Chuyện cao tốc gần 200km ở Quảng Ninh không có cây xăng, trạm dừng nghỉ là không đúng

Ngày 23/8, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, thông tin gần 200km cao tốc ở Quảng Ninh không có trạm dừng nghỉ, cây xăng là không đúng.

Theo ông Hải, khi quy hoạch các tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng đến TP Móng Cái đã xác định các điểm dừng nghỉ.

Cụ thể, 1 trạm dừng nghỉ gần Trạm thu phí BOT Cầu Bạch Đằng và 1 trạm dừng nghỉ ở huyện Đầm Hà. Mỗi trạm dừng nghỉ cách nhau 80km.

Tuy nhiên, sau khi quá trình triển khai, rà soát lại quy hoạch đồng bộ thì có điều chỉnh vị trí 2 trạm dừng nghỉ.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp được tỉnh Quảng Ninh đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9. Ảnh: Báo Hải Dương
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp được tỉnh Quảng Ninh đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9. Ảnh: Báo Hải Dương

2 trạm dừng nghỉ sẽ có vị trí mới ở Km20+80 xã Thống Nhất, TP Hạ Long và đầu cầu Vân Tiên (huyện Tiên Yên). Trong đó, trạm dừng nghỉ ở Km20+80 xã Thống Nhất, TP Hạ Long đã được phê duyệt quy hoạch và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư một cách đồng bộ gồm cây xăng, trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh.

Còn trạm dừng nghỉ ở đầu cầu Vân Tiên phải làm lại quy trình thủ tục về quy hoạch, lấy ý kiến của Bộ GTVT. Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Bộ GTVT. Hiện Sở GTVT cùng Sở Xây dựng đang hoàn thiện quy trình để phê duyệt vị trí trạm dừng nghỉ đầu cầu Vân Tiên.

"Tuy 2 trạm dừng nghỉ này dọc theo tuyến cao tốc nhưng là dự án riêng thực hiện theo quy trình và phải có đấu thầu, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư nên việc có trạm dừng nghỉ bị muộn chứ không phải là không có", ông Hải lý giải.

Hiện tại Quảng Ninh có gần 200km đường cao tốc kéo dài từ cầu Bạch Đằng tới TP Móng Cái. Trong đó đầu tháng 9 tới đây, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ đi vào hoạt động.

TP HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát ngàn tỷ ở Thủ Thiêm

Sở Kế hoạch-Đầu Tư TP.HCM (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP.

Theo Sở KH-ĐT, qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm: dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), xét về nhu cầu thì cần có nhà hát. Tuy nhiên, trong bối cảnh TP vừa chịu tác động của dịch Covid-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà cần ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.

Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch được xây dựng để thay thế Nhà hát thành phố.
Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch được xây dựng để thay thế Nhà hát thành phố. Ảnh: Thanh Niên

Ban đầu, nhà hát Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024.

Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.

Báo cáo kết quả thanh tra các dự án nhà ở chuyển đổi từ đất doanh nghiệp nhà nước

Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ giao tại Định hướng Chương trình thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng phê duyệt và chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại chương trình công tác số 14, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa trong 10 năm qua (giai đoạn 2011-2021).

TTCP yêu cầu các đơn vị báo cáo nêu rõ các nội dung: Tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng đất như tổng số vị trí đất đai và diện tích đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.

Tổng số vị trí đất đai, diện tích đất đã chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; số vị trí đất đai được chuyển đổi thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Về nghĩa vụ tài chính, TTCP yêu cầu báo cáo kết quả thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, tổng số tiền phải thu, số đã thu, số tiền còn nợ (chưa thu được) trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.

Đối với kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất do bộ, ngành, địa phương thực hiện, Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo rõ tổng số vị trí, diện tích đất được thanh tra, số cuộc thanh tra đã thực hiện, số cuộc ban hành kết luận thanh tra, số cuộc chưa ban hành kết luận thanh tra.

Báo cáo kết quả thanh tra của các bộ, ngành, địa phương phải tổng hợp được những vi phạm pháp luật chủ yếu được phát hiện qua thanh tra, trong đó có vi phạm của các cơ quan quản lý, vi phạm của doanh nghiệp, chủ dự án, tổng hợp vi phạm về kinh tế, tài chính, đất đai.

Đồng thời đưa ra kiến nghị xử lý về kinh tế, tài chính, đất đai; xử lý kỷ luật hành chính; xử lý hình sự, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, và kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách.

