Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ

Chiều 19/4, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về công tác quản lý, sử dụng các biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Trả lời các các nội dung liên quan đến công tác quản lý biệt thự, Phó giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết thực trạng công tác quản lý biệt thự phải tính từ mốc ngày 28/9/1998 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 189/1998/QĐ-TTg về việc bán biệt thự tại thành phố Hà Nội. Ngày 4/12/1998, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 70/1998/QĐ-UB về việc ban hành quy định bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê nhà tại thành phố Hà Nội.

Ngày 30/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP về việc điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ và giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại, trong đó, yêu cầu Hà Nội và TP. HCM dừng việc bán biệt thự và phải xây dựng đề án quản lý biệt thự.

Nhiều nhà Pháp cổ ở Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh niên
Nhiều nhà Pháp cổ ở Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh niên

Ngày 10/12/2008, UBND thành phố Hà Nội đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 970 căn biệt thự được quản lý, gồm 207 biệt thự thuộc danh mục không được bán; 599 biệt thự đang bán dở dang và được tiếp tục bán; 164 biệt thự đã bán trọn biển số nhà. Sau đó, Hà Nội tiếp tục rà soát và bổ sung thêm 1 biệt thự được phép bán, nâng tổng số lên 600 căn biệt thự được phép bán.

Đối chiếu với hồ sơ quản lý của Công ty TNHH MTV quản lý nhà, 600 biệt thự được phép bán có đan xen sở hữu với từng biệt thự. 600 biệt thự có 5.686 hộ, tương đương những hợp đồng cho thuê, do Công ty TNHH MTV quản lý nhà ký. Đến thời điểm này, đã bán được 4.973 hộ. Hiện, còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng, gồm: 563 hợp đồng ngôi chính và 150 hợp đồng ngôi phụ.

Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết được sự đồng ý của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã quyết định tạm dừng việc bán quỹ 600 biệt thự cũ nêu trên để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền.

"Sau khi có kết quả rà soát sẽ công bố thông tin, bao gồm cả các vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn…", ông Dũng cho biết.

Quảng Ngãi: Quyết tâm hoàn thành các khu tái định cư theo đúng kế hoạch

Ngày 19/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra tình hình thi công dự án khu tái định cư (TĐC) ở xã Hành Dũng, Hành Thuận (Nghĩa Hành), xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), phục vụ TĐC cho người dân thuộc dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ và khu TĐC Vạn Tường (Bình Sơn).

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đánh giá cao nỗ lực của UBND các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, vì đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc tổ chức di dời, TĐC cho các hộ dân nằm trong dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rằn xã Nghĩa Kỳ là cấp bách, giúp tỉnh sớm có điều kiện triển khai thu hút nhà đầu tư vào xây dựng nohà máy xử lý rác thải, giải quyết căn cơ vấn đề rác thải sinh hoạt cho TP.Quảng Ngãi và các địa bàn lân cận.

Tỉnh sẽ có phương án bố trí đủ vốn để tổ chức thi công. Các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hoàn thành các khu TĐC, tổ chức di dời dân theo đúng kế hoạch mà tỉnh đã cam kết với người dân.

Tổng mức đầu tư dự án di dân trong phạm vi từ 500 - 1.000m và xây dựng khu TĐC thuộc dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn xã Nghĩa Kỳ trên địa bàn Nghĩa Hành, Tư Nghĩa gần 500 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 50 - 60% khối lượng, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Hiện tỉnh đã bố trí 220 tỷ đồng, còn khoảng 280 tỷ đồng sẽ bố trí đủ trong tháng 5/2022.

Đối với khu TĐC Vạn Tường, theo kế hoạch giai đoạn 1 sẽ hoàn thành 280 lô nền vào tháng 10/2022; giai đoạn 2 khoảng 110 lô nền. Hiện nay, tiến độ thi công công trình chậm so với kế hoạch, nhưng nhà thầu cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh.

Tỉnh đã bố trí vốn 123/350 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu chủ đầu tư (UBND huyện Bình Sơn) tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 10/2022 phải hoàn thành 280 lô nền, để đảm bảo việc thực dự án đúng cam kết với người dân.

Điểm danh những dự án chậm tiến độ, ôm "đất vàng" ở thị xã biển Cửa Lò

Thực hiện kế hoạch số 27/KH-ĐGS, vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Nghệ An đã làm việc với UBND thị xã Cửa Lò về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn.

Theo báo cáo, trên địa bàn thị xã Cửa Lò hiện có hơn 100 dự án của các tổ chức được UBND tỉnh Nghệ An giao đất, cho thuê đất; trong đó, có 35 dự án chậm tiến độ.

Trong số 35 dự án này, UBND tỉnh đã kiểm tra, quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ quy hoạch và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư với 9 dự án. Các dự án bị thu hồi bao gồm: Khu du lịch dịch vụ và điều dưỡng cho cán bộ nhân viên và chuyên gia nước ngoài của Công ty CP Thủy điện Quế Phong; Khu du lịch cao cấp dầu khí Cửa Lò của Công ty CP Dầu khí Cửa Lò.

