Hoàn thành mặt bằng, cung cấp đủ vật liệu cho 11 dự án cao tốc Bắc- Nam trong tháng 4

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các tỉnh chỉ đạo hoàn thành giải phóng mặt bằng, cung cấp đủ vật liệu cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam trong tháng 4/2022.

Công điện nêu rõ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ đã thông qua mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án (gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86 km) trong năm 2024.

Trong đó 4 dự án thành phần: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.

Mặc dù, tổng thể mặt bằng dự án đã đạt 99,99%, nhưng hiện vẫn còn một số tồn tại về mặt bằng và thủ tục cấp phép mỏ đất đắp nền đường tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Cụ thể, tính đến ngày 15/4, vẫn có 8 dự án thành phần gồm các đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cầu Mỹ Thuận 2 còn vướng các khu đất nghĩa trang, nhà dân, và hàng trăm cột điện các loại, hơn 8.400m đường ống nước, cáp viễn thông chưa hoàn thành di dời…

Hiện tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 99,99%. Ảnh: Economy
Hiện tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 99,99%. Ảnh: Vneconomy

Nguồn đất đắp nền đường còn thiếu 4,1 triệu m3 chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khai thác.

Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án, đặc biệt là 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022, Thủ tướng yêu cầu Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của mặt bằng nêu trên, để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trong tháng 4/2022.

Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành di dời, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu còn lại, đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án…

Riêng tỉnh Ninh Bình và tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất đắp nền đường cho đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành trong tháng 4/2022…

Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu cho công trình giao thông…

Các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - viễn thông Quân đội khẩn trương chỉ đạo chủ sở hữu, sử dụng công trình điện, cáp viễn thông đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình còn lại, bảo đảm tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng.

Dự án bất động 7 năm, 2,2ha đất vàng của Nguyễn Kim Thanh Hóa bị thu hồi

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Lê Đức Giang đã ký quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 về việc thu hồi 22.598,5m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa (phường Đông Vệ); giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định của pháp luật

Lý do thu hồi là Công ty Nguyễn Kim Thanh Hóa tự nguyện trả đất.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện; tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CD 012189 ngày 22/12/2015 đã cấp cho Công ty Nguyễn Kim Thanh Hóa.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa có trách nhiệm quản lý chặt chẽ diện tích đất được giao; lập phương án sử dụng đất, trình UBND tỉnh tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Được biết, để thực hiện dự án, ngày 17/1/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 1400/QĐ-UBND về việc cho Nguyễn Kim Thanh Hóa thuê đất hơn 2,2ha đất nêu trên. Đến ngày 18/6/2015, UBND tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.

Dự án có quy mô 10 tầng, 1 sàn lửng, với tổng diện tích sàn xây dựng 66.542 m2. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án lên tới 900,5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có và vốn vay, huy động hợp pháp khác. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ hoàn thành dự án và đi vào hoạt động là tháng 7/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ “nằm trên giấy”.

TP HCM: 6 khó khăn của đề án hạ tầng đô thị chuyển 5 huyện lên quận, TP

Sở QH-KT TP HCM vừa có báo cáo gửi Sở Nội vụ TP về tiến độ dự thảo đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị của Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP HCM), trong đó nêu nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo Sở QH-KT TP, đề cương đề án nhánh hạ tầng đô thị là nền tảng cơ sở để Sở Nội vụ tổng hợp, hướng dẫn UBND các huyện tổ chức kêu gọi tư vấn nghiên cứu lập Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030. Nội dung đề cương đề án nhánh này cũng có nghiên cứu, tham khảo các mô hình phát triển đô thị và kinh nghiệm quốc tế về quản lý mở rộng và phát triển khu vực ven đô các đô thị lớn trên thế giới.

Về các khó khăn, vướng mắc khi xây dựng đề cương đề án, Sở QH-KT TP nêu ra các nội dung cơ bản. Thứ nhất là khó khăn trong việc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai, Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP HCM) có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của nhiều ngành. Do đó cần có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, sự hỗ trợ của UBND TP, các sở, ngành giúp UBND các huyện xây dựng đề án phù hợp, khả thi với đặc điểm, điều kiện của từng huyện.

Một khu đất đang kêu gọi đầu tư ở huyện Củ Chi. PLO.vn
Một khu đất đang kêu gọi đầu tư ở huyện Củ Chi. PLO.vn

Thứ ba là cơ sở dữ liệu phục vụ việc đánh giá thực trạng tại năm huyện chưa đồng bộ, đầy đủ. Chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện theo từng nhóm dữ liệu (dân cư, hạ tầng, hoạt động kinh tế, tài nguyên, đất đai...) dẫn tới việc phân tích và dự báo là khó khăn.

Thứ tư là việc chuyển năm huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách TP đang gặp khó khăn, việc xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế và có thể triển khai để hình thành kinh tế đô thị bền vững cho năm huyện đòi hỏi cần thời gian tập trung nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo.

Thứ sáu là việc xây dựng đề án của các huyện diễn ra cùng lúc với trung ương đang tiến hành các bước để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210/2016 và Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 13. Do đó, trong thời gian tới có thể sẽ cần thêm thời gian rà soát các tiêu chí để sửa đổi, bổ sung đề án đầu tư - xây dựng của năm huyện để phù hợp với quy định.

Tại báo cáo này của Sở QH-KT TP cũng đưa ra nhiều ý kiến của chuyên gia góp ý cho đề cương đề án. “Cần bổ sung mục tiêu đề án, xác định định hướng phát triển mục tiêu đề án, căn cứ lý luận đô thị ở đây là lý luận về cấu trúc đô thị và quy hoạch đô thị. Đề án không nên đi quá sâu và chi tiết về quy hoạch và đầu tư phát triển có tính lâu dài của các huyện” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, góp ý.

