Dự án Seven Star

Nằm vị trí “vàng” giữa trung tâm quận Cầu Giấy, dự án Seven Star được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011 do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.

Được biết dự án có tổng điện tích 2.2ha; Tổng mức đầu tư 4.436,790 tỉ đồng; Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỉ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỉ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội.

Lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà văn phòng các hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

Theo dự kiến ban đầu của CEO Group, dự án Seven Star được khởi công trong tháng 12.2010 và hoàn thành trong quý IV.2013.

Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ, dự án vẫn đắp chiếu, bỏ hoang. Khu đất bất ngờ mọc lên hàng loạt công trình sai mục đích như bãi rửa xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá...

Khu đất bất ngờ mọc lên hàng loạt công trình sai mục đích như bãi rửa xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá... Ảnh: Báo Lao Động
Khu đất bất ngờ mọc lên hàng loạt công trình sai mục đích như bãi rửa xe, gara ôtô, buôn bán sắt vụn, sân bóng đá... Ảnh: Báo Lao Động

Dự án chậm tiến độ khiến hạ tầng khu vực không thể khớp nối, tạo nên khung cảnh vô cùng nhếch nhác.

Trả lời báo chí, truyền thông Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt cho biết đã chuyển nhượng hết toàn bộ số cổ phần tại dự án này cho CEO Group. Tuy nhiên truyền thông CEO Group lại khẳng định với Báo Lao Động, đơn vị này chưa nắm quyền chi phối dự án.

Có vị trí đắc địa tại “trung tâm hành chính - văn phòng mới của Hà Nội“, tiếp giáp với tòa nhà trụ sở chính Tập đoàn Viễn thông Viettel, tòa nhà Cung Tri Thức và Tòa án Nhân dân Tối cao... khu đất quây tôn hoang lạnh làm mất mỹ quan chung của khu vực. Thực tế nhiều năm qua báo cáo tài chính của C.E.O Group, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được đầu tư. Chính vì vậy nhiều người cho rằng chủ đầu tư dự án này có thể sẽ "đắp chiếu" dự án thêm thời gian dài.

Dự án trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam

Dự án trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (trụ sở Vinacomin) được xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, với diện tích đất là 9.442 m2.

Dự án này được phê duyệt năm 2012, có tổng mức đầu tư 3.771 tỷ đồng, quy mô gồm 35 tầng nổi, 2 tầng kỹ thuật và 5 tầng hầm. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam.

Trên trang điện tử của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam cho biết, diện tích đất của dự án là 9442 m2. Chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của Tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin và cho thuê văn phòng.

Về tiến độ, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1- xin cấp phép đầu tư, giai đoạn 2 - thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; đã hoàn tất. Giai đoạn 3 - thi công xây dựng sẽ được bắt đầu ngay sau Lễ động thổ và thực hiện trong vòng 4 năm.

Dự án nghìn tỷ
Dự án trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Vietnamnet.vn

Theo giấy phép đầu tư do Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cuối năm 2016, đầu 2017, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay của thợ mỏ Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.

Dự án được khởi công vào ngày 20/01/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/ 2018. Tuy nhiên, hiện tại đã là quý I/2020 mà dự án mới chỉ xây dựng xong phần thô.

Trong bối cảnh Dự án "ngàn tỷ" trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam đang "đắp chiếu" sau nhiều năm thì Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam cũng đang ngập trong nợ nần.

Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019, tại ngày 30/6 tổng tài sản của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam là gần 129.409 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 43.583 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng nợ đi vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn tại thời điểm cuối quý II đã lên đến 57.108 tỷ đồng, tức là gấp hơn 1,3 lần so với vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay của Vinacomin chủ yếu là nợ dài hạn trên một năm là 40.276 tỷ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả là 4.846 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 11.984 tỷ đồng.

Các hạng mục công trình bị phơi mưa phơi nắng dần xuống cấp theo thời gian. Khu vực văn phòng điều hành dự án vắng vẻ, ngổn ngang gạch đá, vật liệu xây dựng dù trong giờ làm việc. Công trường thi công dự án vắng bóng nhân công, trông giống như một bãi đất hoang. Hiện tại dự án mới chỉ xong phần thô, nhưng chưa có dấu hiệu sẽ được triển khai tiếp.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem

Cạnh toà nhà Keangnam, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, được thiết kế tòa nhà với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích sử dụng là 8.500m2, diện tích xây dựng khoảng 2.800m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Tổng mức đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỉ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỉ đồng.

Đơn vị trực tiếp quản lí, sử dụng dự án này là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), doanh nghiệp thuộc 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện.

Theo phương án Bộ Xây dựng phê duyệt năm 2015, VICEM được giữ lại, tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án. Với việc VICEM thực hiện cổ phần hoá trong năm 2020, dự án tại lô đất 10E6 Phạm Hùng phải được sắp xếp, xử lí theo qui định.

 tòa cao ốc 32 tầng này bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Vietnambiz
Tòa cao ốc 32 tầng này bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Vietnambiz.vn

Cuối năm 2019, VICEM đã đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh sang hình thức "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" vì cho rằng dự án không còn hiệu quả. Theo đề án tới cơ cấu VICEM 2019-2025, Bộ Xây dựng nêu rõ công ty cần tập trung vào sản xuất và kinh doanh xi măng, còn bất động sản không phải là thế mạnh.

