Bamboo Airways:  Chủ tịch nói gì về khoản lỗ kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2022
Chủ tịch Bamboo Airways nói gì về khoản lỗ kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2022

Chia sẻ về khoản lỗ kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, chỉ 4.800 tỷ đồng là lỗ thực từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng. Còn lại phần lớn là xuất phát từ hoạt động kinh doanh ngoài ngành hàng không nhưng không hiệu quả trong giai đoạn trước khi nhà đầu tư mới tham gia.

Ban lãnh đạo và nhà đầu tư mới đã nắm rõ tình hình và có các động thái để đồng hành cùng hãng tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, nhà đầu tư mới đã rót thêm gần 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu nguồn vốn, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để cân bằng các khoản lỗ. Qua đó đưa vốn điều lệ của hãng dương trở lại, đảm bảo điều kiện cho hãng tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng không và có thể xin tăng quy mô đội bay.

Cũng theo ông Trọng, từ khi có sự tham gia về công tác quản trị, tái cơ cấu, điều chỉnh định hướng kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư mới và ban lãnh đạo, hoạt động của hãng chuyển biến theo hướng tích cực hơn và bắt đầu ghi nhận hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tái cấu trúc tổng thể, hướng tối ưu hoá chi phí và gia tăng doanh thu, với phương châm “Làm thật, làm đúng, làm nhanh” như Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hải đã có lần chia sẻ.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đội bay, mở rộng mạng lưới đường bay, đặc biệt là với thị trường quốc tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bamboo Airways là vận chuyển hàng không.

Bamboo Airways cũng sẽ tập trung tối ưu hoá chi phí thông qua việc xây dựng hệ sinh thái toàn diện bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Một ví dụ cụ thể là việc thành lập các công ty dịch vụ hàng không như: Công ty xăng dầu hàng không, Công ty dịch vụ mặt đất hàng không, Công ty suất ăn hàng không, đã được triển khai ngay từ khi có sự tham gia và hỗ trợ nguồn lực của nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch tái cấu trúc, Bamboo Airways sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, vốn là thế mạnh và giá trị cốt lõi của hãng, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động quản lý, khai thác, chăm sóc khách hàng…

Với các kế hoạch, ban lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng rằng bước sang năm 2024, Bamboo Airways sẽ ghi nhận lãi và trong vài ba năm tới sẽ bù được khoản lỗ gộp hiện nay.

Trong năm 2023, những thông tin ban đầu từ ban lãnh đạo cho thấy, hãng hàng không này đã gần về mức hòa vốn trong quý I.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng cũng cho biết, ĐHCĐ vào 21/6 tới dự kiến sẽ kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao và chính thức đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Bamboo Airways.

Theo tài liệu ĐHCĐ, Bamboo Airways báo lỗ ròng 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 (dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 835 tỷ đồng). Trong đó, lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi lên tới 12.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bamboo Airways ghi nhận các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh lên tới gần 6.309 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng không có thuyết minh rõ về danh mục chứng khoán kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways đã nhận đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của toàn bộ 5 thành viên Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.