Theo ông Cương, do các huyện ngoại thành TP đã và đang đô thị hóa quá nhanh, yêu cầu bức thiết nhất hiện nay là nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở các huyện, không thể chỉ có năng lực như các huyện nông thôn ở các tỉnh. Do đó, để thuyết minh sự cần thiết phải chuyển lên quận và xác định những yêu cầu cần đầu tư xây dựng để đủ tiêu chuẩn đô thị là cần thiết nhất và có thể có nhiều nội dung khác bức thiết hơn tiêu chuẩn về hạ tầng hay kiến trúc cảnh quan.

“Nhìn chung, mức độ đô thị hóa của các huyện hiện nay đã khá cao và vấn đề chuyển cơ chế quản lý từ huyện lên quận có vẻ như không cần thật chi tiết và cứng nhắc...” - ông Cương nêu.

Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị, cho rằng cần bổ sung cập nhật đánh giá hiện trạng phân bố dân cư cũ trên địa bàn huyện này, về giải pháp quy hoạch cũng cần xác định ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị tại các khu vực được xác định là khu đô thị hóa trên từng địa bàn huyện.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, việc phát triển các huyện thành quận phải đi đôi với việc đi trước, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Như hệ thống giao thông kết nối bằng nhiều giải pháp như cầu, hầm chui, cầu vượt, hệ thống cấp thoát nước, điện, giao thông, viễn thông, xử lý nước thải... “Phát triển các huyện thành quận nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh đô thị nhằm tạo môi trường sống trong lành cho người dân”, ông Lưu góp ý.

Qua quá trình khảo sát tại các huyện, lắng nghe chia sẻ và trao đổi về tình hình hạ tầng đô thị, Sở QH-KT TP tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan.

Huyện Nhà Bè: Huyện có quỹ đất lớn, đây là nguồn lực lớn của huyện thông qua việc nâng giá trị đất qua quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất. Huyện Nhà Bè đang thực hiện nhiều biện pháp để hiện thực hóa quyết tâm lên quận vào năm 2025 theo định hướng đô thị bền vững, phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của TP. Phát triển kinh tế theo định hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Huyện Bình Chánh: Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế -xã hội và kết nối hạ tầng các vùng lân cận. Qua kết quả đánh giá thực trạng với tiêu chuẩn so với quy định thì đến năm 2030, huyện khó đạt tiêu chuẩn quận so với việc đầu tư xây dựng huyện thành TP thuộc TP trực thuộc trung ương. Đối chiếu với quy định và thực trạng, huyện Bình Chánh thực hiện đầu tư xây dựng chuyển huyện thành TP thuộc TP trực thuộc trung ương là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Huyện Hóc Môn: Hiện nay, UBND huyện Hóc Môn đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đối với các chỉ tiêu chưa đạt về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị như quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý đô thị đất đai và môi trường.

Huyện Cần Giờ: Kiến nghị không tính diện tích rừng Cần Giờ vào tiêu chí tính điểm đô thị theo Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Huyện Củ Chi: Cơ bản thống nhất với dự thảo đề cương đề án hạ tầng đô thị tại công văn ngày 25/10/2021 của UBND huyện.

Khu biệt thự Dalat Pearl Lâm Đồng có giá từ 10 – 15 triệu đồng/m2

Khu biệt thự có vị trí nằm tại đường Bồng Lai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm cạnh sông Đa Nhim và liền kề khu dân cư tại đây.

Dalat Pearl sở hữu quy mô 5 ha, mật độ xây dựng của dự án 37,88%, được chia thành 4 phân khu: Sunflower Villas, Lavender Villas, Green Rose Villas và Orchild Villas. Dự án cung cấp ra thị trường 80 sản phẩm biệt thự được thiết kế theo phong cách Triple Keys.

Các sản phẩm thuộc Dalat Pearl được thiết kế 1 trệt và 1 lầu với diện tích trung bình của mỗi căn biệt thự từ 200 – 600 m2.

Đường nhựa tiêu chuẩn lộ giới 7m trong đó lòng đường 6,4 m, bó vỉa 0,3 m (mỗi bên). Vỉa hè mỗi bên 2 m, cùng hệ thống thoát riêng nước bẩn và nước mưa. Đường điện đấu nối lưới điện quốc gia thuộc trục đường ĐH12 kết hợp với điện năng lượng mặt trời và cây xanh trồng theo ranh ô đất liên kề trụ điện.

Phối cảnh dự án
Phối cảnh dự án Dalat Pearl Lâm Đồng.

Dự án sở hữu những tiện ích nội khu như: an ninh khép kín 24/07, hệ thống camera giám sát, thác nước cảnh quan, đèn thắp sáng năng lượng mặt trời, công viên ven sông, vườn hoa thư giãn & chòi nghỉ chân, vườn hoa quý bốn mùa, BBQ ngoài trời…

Từ dự án Dalat Pearl cách quốc lộ 20 khoảng 8 phút đi xe, cao tốc Liên Khương – Prenn chỉ 10 phút, Sân bay Liên Khương 12 phút, Đà Lạt Milk Farm, Vinamilk Đà Lạt, Macca, chợ, trường học, trung tâm hành chính Đơn Dương chỉ trong bán kính 500 m…

Chủ đầu tư dự án Dalat Pearl là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Thanh Niên Holdings, Công ty TNHH Kinh doanh nhà Hưng Điền (Hưng Điền) là đơn vị phân phối của dự án.

Sản phẩm tại dự án Dalat Pearl có mức giá dao động trên thị trường từ 10 – 15 triệu đồng/m2.