TTCP yêu cầu thanh tra các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về cơ quan này là trước ngày 30/10/2022.

Trong những năm qua, TTCP cũng đã thực hiện thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

Như tại Hà Nội, trước đó, TTCP đã công bố kết luận về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác trong giai đoạn 2003 - 2016.

TTCP xác định tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên (Tràng An Complex của GP Invest), Dự án tại 365A Minh Khai của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinaconex (VINAHUD); Dự án 167 Thụy Khuê (Five Star West Lake - Tập đoàn GFS); Dự án 69 Vũ Trọng Phụng (Rivera Park Hà Nội của Công ty Long Giang Land); Dự án 47 Nguyễn Tuân (Goldseason 47 Nguyễn Tuân - TNR Holdings Việt Nam); Dự án 108 Nguyễn Trãi (Dự án King Place của Anphanam); Dự án 44 Yên Phụ (Hanoi Aqua Central của Công ty Cổ Phần Tháp Nước Hà Nội); Dự án tại 430 Cầu Am (GoldSilk Complex - TNR Holdings Việt Nam)...

Về việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án, theo kết luận của TTCP, việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất không căn cứ vào thông tư 145/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư 36/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Các dự án ở 2 giai đoạn này, liên ngành và Sở TN&MT đã trình UBND TP khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền hơn 1.480 tỷ đồng.

Như tại dự án Hanoi Aqua Central 44 đường Yên Phụ (Ba Đình) của Công ty CP Tháp nước Hà Nội; dự án Star Tower 283 Khương Trung (Thanh Xuân); Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6-NO - Times Tower đường Lê Văn Lương của Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội; Dự án xây dựng Khu văn phòng nhà ở và nhà trẻ 201 Minh Khai (Hinode City); Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng nhà trẻ và nhà ở để bán lô đất 3.7CC đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) của Hacinco; Dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân); Dự án 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản của Công ty CP Him Lam; Dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng…

TTCP cũng đã ban hành kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM. Theo đó, về xử lý kinh tế, TTTCP kiến nghị xử lý 2.054 tỷ đồng, trên 6 triệu USD và 464.000m2 đất...

Dự án khu đô thị River City tại Thị trấn Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ có giá từ 3,6 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị River City có vị trí tại thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Dự án Khu đô thị River City có phía Bắc giáp dự án FLC Tropical, phía Nam giáp khu đô thị Cao Xanh Hà Khánh B, phía Tây giáp vịnh Cửa Lục, phía Đông giáp đường 337 đoạn Cao Xanh – Đò Bay.

Dự án Khu đô thị River City có tổng diện tích 72.469,60 m2 gồm đất xây dựng nhà liền kề tổng diện tích 26.578 m2; đất xây dựng biệt thự tổng diện tích 8.209 m2; đất xây dựng trung tâm thương mại diện tích 3.106 m2; đất xây dựng chung cư diện tích 2.500 m2.

Dự án Khu đô thị River City có quy mô gồm 308 lô đất liền kề, diện tích xây dựng từ 85 m2 – 100 m2; 31 lô đất nền biệt thự diện tích xây dựng từ 250 m2 - 396 m2 (mật độ xây dựng 60%), xây dựng cao 3 tầng.

Dự án khu đô thị River City tại Thị trấn Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ.
Dự án khu đô thị River City tại Thị trấn Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị River City: Đường nội bộ trải nhựa rộng 5 – 16 m, vỉa hè mỗi bên rộng từ 3 – 5 m tùy khu vực, đèn nội khu chiếu sáng, công viên, bãi đậu xe, trung tâm thương mại dịch vụ, nhà văn hóa, trường mầm non. Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị River City cách quốc lộ 18, cầu Trung Hòa 2 km.

Dự án River City Hưng Hóa do Công ty TNHH Quốc Huy Phú Thọ làm chủ đầu tư, Hải Phát Land làm đơn vị phát triển, Công ty Cổ phần và Đầu tư Xây dựng G8 làm đơn vị xây dựng.

Công ty TNHH Quốc Huy Phú Thọ có trụ sở chính tại khu nhà ở đô thị mới, thị Trấn Hưng Hoá, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Công ty TNHH Quốc Huy Phú Thọ thành lập ngày 26/10/2012, do ông Đặng Thế Đương làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Các sản phẩm đất nền tại dự án River City Hưng Hóa có giá bán trên thị trường từ 3,6 triệu đồng/m2.