Tập đoàn Phúc Sơn phải sớm nộp 12.000 tỉ tại dự án đất sân bay Nha Trang cũ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn, có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án khu trung tâm đô thị - thương mại - tài chính - du lịch Nha Trang (gọi tắt là dự án Trung tâm Đô thị).

Từ đề nghị của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương nộp gần 12.000 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Theo hồ sơ, đầu năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa giao dự án Trung tâm Đô thị tại khu vực sân bay Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn làm vốn đối ứng để thực hiện dự án hạ tầng trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT.

Đến tháng 11/2015, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xây trung tâm hành chính mới tại các tỉnh thì dự án Trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa cũng buộc phải tạm dừng.

Thế nhưng tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ban hành quyết định giao 62,3 ha đất sân bay Nha Trang cũ cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án Trung tâm Đô thị mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Hơn 10 ngày sau, Bộ Quốc phòng mới có công văn đồng ý bàn giao 62,8 ha đất sân bay Nha Trang cũ cho UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau đó Trường Sĩ quan Không quân mới thực hiện hai đợt bàn giao đất sân bay Nha Trang cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó đợt 1 với diện tích 18,8 ha, đợt 2 với hơn 44 ha.

Sau khi giao đất nhưng không có dự án để hoàn vốn, giữa năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển hơn 62,3 ha đất đã giao cho Tập đoàn Phúc Sơn trước đó một năm để hoàn vốn cho ba dự án BT về giao thông.

Khu vực sân bay Nha Trang cũ được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án. Ảnh: Plo.vn
Khu vực sân bay Nha Trang cũ được giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án. Ảnh: Plo.vn

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa mới có công văn xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định thầu ba dự án BT về giao thông.

Sau khi được Thủ tướng đồng ý, tháng 11/2017, UBND tỉnh ủy quyền cho Ban quản lý dự án phát triển, Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa ký các hợp đồng BT ba dự án giao thông với Tập đoàn Phúc Sơn.

UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều quyết định để điều chỉnh quyết định giao đất trước đây cho phù hợp với mục đích mới. Tất cả dự án BT này đều không qua đấu thầu dự án, đấu giá đất.

Đến nay cả ba dự án BT đều chưa hoàn thành, chưa được quyết toán nhưng phần lớn đất sân bay Nha Trang cũ đã bị Tập đoàn Phúc Sơn công khai phân lô, bán nền từ lâu.

Doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh phạt 275 triệu đồng do vi phạm về kinh doanh bất động sản.

Hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình ngầm dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có chuyến kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3), đoạn Nhổn - Ga Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình…

Tại Ga ngầm S9 - Kim Mã, bà Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra, nghe Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội báo cáo tiến độ triển khai, đồng thời, kiểm tra tại nhà một số hộ dân bị ảnh hưởng trên đỉnh hầm khi máy khoan hầm TBM đi qua.

Theo đại diện Quận ủy Ba Đình, dự án ga ngầm S9 thuộc địa bàn 2 phường Kim Mã và Ngọc Khánh, trong đó, phường Kim Mã có 18 hộ dân thuộc diện thu hồi tạm thời, còn phường Ngọc Khánh có 17 trường hợp phải thu hồi, với 15 nghìn m2.

Đến nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành xong các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án, thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ (50 tỷ đồng), bố trí tái định cư đối với 13 hộ tại nhà N07 khu 5,3 ha Dịch Vọng; đã thu hồi xong mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư để thi công dự án.

Về tình hình công tác giải phóng mặt bằng chung đoạn đi ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, Dự án có tổng số 4 ga ngầm, thuộc địa bàn các quận Ba Đình (S9), Đống Đa (S10 và S11) và Hoàn Kiếm (S12).

Đến nay, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua quan trắc, khảo sát hiện trạng, có 50 hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm của dự án, trong đó, có 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng (khi máy khoan ngầm TBM đi qua) và 7 hộ phải phá dỡ trước khi tiến hành khoan ngầm (trong đó, có 1 hộ đã tự nguyện phá dỡ).

Hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình ngầm dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Ảnh: ĐT
Hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình ngầm dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Ảnh: ĐT

Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND Thành phố về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm. Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng.

Trong tuần này, quận Đống Đa sẽ tiến hành chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đối với quận Ba Đình và Đống Đa để hoàn thành toàn bộ nội dung này trong tháng 10/2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trên cơ sở sự ủng hộ và đồng thuận cao của nhân dân, hiện nay, Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã ký hợp đồng với 50 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng bới dự án, đề nghị quận Đống Đa và Ba Đình phối hợp với đơn vị này, trong tháng 10/2022, tiến hành thủ tục, hoàn thành việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân.

Liên quan đến kiến nghị của 7 hộ phải tháo dỡ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Tài chính nghiên cứu, sớm trả lời 2 quận liên quan đến vấn đề trượt giá khi xây dựng lại; giao Sở Xây dựng nghiên cứu bổ sung mua nhà tái định cư cho 1 hộ dân tại quận Ba Đình do bị thu hồi, giải phóng mặt bằng nhiều lần.

