Ủy ban Pháp luật đề nghị chính phủ nêu rõ thời hạn xin lùi trình Luật Đất đai sửa đổi

Sáng 16/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay trong năm 2021 và Quý I- 2022, ngoài 15 Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức một Hội nghị về công tác thể chế và sáu phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Thường trực Chính phủ cũng tổ chức nhiều phiên họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, quy trình cho ý kiến, thông qua các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ xem xét chặt chẽ. Thông thường đối với mỗi dự án Phó Thủ tướng phụ trách cho ý kiến, tiếp đến Thường trực Chính phủ họp xem xét, cho ý kiến và sau đó mới trình ra Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các bộ trong việc rà soát, xử lý các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận vẫn còn có dự án luật phải xin lùi thời hạn trình. Một số cơ quan vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chất lượng chưa cao, chưa đảm bảo thời hạn theo quy định.

Nguyên nhân, theo ông Long, có tình trạng lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa chỉ đạo sát công tác xây dựng pháp luật; chưa tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của các chính sách; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế.

Về đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và bổ sung Chương trình năm 2022, ông Long khẳng định: “Không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phải bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình”.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023. Tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua 9 dự án, trong đó có các luật: Giá, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu (sửa đổi) và Phòng thủ dân sự; cho ý kiến 4 dự án luật: Viễn thông (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Phát triển công nghiệp.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn

Tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 4 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến 2 dự án Luật: Lưu trữ và Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Trong năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình với 17 dự án. Tại Kỳ họp thứ 3 sẽ bổ sung 3 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và 2 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời bổ sung vào Chương trình cho ý kiến 3 dự án luật: Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, bổ sung vào Chương trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Đồng thời bổ sung vào Chương trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến đối với 8 dự án.

Như vậy, với việc điều chỉnh như trên, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Thẩm tra, về đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể.

Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.

Cơ quan thẩm tra cho rằng lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình “đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW” không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này.

Do vậy, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

EVN: Nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan sai phạm về điện mặt trời mái nhà

Liên quan đến các sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Kết luận thanh tra mới đây của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đã nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, tại Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương vừa công bố về các dự án Điện mặt trời mái nhà, EVN được chỉ ra có 2 vi phạm là: Thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến các đơn vị điện lực địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà;

Ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.

Trả lời phóng viên An ninh Thủ đô về trách nhiệm cụ thể của EVN theo kết luận nêu trên, EVN cho biết, tính đến nay, Tập đoàn đã có 28 văn bản gửi Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMTMN.

Đồng thời, ban hành 27 văn bản gửi các Tổng Công ty Điện lực (TCTĐL) hướng dẫn liên quan theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của Bộ Công Thương và các văn bản của các Bộ.

Cùng với hướng dẫn triển khai thực hiện, từ tháng 1-2021, EVN đã lập Đoàn công tác tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện phát triển ĐMTMN theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg tại các Công ty Điện lực (CTĐL): Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2021, EVN tham gia cùng với Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra tại 06 tỉnh nêu trên và 04 tỉnh/thành phố là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 3/2022, EVN đã có 29 văn bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát liên quan đến phát triển ĐMTMN tại các TCTĐL. Các nội dung chính EVN đã chỉ đạo các TCTĐL gồm: tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý việc thỏa thuận, nghiệm thu, ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng mua bán ĐMTMN;

Chỉ đạo các CTĐL báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để được hướng dẫn các quy định về sử dụng đất đai, xây dựng và an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, quản lý hoạt động kinh tế trang trại. Trong trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chưa hướng dẫn, yêu cầu có văn bản báo cáo UBND các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn;

Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm các tồn tại và kiên quyết dừng, không mua điện hoặc không thanh toán nếu các chủ đầu tư không xử lý xong các tồn tại đã được các đoàn kiểm tra chỉ ra;

EVN cũng chỉ đạo các TCTĐL khắc phục hậu quả và thu hồi ngay các sai lệch trong thanh toán (nếu có) trong trường hợp phát hiện chủ đầu tư vi phạm quy định. Chỉ đạo xử lý kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đấu nối, nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện, thanh toán không đúng quy định, quy trình, ghi chỉ số công tơ không đúng, báo cáo sai lệch số liệu giữa Hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CMIS) với thực tế;

Tập đoàn cũng phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án/hệ thống ĐMTMN vi phạm các quy định. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định của chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không thống nhất với kết quả giải quyết của đơn vị, kiên quyết khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án để giải quyết.

Nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà phía Nam.
Nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà phía Nam.

Ngoài ra, nếu phát hiện vi phạm các quy định, TCTĐL/CTĐL phải lập biên bản vi phạm đối với chủ đầu tư và báo cáo, phối hợp với cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Trong trường hợp quá hạn xử lý, TCTĐL/CTĐL báo cáo UBND tỉnh/thành phố hoặc Bộ Công Thương để tiếp tục được hướng dẫn xử lý.

