Hà Nội: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 10.215 tỷ đồng, đạt 20% dự toán

Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là 9.284 tỷ đồng, đạt 18,9% dự toán; bổ sung vốn cho các quỹ và ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố là 930 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

Cùng với việc giao kế hoạch đầu tư phát triển sớm ngay từ đầu tháng 12/2021 và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã hoàn thành công tác phân bổ dự toán ngân sách năm 2022 trước ngày 31/12/2021, UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, công tác lập thiết kế, đấu thầu và thi công xây dựng của các dự án được giao vốn kế hoạch.

Hà Nội: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 10.215 tỷ đồng, đạt 20% dự toán. Ảnh minh họa
Hà Nội: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 10.215 tỷ đồng, đạt 20% dự toán. Ảnh minh họa

Đồng thời, kịp thời phê duyệt kế hoạch và triển khai ứng vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá, đất dịch vụ, tái định cư tiếp tục thực hiện giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt đối với chi phí công tác chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, thanh quyết toán dự án hoàn thành.

UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Thành phố tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố...

Hơn 1.600 nhà đất công ở Đà Nẵng chưa có phương án sắp xếp

Ngày 13/7, kỳ họp thứ bảy HĐND TP Đà Nẵng khóa X bước sang ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan việc quản lý, sử dụng hàng ngàn lô đất trống, nhà đất công sản làm nóng nghị trường.

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho thấy hiện có 1.629/1.644 nhà đất công trên toàn TP chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định 167/2017.

UBND TP Đà Nẵng dự kiến giữ lại 1.400 nhà đất làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, thu hồi 16 nhà đất trống, điều chuyển chín nhà đất cho Công an TP làm trụ sở làm việc công an các xã/phường…

Tại kỳ họp, đại biểu (ĐB) Trần Thắng Lợi cho hay việc chậm có phương án xử lý, sắp xếp nhà đất công gây lãng phí trong khai thác quản lý và sử dụng tài sản công. Nhà đất bỏ không lâu ngày làm nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.

“Đơn cử như BV Phục hồi chức năng TP đã chuyển trụ sở sang quận Cẩm Lệ, cơ sở cũ nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn hiện chưa có phương án sắp xếp, xử lý dẫn đến lãng phí, mất mỹ quan” - ĐB Lợi nói.

ĐB Lợi đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính thống kê, kiểm tra hiện trạng nhà đất công hiện nay để lập phương án sắp xếp, xử lý theo quy định, tránh tình trạng thống kê không đầy đủ, bỏ sót tài sản.

Đối với nhà đất công đang giao cho các sở, ngành quản lý, ĐB Lợi đề nghị rà soát thời hiệu hợp đồng, xem xét quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc ký tiếp theo quy định. Ngoài ra, ĐB Lợi cũng đề nghị TP hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức đấu giá công khai đối với quyền sử dụng đất, tài sản trên đất.

Việc bỏ hoang một số nhà đất công trên địa bàn TP khiến người dân rất bức xúc. Do đó UBND TP cần có phương án sử dụng, quản lý tài sản công sao cho hiệu quả, đúng quy định. Đối với những đất đai còn bỏ trống cũng cần được quản lý, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí và giữ vệ sinh môi trường.

Chậm tiến độ, 3 cây cầu ở TP HCM đội vốn thêm 920 tỉ

HĐND TP HCM vừa chấp thuận điều chỉnh tăng vốn đầu tư ba dự án cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) và cầu Phước Long (nối quận 7 và huyện Nhà Bè). Tổng mức đầu tư của ba dự án sau khi điều chỉnh lên đến 2.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP (trong đó mức vốn tăng thêm khoảng hơn 920 tỉ đồng). Dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

dự án cầu Tăng Long, TP Thủ Đức được thi công từ tháng 12/2017. Đến cuối năm 2019 dự án phải ngưng thi công cho tới nay do vướng mặt bằng. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 32%.

Hiện công trường không có bóng người, cỏ mọc um tùm, sắp thép gỉ sét. Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 450 tỉ đồng.

Tương tự, cầu Ông Nhiêu nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) cũng được khởi công từ tháng 12/2017, với tổng mức đầu tư 425 tỉ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này dự kiến hoàn thành năm 2018 nhằm đảm bảo tĩnh không phục vụ cho tàu thuyền lưu thông. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho biết đến nay dự án mới chỉ đạt tiến độ 1%-2% tổng mức đầu tư.

Dự án cầu Phước Long được khởi công vào tháng 2/2020, với tổng mức đầu tư 397 tỉ đồng. Dự án được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông trên tuyến đường Phạm Hữu Lầu; đảm bảo kết nối hai tuyến Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát. Ban giao thông cho biết đến nay dự án đạt gần 40% khối lượng và đang phải chờ giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật.

