Máy bay điện chở khách đầu tiên đã cất cánh thành công

Chiếc máy bay điện Alice do công ty Eviation Aircraft của Israel chế tạo đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào sáng ngày 27/9. Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Grant County International Airport của Washington (Hoa Kỳ). Máy bay điện Alice không phát thải, có chuyến bay đầu tiên ở độ cao 1.066m và kéo dài trong 8 phút.

Xu hướng máy bay điện nhằm xanh hoá bầu trời
Máy bay chở khách chạy hoàn toàn bằng điện của Eviation Aircraft đã cất cánh thành công. (Ảnh: Eviation Aircraft)

Gregory Davis, chủ tịch và là CEO của Eviation, chia sẻ: “Đây chính là dấu mốc lịch sử. Chúng tôi chưa từng thấy sự thay đổi trong công nghệ động cơ máy bay kể từ khi chúng tôi chuyển từ động cơ piston sang động cơ tuabin. Lần gần đây nhất chúng ta được chứng kiến công nghệ hoàn toàn mới kết hợp với nhau là thập niêm 1950”.

Với công nghệ pin tương tự như xe điện hoặc điện thoại di động và thời gian sạc 30 phút, máy bay điện Alice chở 9 hành khách có thể bay trong 1 giờ với quãng đường là 814,88km. Chiếc máy bay có vận tốc tối đa xấp xỉ 462 km/h. Nếu để đưa ra so sánh thì một chiếc Boeing 737 sẽ có vận tốc hành trình tối đa là 946 km/h.

Công ty cho biết họ dự kiến sẽ phát triển một chiếc máy bay được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận vào năm 2025. Sau đó sẽ là 1 hoặc 2 năm bay thử nghiệm rồi mới giao Alice đến cho khách hàng.

Chuyển phát nhanh bằng máy bay chạy điện

Năm 2021, DHL Express - nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế và Eviation Aircraft cũng đã ”bắt tay” trong nỗ lực ”xanh hoá” bầu trời khi thông báo rằng DHL là đơn vị đầu tiên đặt hàng 12 máy bay chở hàng chạy hoàn toàn bằng điện.

Xu hướng máy bay điện nhằm xanh hoá bầu trời
DHL Express đặt máy bay chạy hoàn toàn bằng điện của Eviation Aircraft để phục vụ chuyển phát nhanh. (Ảnh: Eviation Aircraft)

Với sự hợp tác này, DHL đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới chuyển phát nhanh vận hành bằng điện năng đầu tiên trên thế giới và trở thành đơn vị tiên phong hướng đến tương lai bền vững của ngành hàng không.

Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express nói: "Chúng tôi rất có lòng tin vào tương lai không khí thải của ngành logistics. Đó là lý do vì sao các khoản đầu tư của chúng tôi luôn dựa trên mục tiêu cải thiện dấu chân cacbon. Trên chặng đường hướng đến hoạt động logistics "xanh", quá trình điện khí hóa mọi phương thức vận tải có vai trò then chốt và đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm khí thải liên quan đến hoạt động logistics về mức 0 của chúng tôi”.

Máy bay điện Alice có thể được điều khiển bởi một phi công duy nhất và vận chuyển được đến 1,2 tấn hàng hóa. Thời gian sạc cho mỗi giờ bay là khoảng 30 phút và có thể bay xa nhất là 815 km.

Máy bay điện là lựa chọn tối ưu cho các tuyến trung chuyển và đòi hỏi vốn đầu tư khá ít cho cơ sở hạ tầng tại các trạm. Máy bay Alice có thể được sạc pin trong quá trình chất xếp và tháo dỡ hàng hóa, đảm bảo thời gian quay đầu nhanh chóng và giúp đáp ứng lịch trình dày đặc của DHL Express.

Đào tạo phi công lái máy bay điện

Thụy Điển đặt mục tiêu tất cả các chuyến bay nội địa sẽ không sử dụng năng lượng hóa thạch từ năm 2030. Theo đó, các trường đào tạo phi công ở Thuỵ Điển bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng các máy bay cỡ nhỏ chạy bằng điện để đào tạo phi công.

Xu hướng máy bay điện nhằm xanh hoá bầu trời
Máy bay điện phục vụ đào tạo phi công tại Thuỵ Điển. (Ảnh: Green Flight Academy)

Theo thông tin từ Học viện đào tạo phi công Green Flight Academy, mỗi học viên cần trải qua khoảng 200 giờ tập lái trong quá trình đào tạo kéo dài 20 tháng. Các lớp đào tạo phi công lái máy bay điện đã chính thức bắt đầu từ tháng 5/2022. Đây là một trong những động thái quan trọng cho thấy Thuỵ Điển muốn đi tiên phong hướng đến một ngành hàng không trung hòa khí thải.