Lô đất 10E6 nằm ở vị trí khá đẹp. Ngay cạnh lô đất là tòa nhà Keangnam. Phía sau là khu đô thị Nam Trung Yên, mặt tiền nằm trên đường Vành đai 3.

Bộ Xây dựng cho biết, việc VICEM đề xuất bán, chuyển nhượng lô đất này là dựa trên tình hình thực tế của công ty. Phương án này vẫn đang trong thời gian xem xét, chưa được phê duyệt.

Khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay, Vicem Tower mới chỉ xây xong phần thô.

Theo thiết kế, dự án có 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ô tô ngầm. Tuy vậy, tòa cao ốc 32 tầng này bỏ hoang nhiều năm nay.

Dự án Công viên Tây Nam

Mảnh đất làm Công viên Tây Nam thuộc địa phận phường Trung Hòa, giáp ranh phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Phía Bắc công viên là khu đất công cộng, trường học; phía Tây và Nam là khu đô thị Nam Trung Yên; phía Đông là dự án Home City của Văn Phú Invest, Viện Dầu khí Việt Nam và nhiều nhà ở thấp tầng của cư dân.

Công viên này còn được biết đến với một số tên gọi khác như Công viên hồ điều hòa Yên Hòa, Công viên hồ điều hòa Nam Trung Yên, Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội.

Đây là dự án do Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) hợp tác với Công ty TNHH VNT đầu tư. Dự án có diện tích đất 112.410 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.600 tỉ đồng.

Dự án được duyệt qui hoạch chi tiết, hoàn thiện các thủ tục đầu tư từ trước năm 2010. Tuy nhiên, tới nay, Công viên Tây Nam vẫn chậm tiến độ, thậm chí chưa giải phóng xong mặt bằng.

Được biết, quy mô dự án lên tới 10 ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2015-2016, nhưng đến nay vẫn đang “đắp chiếu”. Hình hài của công viên nghìn tỷ trở nên nhếch nhác, ngổn ngang bởi những lát cắt mang tên bãi tập kết vật liệu xây dựng, bãi xe, sân bóng mini… Đây cũng là những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bãi rửa xe được dựng lên tạm bợ, tiềm ẩn nguy hiểm an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Đời sống và Pháp luật
Bãi rửa xe được dựng lên tạm bợ, tiềm ẩn nguy hiểm an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Đời sống và Pháp luật

Được biết, ngày 3/1/2018, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa ra Quyết định số 02/QĐ-CCPD Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Văn bản có đoạn nội dung thể hiện: “Phá dỡ nhà tạm, lán tạm xây dựng không phép trên diện tích ô đất thuộc dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, ô đất B14, Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Thời điểm xây dựng trước năm 2015, hiện đang sử dụng làm quán bia, nhà tạm, nhà kho”.

Ngày 11/6/2018, UBND phường Trung Hòa ra Thông báo số 84/TB-UBND, yêu cầu công ty TNHH VNT di dời toàn bộ nhà tạm, sân bóng đá mini và bãi đỗ xe tại ô đất B14.

Được biết, sau việc xử lý này, sự việc tái diễn từ năm 2019 cho đến nay. Vào tháng 3/2021, UBND phường Trung Hòa tiếp tục có Văn bản số 164/TB-UBND về việc yêu cầu đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, quản lý sử dụng đất đúng mục đích tại ô đất dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội.

Văn bản yêu cầu công ty VNT tuyệt đối không được thi công bất cứ hạng mục gì khi chưa được cấp phép xây dựng. Tháo dỡ toàn bộ phần sân bóng, nhà tạm và di chuyển xe ô tô ra khỏi phạm vi ô đất, thời gian thực hiện xong trước ngày 10/3/2021. Đến tháng 10/2021, UBND phường ra thêm văn bản với nội dung tương tự yêu cầu chủ đầu tư khắc phục sai phạm.

Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, kết quả thực hiện rất nhiều văn bản nêu trên của chính quyền phường Trung Hòa là sân bóng mini, bãi rửa xe, bãi tập kết vật liệu xây dựng vẫn tồn tại.

Hơn 5.000m2 "đất vàng" của Vietcombank bỏ hoang 13 năm

Đây là khu đất vàng rộng hơn 5.000 m2 nằm tại ngã 5 Trần Thái Tông, giao Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch (đối diện Cung tri thức Thủ đô) có 3 mặt tiền, thuộc khu đô thị mới (KĐT) Cầu Giấy của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được TP Hà Nội giao từ năm 2008 để xây dựng trụ sở.

Tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng "thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc".

Vietcombank là đơn vị trúng giá quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc. Đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 265 tỉ đồng, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, sau hơn 13 năm nay, khu đất vàng này vẫn nằm bất động và không có thông tin gì liên quan đến dự án. Phía đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.

Khu vực quây tôn phía sau sân bóng tại khu đất vàng vẫn còn dòng chữ Vietcombak. Ảnh: Thương trường
Khu vực quây tôn phía sau sân bóng tại khu đất vàng vẫn còn dòng chữ Vietcombak. Ảnh: Thương trường

Trong thời gian suốt từ những năm 2012 đến 2018, UBND TP Hà Nội nhiều lần khẳng định lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai. UBND Tp. Hà Nội yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.

Mặc dù vậy, đến nay, khu "đất vàng" do Vietcombank đứng tên sở hữu vẫn chưa bị thu hồi dù cơ quan chức năng đã qua nhiều lần rà soát, thanh kiểm tra.

Bên cạnh đó, căn cứ Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.