Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Tedros nói: “Các làn sóng dịch mới lại chứng minh rằng Covid-19 chưa hề kết thúc. Virus đang hoạt động tự do và các quốc gia không có năng lực đẩy lùi dịch bệnh, về cả tỷ lệ nhập viện đối và số người mắc bệnh sau Covid-19 ngày càng tăng, thường được gọi là hậu Covid-19”.

Ông Tedros nhấn mạnh: “Khi việc lây truyền Covid-19 và số ca nhập viện gia tăng, các chính phủ cũng phải triển khai các biện pháp đã được thử nghiệm như đeo khẩu trang, cải thiện hệ thống thông gió và tiến hành xét nghiệm và điều trị”.

Ủy ban khẩn cấp của WHO về Covid-19 đã họp trực tuyến hôm 8/7 và xác định đại dịch vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của quốc tế - mức báo động cao nhất mà WHO có thể phát ra.

Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết, số ca mắc COVID-19 đã tăng 30% trong hai tuần qua, phần lớn là do các biến thể phụ của Omicron BA.4, BA.5 và gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Theo ông Ryan, những thay đổi gần đây trong chính sách xét nghiệm đang cản trở việc phát hiện các ca bệnh và theo dõi sự tiến hóa của virus. Nhóm đã bày tỏ lo ngại về việc giảm quá nhiều viễ xét nghiệm, dẫn đến giảm khả năng giám sát và giải trình tự bộ gen.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Dự báo, thời gian tới dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại, tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch). Đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn. Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới. Tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia (Trung Quốc, Triều Tiên…) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ.

Hơn nữa, các chuyên gia y tế cảnh báo, miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè, như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh, như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...

Tại Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng Bộ Y tế cho biết vẫn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới. Bộ cũng sẽ thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia y tế tiếp tục khẳng định, vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19.