Ngày 22/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành các quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với 15 bị can trong vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Tối ngày 23/6/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với 15 bị can này.

Vụ án Trịnh Văn Quyết 'Thao túng thị trường chứng khoán' khởi tố thêm 15 bị can
Khởi tố thêm 15 bị can giúp sức Trịnh Văn Quyết “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Trước đó, Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Tập đoàn FLC và các công ty liên quan theo quyết định khởi tố vụ án số 06/VPCQCSĐT ngày 29/3/2022 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Căn cứ tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận 15 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Thanh Phương; Bùi Ngọc Tú; Nguyễn Thị Thu Thơm; Quách Thị Xuân Thu; Trần Thị Lan (là nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS) và Trịnh Văn Đại; Nguyễn Văn Mạnh; Trịnh Văn Nam; Nguyễn Quang Trung; Nguyễn Thị Hồng Dung; Trịnh Thị Thanh Huyền; Nguyễn Thị Nga; Trịnh Tuân; Đỗ Thị Huyền Trang và Hoàng Thị Huệ (là người quen, họ hàng, nhân viên của bị can Trịnh Văn Quyết) có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và đồng phạm “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lời bất chính số tiền 667.666.580.202 đồng.

Hành vi của 15 đối tượng nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 BLHS là đồng phạm với vai trò giúp sức. Ngày 22/6/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành các quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với 15 bị can nêu trên. Các quyết định, lệnh tố tụng nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Ông Trịnh Văn Quyết bị Bộ Công an khởi tố hôm 29/3/2022 về tội Thao túng thị trường chứng khoán. CQĐT cho rằng từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1, ông Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC) liên hệ với nhiều người họ hàng thành lập 20 công ty. Họ mượn thêm chứng minh thư của 26 người thân để mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán.

Sau đó, các bị can đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng, ông Quyết chỉ đạo các bị can và một số người khác đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC, tương đương số tiền 1.689 tỷ đồng, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Hành vi này nhằm tạo ra cung - cầu giả, thao túng giá cổ phiếu, thu lợi bất chính 975 tỷ đồng.

Tối 25/8/2022, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và một cựu lãnh đạo tập đoàn này bị Bộ Công an khởi tố bổ sung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giai đoạn 2014-2016, ông Quyết cùng 2 em gái Thúy Nga, Minh Huế và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS, Phó chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC) làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Faros.

Sau khi được niêm yết, cựu chủ tịch FLC và các bị can đã bán nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Các bị can đã thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng rồi rút tiền mặt để chiếm đoạt.