Hình ảnh cầu Tăng Long nằm im chờ mặt bằng. Ảnh: Plo.vn
Hình ảnh cầu Tăng Long nằm im chờ mặt bằng. Ảnh: Plo.vn

Lý giải về nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ, dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, Sở GTVT TP HCM cho biết do thiếu mặt bằng và chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, mới đây HĐND TP đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư ba dự án trên lên đến 2.200 tỉ đồng.

Cụ thể, đối với dự án cầu Ông Nhiêu, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã cắm ranh mốc ngoài thực địa cho địa phương để thực hiện GPMB. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thông báo 91/103 hộ, còn 12 hộ bị ảnh hưởng chưa ban hành thông báo thu hồi đất.

Để các dự án cầu không còn tình trạng đội vốn, cần làm sao sau khi có quy hoạch thì phải giải toa, giải phóng mặt bằng ngay.

Hiện UBND phường Long Trường và phường Phú Hữu đang kiểm tra, rà soát để xác định diện tích thu hồi đối với 12 trường hợp còn lại nhằm phát hành thông báo thu hồi đất.

Do phát sinh chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường GPMB dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 425 tỉ đồng lên hơn 763 tỉ đồng (tăng hơn 338 tỉ đồng). Dự án này sẽ được đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tương tự, đối với dự án cầu Tăng Long, Sở GTVT cho biết do phát sinh chi phí bồi thường GPMB nên dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 449 tỉ đồng lên hơn 688 tỉ đồng (tăng hơn 238 tỉ đồng). HĐND TP cũng đã thống nhất phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành tới năm 2024.

Đối với dự án xây dựng cầu Phước Long, công trình đang tạm ngưng thi công do chưa bàn giao mặt bằng để đảm bảo hoàn thiện các hạng mục còn lại. Việc ngưng thi công dự án đã gây phát sinh chi phí bồi thường GPMB và một số chi phí khác.

HĐND TP đã đồng ý điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 397 tỉ đồng lên hơn 748 tỉ đồng (tăng hơn 350 tỉ đồng) và thời gian hoàn thành tới năm 2025.

Đối với dự án này, UBND huyện Nhà Bè cho biết huyện đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường cho các hộ dân theo quy định. Huyện sẽ phấn đấu bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công trong năm 2023.

Phía UBND quận 7 cũng đang hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc khu vực dự án. Ban Bồi thường GPMB quận 7 đã hoàn tất thủ tục thẩm định giá đất ở và đất nông nghiệp. Dự kiến quý III-2022 sẽ hoàn chỉnh pháp lý thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công vào quý IV-2022.

Dự án khu đô thị Mailand Hoàng Đồng tại Lạng Sơn có giá từ 40 - 70 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng (khách sạn sân golf Hoàng Đồng) có vị trí tại quốc lộ 1A, thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Dự án Mailand Hoàng Đồng cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 8 km, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 5 km.

Dự án Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng có quy mô 600 ha phát triển với trung tâm thương mại quốc tế rộng 50.000 m2; khách sạn thương mại và casino Lạng Sơn 3 tòa; khách sạn, chung cư 6 tòa; cao ốc văn phòng cho thuê 10 tòa, khu biệt thự nghỉ dưỡng sân golf 300 tòa, diện tích mỗi tòa từ 300 – 400 m2; cửa hàng cho thuê 1659 cửa hàng, câu lạc bộ vui chơi giải trí và sân golf 18 lỗ diện tích hơn 70 ha…

Mailand Hoàng Đồng: Dự án khu đô thị tại Lạng Sơn
Phối cảnh dự án khu đô thị Mailand Hoàng Đồng tại Lạng Sơn.

Tiện ích nội khu dự án Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng: Sân gofl 18 lỗ, khách sạn, trung tâm thương mại, câu lạc bộ 5 sao, nhà hàng, hồ bơi, sân tennis, đường đạp xe, công viên và khu BBQ.

Tiện ích ngoại khu dự án Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng cách đền mẫu Đồng Đăng, động Tam Thanh – núi Tô Thị – Thành nhà Mạc, núi Chóp Chài, chùa Tiên – giếng Tiên, sông Kỳ Cùng, chợ Kỳ Lừa 10 phút di chuyển…

Dự án Mailand Hoàng Đồng do Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long làm đơn vị phát triển dự án, Công ty Cổ phần Kiến trúc Tư vấn Quản lý Đông Dương (Incons), Sjsurbana Jurong – Singgapore làm tư vấn quy hoạch.

Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn có trụ sở chính tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, thành lập ngày 23/12/2009 do ông Vũ Thất làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Ngày 09/07/2022 dự án Mailand Hoàng Đồng mở bán 240 căn shophouse phân khu La Porte, từ 40 - 70 triệu đồng/m2.