Trường hợp xác định là các bên đã thực hiện nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện đúng quy định thì thực hiện việc thanh toán đúng quy định, kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chủ đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của EVN, các TCTĐL đã tổ chức 52 đoàn tiến hành kiểm tra, rà soát việc phát triển ĐMTMN tại CTĐL trên cả nước. Trong quá trình kiểm tra, rà soát, các CTĐL cũng đã có 467 văn bản gửi các địa phương xin ý kiến hướng dẫn xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến ĐMTMN.

Tuy vậy, hiện nay một số địa phương chưa có hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng chưa cụ thể (như thủ tục đất đai, hoạt động kinh tế trang trại, an toàn công trình xây dựng, PCCC, bảo vệ môi trường), một số lĩnh vực có hướng dẫn khác nhau giữa các tỉnh/TP (như thủ tục đăng ký kinh doanh ĐMTMN).

Kết quả kiểm tra, rà soát này đã được EVN báo cáo Bộ Công Thương.

Đại diện EVN cho biết: “Đến nay, các TCTĐL đã rà soát, báo cáo kết quả thực hiện khắc phục các tồn tại theo Kết luận số 1424/KL-BCT của Bộ Công Thương. Trong quá trình kiểm tra, rà soát việc thực hiện phát triển ĐMTMN, các TCTĐL/CTĐL cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Hồi cuối tháng 3/2022, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra tại các dự án điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương với hàng loạt sai phạm.

Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra ĐMTMN tại các tỉn phía Bắc. Thời gian kiểm tra từ ngày 1 đến 10/4/2022.

Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án Đại sứ quán Mỹ 1,2 tỷ USD

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng Trụ sở mới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trên ô đất D30 khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).

Về việc này, Bộ Xây dựng cho biết, UBND TP Hà Nội cần làm rõ dự án có tính đặc thù không, cụ thể cần xác định công trình Đại sứ quán Hoa Kỳ có phải thuộc loại công trình bí mật nhà nước hay không?.

Đồng thời, UBND TP Hà Nội cần nghiên cứu các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Luật Xây dựng hay không?.

Trường hợp công trình không thuộc loại công trình bí mật nhà nước, không có các điều ước quốc tế khác với Luật Xây dựng thì thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.

Cụ thể, về giấy phép xây dựng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) thì “Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

“Với những thông tin tại văn bản số 238/UBND-ĐT thì công trình thuộc dự án Trụ sở mới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, trừ trường hợp được xác định đây là công trình bí mật nhà nước, thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 57 Nghị định số 15/2021 của Chính phủ”, Bộ Xây dựng cho biết.

Mô hình thiết kế khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ nằm trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: EYP Architecture & Engineering.
Mô hình thiết kế khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ nằm trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: EYP Architecture & Engineering.

Do đó, để có đủ cơ sở xác định công trình bí mật nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 để được hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Luật số 62/2020/QH14 thì “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội căn cứ hồ sơ pháp lý của dự án để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ (nếu có).

Về thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Xây dựng cho biết, nếu xác định đây là công trình bí mật nhà nước, đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 2, khoản 3 Điều 57 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Trường hợp còn lại, căn cứ vào nguồn vốn, quy mô dự án, cấp công trình, chủ đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Hồi tháng 8/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất phục vụ việc xây khu phức hợp đại sứ quán Mỹ mới, để tạo nên một biểu tượng cho quan hệ đối tác hai nước.

Diện tích của khu phức hợp vào khoảng 3,2 ha, với quy mô xây dựng khoảng 39.000 m2, và tổng ngân sách dự án là 1,2 tỷ USD, do hãng EYP Architecture & Enginerring thiết kế.

Quảng Ngãi: Mở bán Khu đô thị mới Nghĩa Hà

Khu đô thị mới Nghĩa Hà có vị trí nằm tại xã Nghĩa Hà và Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Nằm bên bờ Nam sông Trà Khúc, chỉ cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 10 phút đi xe và cách quốc lộ 1A kết nối trục Bắc Nam chỉ hơn 8 phút.

Khu đô thị mới Nghĩa Hà có tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 62,38 ha, với 7,58 ha thuộc xã Nghĩa Dũng và 54,8 ha thuộc xã Nghĩa Hà. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất dành cho đất ở là 169.668 m2 chiếm 27,2%, đất dành cho giao thông là 116.740 m2 chiếm 18,71%, đất dành cho thể dục thể thao là 221.507 m2 chiếm 35,51%, phần còn lại dành cho các tiện ích và công trình công cộng.

Phối cảnh
Phối cảnh Khu đô thị mới Nghĩa Hà.

Sản phẩm của dự án Khu đô thị mới Nghĩa Hà bao gồm 765 lô đất, trong đó có 120 lô đất định cư, 177 lô đất biệt thự, 204 lô đất kiền kề, 122 lô shophouse và 142 lô đất nhà ở xã hội, cung cấp nơi ở cho khoảng 4.680 người.

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Nghĩa Hà là Công ty TNHH Địa ốc Tuấn Minh, được thành lập ngày 02/10/2018, đặt trụ sở tại số 308 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Doanh nghiệp được thành lập và phát triển với tổng vốn điều lệ là 120 tỷ đồng, hoạt động trong các ngành nghề như kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới bất động sản, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.

Dự án được khởi công vào quý 1/2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 715 tỷ đồng.