Trạm cập bờ cáp quang biển trục Bắc – Nam của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; BMC Cửa Lò Plaza của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC; Trường Trung cấp Tư thục Du lịch Miền Trung và khu dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng chất lượng của Công ty CP Phượng Hồng.

Dự án sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu thụ máy vi tính, thiết bị viễn thông, thiết bị điện của Công ty CP Khoa học kỹ thuật điện tử, thiết bị viễn thông Trung Thiên; Trung tâm hoạt động của Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi của Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nghệ An; dự án Cầu tàu và cảng cá (vị trí 1) của Công ty TNHH Hà Dung.

Có 7 dự án được UBND tỉnh kiểm tra, cho gia hạn tiến độ nhưng đã hết thời gian vẫn chưa hoàn thành, bao gồm: Chung cư du lịch Lộc Châu của Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30; Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng Song Ngư của Công ty CP Song Ngư Sơn; Trường Mầm non tư thực Vành Khuyên của Công ty CP Minh Đức Bảo Châu.

Bản tin bất động sản 20/4: Hà Nội tạm dừng bán 600 biệt thự cũ
Tại Cửa Lò có nhiều dự án "ôm đất vàng" nhưng chậm tiến độ. Ảnh minh họa

Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội; Dự án tư vấn và vật lý trị liệu tâm lý của Trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý; khu Đất thương mại, dịch vụ của Công ty CP Thương mại dịch vụ du lịch 79; Chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội.

Ngoài ra, có 10 dự án được UBND tỉnh Nghệ An cho gia hạn tiến độ và đang trong thời gian gia hạn; 9 dự án được UBND tỉnh kiểm tra nhưng chưa ban hành kết luận kiểm tra.

Theo UBND thị xã Cửa Lò, các dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân nằm trong vùng dự án, gây thất thu nguồn thuế, ảnh hưởng đến mục tiêu thu ngân sách địa phương.

Trong khi đó, quỹ đất của thị xã Cửa Lò còn hạn hẹp, không còn đủ quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào đầu tư xây dựng trên địa bàn. Là một đô thị biển du lịch, việc các dự án chậm tiến độ, xây dựng dở dang còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn mất an toàn, an ninh trật tự.

Theo đánh giá, nguyên nhân của tình trạng trên là do năng lực tài chính của một số chủ đầu tư không thực sự đúng như báo cáo tài chính, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ kéo dài dẫn đến quy hoạch và thiết kế không còn phù hợp với các quy định hiện hành, buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 những năm gần đây cũng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các chủ đầu tư, đồng thời không thể bố trí nhân lực để thi công xây dựng dự án.

Sắp ra mắt căn hộ Salto Residence - Phố Đông Village quận 2, TP HCM

Salto Residence có vị trí nằm tại 1145 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án năm tiếp giáp đường Vành Đai 2 hướng về đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, thuận tiện di chuyển về Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu dân cư Cát Lái.

Salto Residence là dự án căn hộ thuộc Khu đô thị Phố Đông Village rộng 41 ha. Dự án căn hộ Salto Residence được xây dựng trên quỹ đất lên đến 3,9 ha với mật độ xây dựng 24,9%.

Sản phẩm của dự án Căn hộ Salto Residence bao gồm 6 block căn hộ cao 19 tầng (1 tầng hầm). Cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 căn hộ với diện tích mỗi căn đa dạng từ 48 – 58 – 65 – 79 m2, được thiết kế 1 – 3 phòng ngủ. Dự án Salto Residence dự kiến cung cấp chỗ ở và làm việc cho khoảng 5.000 người tại đây.

Mặt bằng Khu đô thị Phố Đông Village và khu căn hộ Salto Residence.
Mặt bằng Khu đô thị Phố Đông Village và khu căn hộ Salto Residence.

Nằm trong dự án Khu đô thị Phố Đông Village nên Salto Residence được thừa hưởng những hệ thống giáo dục như trường mần non, trường tiểu học với diện tích lên đến 19.000 m2. Cùng chuỗi tiện ích giải trí cho cư dân như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, công viên ven sông, sân tennis, phòng gym, trung tâm chăm sóc người cao tuổi…

Chủ đầu tư dự án Căn hộ Salto Residence là Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), được thành lập năm 1992. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề xây dựng, thiết kế và cho thuê nhà xưởng công nghiệp, đầu tư các dự án phát triển đô thị, nghỉ dưỡng tại các khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (Bình Định), Lagi (Bình Thuận).

Ngoài dự án Căn hộ Salto Residence, chủ đầu tư còn thực hiện một số dự án khác như Khu biệt thự Sol Villas 4,5 ha (thuộc Phố Đông Village), khu đô thị sinh thái lấn biển Saigon SunBay 600 ha.

Dự án Căn hộ Salto Residence được dự kiến mở bán ra thị trường vào tháng 06/2022, hoàn thành thi công và bàn giao vào năm 2024.