Ông Uông Việt Dũng - phó chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và công điện của Thủ tướng ngày 10/10 về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ đã ban hành Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Xe khách liên tỉnh bắt đầu hoạt động từ 13/10
Bộ Giao thông vận tải sẽ thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20/10 sau đó đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quy định có nghiên cứu, tiếp thu các hướng dẫn của Bộ Y tế và triển khai thí điểm trong vòng 7 ngày từ ngày 13 đến 20/10. Bộ Giao thông vận tải sẽ đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng.

Quy định tạm thời do Bộ Giao thông vận tải ban hành áp dụng đối với hoạt động xe khách liên tỉnh có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương, khu vực (gọi chung là địa phương) có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi cả nước. Đối với các địa phương nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động chở khách bình thường.

Trong giai đoạn thí điểm, xe khách liên tỉnh thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày theo lưu lượng đã được cho phép khai thác trước đó và có giãn cách chỗ trên xe (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm). Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương có nguy cơ tương đương thì tổ chức khai thác bình thường.

Người dân muốn đi xe khách liên tỉnh cần tuân thủ các quy định sau:

Đối với hành khách từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn:

Phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; Tuân thủ "Thông điệp 5K"1 ; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…).

Xe khách liên tỉnh bắt đầu hoạt động từ 13/10
Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ cao về dịch Covid-19 phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn:

Tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…);

Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, Quy định yêu cầu đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô...

Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú phải quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Trường hợp phát hiện hành khách có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Doanh nghiệp vận tải xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải hành khách bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19; Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ôtô kinh doanh vận tải…

TP HCM sẽ khởi động lại xe khách liên tỉnh từ 1/11

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng đã gửi đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP HCM và các tỉnh, trong đó dự kiến xe khách sẽ hoạt động trở lại từ 1/11.

Xe khách liên tỉnh bắt đầu hoạt động từ 13/10
Xe khách giữa TP HCM và các tỉnh thành hoạt động theo 3 giai đoạn từ 1/11 đến hết tháng 12/2021.

Theo đó, xe khách giữa TP HCM và các tỉnh thành hoạt động theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: từ ngày 1 đến ngày 15-11: khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày. Số lượng khách được chở trên xe phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế cho phép theo công suất thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).

Giai đoạn 2: từ ngày 15 đến 30-11, khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.

Giai đoạn 3: sau ngày 30-11 đến hết tháng 12-2021, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.

Đối với khách đi từ TP HCM đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng) và kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).

Hành khách đến TP HCM cần đủ điều kiện: có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).

Trước khi lên xe, người dân khai báo y yế, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau rát họng… Trường hợp người chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe: phải đáp ứng các điều kiện nêu trên, trừ yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19...

Khi đi từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú: hành khách thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương và tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể từng địa phương). Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì báo cho cơ quan y tế để được hướng dẫn.

Trong công điện gửi đến các địa phương ngày 10/10, Thủ tướng nêu rõ việc khôi phục vận tải hành khách hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, hiện một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ, cũng như chưa đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải và Y tế.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, thực hiện nghiêm. Bộ Giao thông Vận tải và Y tế có trách nhiệm giám sát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền trường hợp thực hiện chưa đúng; đề xuất Thủ tướng xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chậm nhất ba ngày tới Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc.