DN là không có người làm, chi phí bỏ ra di chuyển nhà xưởng cũng là vấn đề nan giải" - ông Vương Siêu Tín nói và đề nghị tỉnh Bình Dương phải có thông tin cụ thể trong hỗ trợ DN. Ông Tín cũng đề nghị đối với quỹ đất DN đang sản xuất phải di dời, tỉnh Bình Dương cần có hướng dẫn chuyển đổi công năng.

Cũng trăn trở về nguồn lao động sản xuất khi di dời, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho rằng hiện công nhân đã ổn định chỗ ở, khi chuyển đến nơi mới, họ khó di chuyển theo DN, mà đây là vấn đề cốt lõi sống còn của DN. "Nếu ồ ạt di chuyển DN sản xuất trong một thời điểm, sự giành giật công nhân giữa các DN sẽ xảy ra. Khi đó, DN nhỏ sẽ rất khó khăn. Do đó, UBND tỉnh cũng cần dàn trải trên một khoảng thời gian dài. Những quỹ đất cho DN di dời cũng nên quy hoạch theo ngành nghề để hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai" - bà Liên kiến nghị.

Bình Dương di dời 2.900 nhà máy khỏi khu dân cư. Ảnh minh họa
Bình Dương di dời 2.900 nhà máy khỏi khu dân cư. Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.900 DN nằm ngoài KCN phải di dời hoặc chuyển đổi công năng với diện tích đất đang sử dụng gần 1.800 ha. Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương ghi nhận và mong muốn các DN đồng tình với chủ trương di dời. "Phía tỉnh cũng đã có lộ trình di dời cụ thể, đặc biệt cam kết sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho DN" - ông Nguyễn Văn Dành cho biết. Theo đó, lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán theo từng địa phương. Cụ thể, TP Thuận An sẽ di dời xong vào tháng 12/2028; TP Dĩ An, di dời từ tháng 1-2024 đến tháng 6/2030; TP Thủ Dầu Một, di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thị xã Tân Uyên, di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát, di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết nếu DN nằm trong danh sách di dời sẽ được thông báo trước để có thời gian chuẩn bị. Sở cũng sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho DN di dời, cũng như ban hành tiêu chí xét cơ sở sản xuất phải di dời hay chuyển đổi công năng. "Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên xây dựng một cụm công nghiệp mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời DN, trước khi triển khai đại trà" - ông Toàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Dương, cho rằng tỉnh đang phát triển công nghiệp về phía Bắc, do đó đây là cơ hội để DN di dời phát triển bền vững trong tương lai. "Để giảm chi phí vận chuyển cho DN, tỉnh đang đầu tư các tuyến đường cao tốc kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Bình Dương hiện nay có 29 KCN, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. Với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của DN" - ông Nhân khẳng định. Để các DN hiểu rõ hơn về chủ trương di dời, Sở KH-ĐT đã kiến nghị tỉnh tổ chức gặp gỡ lấy ý kiến của DN, đồng thời thông tin rộng rãi các chính sách để DN an tâm.

Đối với những lo ngại của DN về nguồn lao động, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh địa phương có nhiều cơ sở dạy nghề và đang tuyển sinh số lượng lớn, từ đó cung cấp số lượng lớn lao động có tay nghề cho DN. Các trường nghề cũng liên kết với DN để đào tạo nghề, học viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào làm việc. "Sở sẽ tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động khi di dời về tiền lương, đào tạo nghề" - ông Tuyên cam kết.

Thái Nguyên xin thêm 3 năm làm dự án nghìn tỷ, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ trách nhiệm

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc ý kiến thẩm định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo Quyết định số 353 ngày 23/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, thời gian thực hiện dự án được phê duyệt từ năm 2017 đến năm 2020.

Đến ngày 23/5/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có Tờ trình số 54, theo đó, đề nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư (tăng hơn 589 tỷ đồng chi cho chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

“Tuy nhiên, tại hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư chưa có các nội dung về so sánh đánh giá giữa kế hoạch giải phóng mặt bằng theo chủ trương được duyệt và thực tiễn; nguyên nhân chậm thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các chủ thể liên quan; các mốc thời gian hoàn thành cụ thể đối với các gói thầu đang triển khai, thời gian quyết toán dự án. Do vậy, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án cần bổ sung, làm rõ để đảm bảo tính khả thi của việc điều chỉnh”, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Bộ Xây dựng cũng đánh giá, theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, mặc dù thời gian hoàn thành dự án đề nghị tăng 3 năm nhưng chưa có đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng của việc này đến các chi phí đầu tư xây dựng khác ngoài chi phí giải phóng mặt bằng. Do vậy, đề nghị thuyết minh làm rõ nội dung này, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư không thể hiện chi tiết xác định chi phí giải phóng mặt bằng, do vậy chưa đủ cơ sở để đánh giá tính phù hợp của chi phí này với các quy định của pháp luật có liên quan.

