Hà Nội sửa đổi một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND (ngày 14/6/2022) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 và thay thế Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/6/2022.

Đáng chú ý, UBND thành phố sửa đổi Điều 12 (hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất) của Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND thành phố.

Theo đó, về hồ sơ, người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ (theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 và Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại UBND cấp xã hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Về trình tự, thủ tục giải quyết, trường hợp nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, trong thời hạn 1 ngày làm việc, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai gửi hồ sơ đến UBND cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định.

Trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, trong thời hạn 8 ngày làm việc, UBND cấp xã thực hiện các công việc: Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký.

Trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Khoản 16 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ và Điều 15 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch.

Trường hợp đăng ký tài sản gắn liền với đất thì xác nhận hiện trạng tài sản gắn liền với đất so với nội dung kê khai đăng ký. Trường hợp không có giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thì xác nhận tình trạng tranh chấp quyền sở hữu tài sản; đối với nhà ở, công trình xây dựng thì xác nhận thời điểm tạo lập tài sản, thuộc hay không thuộc trường hợp phải cấp phép xây dựng, sự phù hợp với quy hoạch được duyệt; xác nhận sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng nếu chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ.

Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc, UBND cấp xã đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đối soát bản đồ dự án tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư; trường hợp có sai khác, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phải thông báo đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để phối hợp trích đo hoặc điều chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định (thời gian trích đo hoặc kiểm tra bản trích đo không quá 10 ngày làm việc).

Hà Nội sửa đổi một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Ảnh minh họa
Hà Nội sửa đổi một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Ảnh minh họa

Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở UBND cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 15 ngày làm việc; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai (thời gian công khai kết quả kiểm tra không tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính).

Sau thời gian thông báo công khai nếu không phát sinh khiếu kiện thì gửi hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Trong thời hạn 4 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ từ UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc: Trích lục bản đồ địa chính hoặc kiểm tra trích đo nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có).

Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký.

Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Chuyển hồ sơ để Phòng Tài nguyên và môi trường trình UBND cấp huyện xem xét việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã và người sử dụng đất biết.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công việc: Thẩm định hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp thuê đất thì trình UBND cấp có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất. Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sau khi được UBND cấp huyện phê duyệt.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc, UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ phê duyệt của UBND cấp huyện cho phép cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất để thực hiện. Gửi thông tin địa chính đến Chi cục Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (gồm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuế thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; lệ phí trước bạ; các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định).

Khi người được cấp Giấy chứng nhận nộp đủ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính (đối với trường hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính) hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính (đối với trường hợp được ghi nợ nghĩa vụ tài chính): Thực hiện vẽ, in Giấy chứng nhận; luân chuyển hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp huyện có trách nhiệm ký cấp Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ khi UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm: Cập nhật, bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và có văn bản gửi các cơ quan liên quan để cập nhật, chỉnh lý biến động quyền sử dụng đất vào hồ sơ địa chính của thành phố...

Kiên Giang lập tổ công tác đặc biệt xử lý việc lấn chiếm đất rừng ở Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ra Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc.

Tổ công tác này do ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, ba tổ phó gồm Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh và Chủ tịch UBND TP Phú Quốc. Ngoài ra, tổ công tác còn có 15 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo đó, từ ngày 15/6 đến ngày 31/12 tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra thực địa các khu vực đã bị các tổ chức, cá nhân có hình thức tác động, vi phạm pháp luật về lấn, chiếm đất; lấn, chiếm rừng; phá rừng trái pháp luật; sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình không đúng quy định trên đất rừng...

Cạnh đó, tập trung lực lượng liên ngành điều tra xác minh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, triển khai trước tại các khu vực trọng điểm là điểm nóng gồm: các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý; đất quy hoạch rừng đặc dụng...

Lực lượng chức năng TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiến hành cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất dự án hồi tháng 5/2022. Ảnh: plo.vn
Lực lượng chức năng TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiến hành cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất dự án hồi tháng 5/2022. Ảnh: plo.vn

Ngoài ra, tổ công tác cũng sẽ kiểm tra các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng; việc xử lý các hành vi vi phạm về lấn chiếm đất, rừng, phá rừng trái pháp luật...

Theo Quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho phép tổ công tác được quyền tổ chức lực lượng liên ngành, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, truy quét, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất, rừng; phá rừng trái pháp luật...