Đặc biệt, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng, chính quyền hai quận Ba Đình, Đống Đa chỉ đạo các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình các hộ dân để phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong vấn đề tạm cư khi tiến hành khoan ngầm.

Bình Dương xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao 200 ha

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình lập danh mục các công trình văn hóa, thể thao, khu liên hợp đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã đề xuất phương án xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao Bình Dương quy mô dự kiến từ 200 ha, gồm các hạng mục: Sân vận động với sức chứa 50.000 - 60.000 chỗ, đủ tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quốc gia và quốc tế, phục vụ thường xuyên hoạt động văn hóa thể thao của trường học, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Sân vận động được xem như một công trình trung tâm của Khu liên hợp thể thao, kết nối linh hoạt với các khu chức năng khác.

Ngoài ra, còn có cả cụm nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng với diện tích 40 ha, sức chứa mỗi nhà thi đấu tối thiểu 5.000 chỗ ngồi, có khán đài lớn cùng hệ thống các nhà thi đấu quy mô nhỏ hơn, nhà tập thể dục thể thao đa môn; khu thi đấu thể thao dưới nước, khu dịch vụ thể thao và công trình khác…

Các sở ngành, địa phương, đơn vị đều cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, đồng thời cũng thảo luận về việc lựa chọn địa điểm quy hoạch, triển khai xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao để công trình khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn quan trọng của Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trong thời gian tới.

Bình Dương xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao 200 ha
Bình Dương xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao 200 ha. Ảnh minh họa

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục phối hợp đề xuất địa điểm xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao, từ đó hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đưa vào quy hoạch.

Liên quan đến các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, mới đây Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành, cùng Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Khoa Hải đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án chiến khu D. Theo thông tin từ địa phương này, Dự án chiến khu D là công trình cấp I, nhóm B, có diện tích sử dụng 39,80 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 391 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013-2022, địa điểm xây dựng là xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên.

Các gói thầu hoàn thành bao gồm: Hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, Cổng chào chính, nhà tiếp đón điều hành khu, nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm, trục trung tâm, vườn thơ Huỳnh Văn Nghệ, hệ thống cáp điện hạ thế và chiếu sáng, đường dây trung thế và trạm biến áp III-320KVA, hệ thống thông tin liên lạc. Các gói thầu đang triển khai thi công gồm: Thi công xây dựng bệ, lõi tượng đài và các hạng mục xây dựng bổ sung, đạt 38% khối lượng; thi công phần mỹ thuật tượng đài trung tâm, khối lượng hoàn thành đạt 26%.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, các hạng mục đã hoàn thành cần đưa vào sử dụng, mặt khác tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại để sớm đưa vào sử dụng, không lệ thuộc vào hạng mục chưa hoàn thành.

Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De tại tỉnh Hòa Bình có giá 15 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De có vị trí tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án La Saveur De Hòa Bình cách khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc 10 km; cách Chợ Lương Sơn 2,5 km; cách bệnh viện đa khoa Lương Sơn 3,3 km.

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De có tổng diện tích 60 ha; mật độ xây dựng 30%; được quy hoạch làm 5 phân khu: Rose; Orchid; Mimosa; Iris; Lavender. Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De có quy mô gồm 540 căn biệt thự và 69 shophouse, 2 khối nhà cao tầng với khoảng 300 căn hộ khách sạn; dân số dự kiến khoảng 2.000 người.

Biệt thự La Saveur De Hoà Bình được xây dựng dựa trên sườn đồi có độ cao 10 m – 36 m, diện tích xây dựng từ 320 m2 – 420 m2 – 680 m2; mật độ xây dựng 85%; xây dựng cao 2 tầng và 1 tầng mái:

+ Tầng 1: Phòng khách, phòng bếp và bể bơi, vườn cây cảnh.

+ Tầng 2: Phòng ngủ.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De: Khách sạn 5 sao, nhà hàng, phòng hội thảo sự kiện, hồ bơi, massage, spa, bến du thuyền, sân tennis, BBQ, bảo tàng văn hóa Mường, công viên giải trí, thung lũng hoa 4 mùa…

Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De tại tỉnh Hòa Bình có giá 15 triệu đồng/m2
Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De tại tỉnh Hòa Bình có giá 15 triệu đồng/m2.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De: Cách trung tâm thành phố Hà Nội 30 km; cách Ngã tư Xuân Mai 7,9 km; cách Đại học Lâm Nghiệp 9,0 km; cách Mái Đá Diềm 8,2 km; cách động Thác Bạc 9,9 km; cách thác Thăng Thiên 28,3 km; cách trung tâm thành phố Hòa Bình 34,1 km; cách BigC Thăng Long 38,8 km.

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở chính tại thôn Thanh Cù, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình hoạt động ngày 30/06/2011 do bà Lương Hoàng Lan làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động…

Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De được chia làm 9 giai đoạn, có tổng vốn đầu tư ước tính trên 8,2 tỷ đô la Mỹ.

Các sản phẩm tại dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng La Saveur De có giá bán trên thị trường từ 15 triệu đồng/m2.