3 quốc gia cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo Việt Nam vượt mốc 550 USD/tấn
3 quốc gia cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo Việt Nam vượt mốc 550 USD/tấn. Ảnh minh hoạ

Trong thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục thiết lập mặt bằng giá mới và đã vượt mốc 550 USD/tấn. Đây là diễn biến mới nhất sau khi quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất các loại gạo trắng (trừ gạo Basmati) kể từ ngày 20/7.

Ở một diễn biến mới, Nga và UAE đã quyết định cấm xuất khẩu gạo tạm thời với cùng lý do là "nhằm bình ổn thị trường trong nước".

Động thái của Nga và UAE được đưa ra sau khi Tổng cục Ngoại thương (DGFT) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, mới đây ra quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á).

Nước này đã trải qua vụ mùa thất bát vì mưa gió kéo dài khiến giá gạo trong nước tăng cao, gây nguy cơ mất an ninh lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cùng đó, Bộ Kinh tế UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) thông báo dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo. UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7.

Giá gạo xuất khẩu 5% tấn của Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn, giá gạo bán lẻ trong nước cũng leo thang khi tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa (thóc) trong nước cũng tăng theo. Tại miền Tây, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg, lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao là nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Đây là thời cơ vàng để nông dân có lãi lớn, doanh nghiệp có hợp đồng mới, doanh thu tốt.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định việc các nước thi nhau ngừng xuất khẩu gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho giá gạo trong nước. Trong bối cảnh khó khăn chung của xuất khẩu nông sản thì đây là điểm sáng, là cơ hội lớn cần doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, tận dụng. Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bởi vậy, trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, hầu hết các quốc gia khác đều sẽ chuyển sang Việt Nam để đặt hàng.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới. Thậm chí, các doanh nghiệp nên tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn của năm 2008 trong thời gian tới.

Hiện các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang chuyển sang Việt Nam đặt mua gạo. Số liệu từ hải quan Việt Nam cho thấy, nửa đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng ước đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022.

Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm như: Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1,1%, Chile tăng 4,1%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15,9%... Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức 3 con số như: Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá cũng như ổn định đời sống, thu nhập cho người nông dân. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gạo lại bày tỏ lo lắng về nguy cơ đầu vào giá gạo quá cao khiến doanh nghiệp không thể thu mua với số lượng lớn.