dự báo, dịp tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước
Dự báo, vào mùa mua sắm Tết Nguyên Đán 2023, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước

Cụ thể, mức tăng giá trung bình của nhóm hàng tiêu dùng nhanh nói chung trong 8 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022 là 4,4%. Các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm (+7,6%), bia (+7,3%) và sản phẩm từ sữa (+4,9%).

Kết quả nghiên cứu của Nielsen IQ cũng tương đồng với các chuyển động gần đây trên thị trường. Theo đó, các nhà bán lẻ, chủ hệ thống siêu thị gần đây cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là giá đầu vào, điện và xăng dầu tăng.

Hầu hết mặt hàng đều bị giảm sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm 2023, trừ đồ uống và thuốc lá nhích nhẹ. Tăng trưởng chủ yếu của các ngành hàng có được bây giờ là do giá bán tăng, ông Dzũng Nguyễn - Giám đốc cấp cao đo lường thị trường bán lẻ Nielsen IQ cho biết.

Quyết định tăng giá trong lúc sức mua yếu góp phần khiến cho tăng trưởng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh liên tục giảm tốc từ mức đỉnh đạt được vào quý III/2022. Thời điểm đó, FMCG tăng doanh thu đến 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu gần nhất của Nielsen IQ cho hay kết quả quý II đã giảm 2,1%.

Mức giá tăng đã làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, cụ thể 33% người tiêu dùng lựa chọn mua ít hơn; 21% chọn sử dụng thương hiệu rẻ hơn; 16% chọn mua gói lớn hơn để tiết kiệm và 16% lựa chọn mua các sản phẩm khuyến mãi. Đáng chú ý có đến 10% người tiêu dùng chọn dừng mua sắm.

Trước đó, theo khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng đang thay đổi mối quan tâm trong giai đoạn khó khăn. Trả lời các câu hỏi khảo sát, người tiêu dùng cho biết sức khoẻ và an toàn thực phẩm vẫn là 2 yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng đang khiến họ lo lắng hơn trong những tháng gần đây.

Sự thay đổi rõ nét nhất thể hiện ở việc người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà và cá nhân hóa nhu cầu; ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu; chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm và tích cực tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.

Nghiên cứu của Kantar cũng chỉ ra 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Đáng chú ý, có tới 49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.

Kantar cũng dự báo, mùa Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước, họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng, thiếu thì mua thêm.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Mười tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%.