“Kiên quyết thu hồi diện tích đất bị lấn, chiếm giao các đơn vị tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và trồng lại rừng theo quy định của pháp luật” - Quyết định thể hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho phép tổ công tác chỉ đạo tổ chức di dời hoặc tiêu hủy các cây trồng, công trình xây dựng không đúng quy định trên đất rừng, đất nông nghiệp... theo quy định pháp luật.

TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD

UBND TP HCM vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP HCM năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất gồm 197 dự án với tổng vốn đầu tư 943.937 tỷ đồng, tương đương 42,897 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án thuộc hạng mục dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư.

Tiêu biểu trong đó là Khu đô thị Hiệp Phước tại huyện Nhà bè với diện tích 1.354ha. Mục tiêu dự án là đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, góp phần sắp xếp lại, xây dựng mới và phát triển hệ thống cảng biển TP HCM phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; xây dựng khu đô thị gắn với cảng biển, phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng, kết nối với toàn thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP HCM ra biển.

Bên cạnh đó, còn có dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, dân cư, công viên phía Bắc đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8 với diện tích 14,7ha với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án khu phức hợp 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, với diện tích 22,78 ha; tổng mức đầu tư 16.382 tỷ đồng. Khu nhà ở thương mại dịch vụ gồm 7 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 (lô 4-3, 4-4, 4-5, 4-12, 4-13, 4-14, 4-17) tại TP. Thủ Đức với diện tích 61.218m2; Dự án khu trung tâm thương mại và dân cư khu vực phía Tây thành phố tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích 239,9ha.

Ngoài ra còn có một số dự án khác như: Dự án xây dựng nhà ở Điện lực Bình Chánh tại huyện Bình Chánh với diện tích 18,79ha gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại; Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm dân cư Tân Tạo – khu B, phường tân tạo A, Bình Tân với diện tích 145,68ha. Thành phố cũng kêu gọi đầu tư dự án xây dựng khu dân cư đô thị mới, dịch vụ thương mại, kết hợp du lịch giải trí – khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn với diện tích 290,18ha.

UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP. HCM năm 2022 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Kiwuki Village: Dự án Biệt thự tại Bảo Lộc có giá từ 2,5 tỷ đồng/ căn

Dự án Biệt thự Kiwuki Village Bảo Lộc có vị trí tại trục đường Tôn Thất Thuyết, xã Dambri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án Biệt thự Kiwuki Village cách khu du lịch DamBri khoảng 8 km và trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 9 km, kết nối đến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, Khu du lịch Vườn Trà Tâm Châu cũng như thung lũng, quán café The Tulip, biệt thự Sun Valley trong bán kính 2 km…

Dự án Kiwuki Village Bảo Lộc có tổng diện tích 4,5 ha, quy mô gồm 45 nền đất village, diện tích từ 600 m2 – 1.200 m2 (chiều ngang 14m). Hình thức xây dựng tự do.

Tiện ích nội khu dự án Kiwuki Village Bảo Lộc: Điện âm, nước máy, công viên cây xanh, đường trải nhựa, đèn chiếu sáng, quán cà phê, clubhouse, BBQ.

Một căn biệt thự tại dự án Kiwuki Village
Một căn biệt thự tại dự án Kiwuki Village.

Tiện ích ngoại khu dự án Kiwuki Village Bảo Lộc di chuyển đến các khu du lịch, trung tâm hành chính thành phố Bảo Lộc 15 – 20 phút; liên kết đến 2 đồi thông nguyên sinh, thung lũng, quán cà phê The Tulip, dự án biệt thự Sun Valley trong bán kính 3 km và chùa Bát Nhã, nhà thờ La Vang, lâu đài trắng, giáo xứ B’sumrac, khu du lịch Thác DamBri trong bán kính 5 km.

Dự án Kiwuki Village Bảo Lộc được thiết kế như một ngôi làng với những ngôi nhà vườn. Về cảnh quan dự án đã hoàn tất 250 m bờ kè dòng suối, tạo thác đoan đầu tiên, dự kiến sẽ có 3 đoạn thác. Mặt bằng lô nền đã được trồng cúc đậu phộng, ngăn cách bằng hàng rào gỗ trắng và sẽ trồng thông, hoa hồng, cẩm tú cầu. Một số lộ đã trồng mai anh đào cổ thụ cao 6 – 7 m. Các lô nền trên đồi sẽ được phân lô bằng cách sắp đặt đá tự nhiên. Đường nội khu lên đồi đã xong công tác xây taluy chống trượt đất.

Các sản phẩm tại dự án Kiwuki Village Bảo Lộc có giá bán trên thị trường từ 2,5 tỷ (có tối thiểu 200 m2 thổ cư).