“Tuy nhiên đây là dự án đã được thực hiện nhiều năm, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thì công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện được 94% (235/250ha), do vậy về nguyên tắc, đến thời điểm hiện nay các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được xác định một cách chính xác” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Loạt dự án hạ tầng nằm trong gói giải ngân 4.000 tỉ đồng/tháng của Bộ GTVT để kịp về đích cuối năm 2022

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án (QLDA), chủ đầu tư và đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo tăng tốc độ giải ngân để kịp thời hoàn thành các dự án trọng điểm: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ Vành đai 3 Tp.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; kết nối Tây Nguyên; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc; tuyến tránh QL1A qua Cà Mau; tuyến kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Theo mục tiêu đề ra, trong năm 2022, Bộ GTVT phải giải ngân hơn 50.300 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Số liệu thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho thấy, đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT giải ngân được 22.195 tỉ đồng, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, gồm 2.638 tỉ đồng vốn nước ngoài (đạt 54,1%) và 19.557 tỉ đồng vốn trong nước (đạt 43%).

Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ tháng 9 đến cuối năm 2022, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 28.133 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng, khối lượng giải ngân khoảng 4.000 tỉ đồng.

Bộ GTVT yêu cầu các địa phương chú trọng các dự án trọng điểm phải hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt cấp bách; Vành đai 3 Tp.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; tuyến nối QL.91 với tuyến tránh Long Xuyên; kết nối Tây Nguyên; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc; tuyến tránh QL1A qua Cà Mau; tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột; tuyến kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Các Ban QLDA, chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả Bộ làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ KH và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Loạt dự án hạ tầng nằm trong gói giải ngân 4.000 tỉ đồng/tháng của Bộ GTVT để kịp về đích cuối năm 2022. Ảnh minh họa
Loạt dự án hạ tầng nằm trong gói giải ngân 4.000 tỉ đồng/tháng của Bộ GTVT để kịp về đích cuối năm 2022. Ảnh minh họa

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất 8 giải pháp triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm.

Thứ nhất, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Yêu cầu các bộ, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.

Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi theo quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP.

Thứ ba, thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.

Thứ năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (trước tháng 11/2022 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ); rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư và giải ngân, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.

Thứ sáu, yêu cầu 4 cơ quan chủ dự án, nội dung thành phần thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao.

Thứ bảy, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công,...). Các ý kiến tham gia bảo đảm yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cuối cùng, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ.

Dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và khu dân cư Monbay Vân Đồn tại tỉnh Quảng Ninh

Dự án Monbay Vân Đồn (Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch) có vị trí tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án Monbay Vân Đồn có phía Tây giáp khu đô thị Ao Tiên, phía Đông Nam giáp vịnh Bái Tử Long, phía Đông giáp tổ hợp Sonasea Vân Đồn Harbor City, phía Bắc giáp dự án Con đường Di sản.

Dự án Khu dân cư Monbay Vân Đồn có diện tích thuộc phạm vi dự án khoảng 299,64 ha; đất thực hiện dự án 276,62 ha. Dự án được chia thành 7 phân khu: A, B, C, D, E, F, G; nhà ở thương mại nằm tại các phân khu B, E, F có tổng diện tích đất khoảng 101 ha, với 31,07 ha đất ở, trong đó dành 6,2 ha đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm: 236 căn biệt thự; 257 căn nhà phố liền kề; nhà ở chung cư cao tầng 2.614 căn, nhà ở xã hội khoảng 606 căn (quy mô và chi phí đầu tư công trình nhà ở xã hội được xác định theo dự án riêng, không tính trong tổng mức đầu tư dự án này).

Shophouse Khu dân cư Monbay Vân Đồn được thiết kế với lối đi bộ, trung tâm bán hàng, với 2 mặt tiền vừa thuận tiện kinh doanh vừa có thể kết hợp sinh sống. Thiết kế nhà phố thương mại Khu dân cư Monbay Vân Đồn xây thô hoàn thiện mặt ngoài 5 tầng và 1 tum.

Khu liền kề dự án Monbay Vân Đồn có diện tích từ 100 m2 – 150 m2 được bố trí dọc các tuyến phố chính. Được thiết kế với không gian kinh doanh buôn bán tại tầng 1 và không gian sinh hoạt từ tầng 2 trở lên.

Dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và khu dân cư Monbay Vân Đồn tại tỉnh Quảng Ninh
Dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và khu dân cư Monbay Vân Đồn tại tỉnh Quảng Ninh.

Tiện ích dự án Monbay Vân Đồn: Sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, bãi tắm nhân tạo, khu vực công viên nước, khu trải nghiệm dã ngoại, khu vực quảng trường, công viên cây xanh, hệ thống các nhà hàng, spa, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu dân cư Monbay Vân Đồn: Cách Sân Bay Vân Đồn 15 phút di chuyển; cách Cửa Khẩu Móng Cái 50 phút di chuyển, cách cảng Cái Rồng 15 phút di chuyển, cách chùa Cái Bầu 3 phút di chuyển, cách Đền Cửa Ông 20 phút di chuyển.

Dự án Monbay Vân Đồn do Công ty TNHH HDMon Vân Đồn làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở chính tại thôn 5, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty TNHH HDMon Vân Đồn được thành lập vào tháng 10/2007, trên cơ sở liên doanh giữa Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hải Đăng và Công ty Rockingham Asse Management (Mỹ). Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH HDMon Vân Đồn là ông Nguyễn Văn Thắng, vào tháng 6/2020 công ty tăng vốn từ 576 tỷ đồng lên 3.750 tỷ đồng.

Công ty TNHH HDMon Vân Đồn hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất, hoạt động tư vấn quản lý.