Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ kéo dài gần hai tháng.
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ kéo dài gần hai tháng.

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về các tội: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan là chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với một "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Để có nguồn vốn lớn phục vụ cho hoạt động của Vạn Thịnh Phát cũng như liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Lan đã thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB.

Bà Lan được xác định nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó thao túng SCB để phục vụ cho các mục đích của mình.

Cơ quan điều tra xác định từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó:

Từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ 132 ngàn tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64,6 ngàn tỉ đồng.

Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304 ngàn tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129,4 ngàn tỉ đồng là tiền lãi phát sinh từ số tiền chiếm đoạt.

Bị cáo Lan còn bị cáo buộc đã chỉ đạo bị cáo Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch Ngân hàng SCB, đang trốn truy nã) và bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB) đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (trưởng đoàn thanh tra) 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra. Mục đích đưa tiền là để họ che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện trong giai đoạn điều tra, truy tố, bà Lan dù thừa nhận có gặp gỡ bà Nhàn để nhờ giúp đỡ nhưng không thừa nhận việc chỉ đạo đưa hối lộ số tiền 5,2 triệu USD.

Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc đã thỏa thuận và nhiều lần nhận tổng số tiền 1.000 tỉ đồng của Trương Mỹ Lan cho 3 mục đích: Chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ CTCP cao su công nghiệp do Nguyễn Cao Trí sở hữu thông qua các cá nhân đứng tên hộ; Chuyển nhượng vốn điều lệ CTCP Sài Gòn Đại Ninh; Đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 7-10-2022, khi biết Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến ngày 21 và 22-10-2022, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản thanh lý các hợp đồng rồi hẹn gặp và yêu cầu Hồ Quốc Minh (người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho bà Lan) ký tên, hợp thức thủ tục thanh lý, ghi lùi ngày trong các văn bản.

Việc Nguyễn Cao Trí tự ý lập các biên bản thanh lý hợp đồng với Hồ Quốc Minh nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỉ đồng của Trương Mỹ Lan.