Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/9, VN-Index giảm 6,23 điểm, tương đương 0,49% xuống 1.267,73 điểm. HNX-Index giảm 1,19 điểm xuống 233,46 điểm. UPCoM-Index giảm 0,36 điểm xuống 93 điểm. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Khối ngoại vẫn duy trì mức thanh khoản trung bình với giá trị giao dịch gần 3.000 tỷ đồng, và bán ròng hơn 480 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Nhóm VN30 đóng cửa chỉ còn 3 mã: GAS, HPG, SSB tăng nhẹ, 4 mã: GVR, SHB, VCB, VRE dừng ở tham chiếu, còn lại 23 mã giảm.

Trong đó, VIC giảm 2,13% xuống 43.700 đồng/cổ phiếu, VHM giảm 2,05% xuống 43.000 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 1,79%, SSI giảm 1,5%, STB giảm 1,34%, BCM giảm 1,11%, VIB giảm 1,1%, PLX giảm 1,06%.

Các mã còn lại: ACB, BID, CTG, FPT, HDB, MBB, MSN, MWG, POW, SAB, TCB, TPB, VJC, VNM, VPB giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu thép giao dịch tích cực nhất khi chốt phiên tăng, trong đó NKG tăng 2,64% lên 21.400 đồng/cổ phiếu, HSG tăng 2,26%, HMC tăng 2,17%, TLH tăng 1,24%, HPG tăng 0,79%. Ngược lại, DTL giảm 0,8%, SMC giảm 0,49%.

Tương tự, nhóm chăn nuôi heo như DBC (+3,75), BAF (+2,5%), HAG (+1,4%) cũng đồng loạt tăng với biên độ lớn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán chỉ còn duy nhất TVB tăng 1,5%, cùng FTS và VND dừng ở tham chiếu, còn lại đều giảm. Bên cạnh SSI đã kể trên, AGR giảm 0,28%, APG giảm 0,9%, BSI giảm 1,65%, CTS giảm 1,4%, HCM giảm 0,51%, ORS giảm 1,59%, TVS giảm 0,42%, VCI giảm 1,43%, VDS giảm 0,96%, VIX giảm 1,27%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị sắc đỏ gần như phủ kín. Ngoài các mã: ACB, BID, CTG, HDB, MBB, SHB, SSB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB, VIB trong nhóm VN30 đã kể trên, các mã còn lại: EIB và LPB cùng giảm 0,81%, MSB và OCB dừng ở tham chiếu, NAB tăng 1,85%.

Nhóm bất động sản bị bán mạnh, trong đó DRH giảm sàn, CCL giảm 2,32%, FDC giảm 6,47%, HAR giảm 3,48%, HPX giảm 2,83%, LGL giảm 2,6%, TCH giảm 2,19%...

Nhóm vận tải bên cạnh HVN cũng có VJC (-0,7%), ACV (-0,5%), GMD (-0,9%), VTP (-1,3%), PMP (-1,8%), PVT (-0,77%), TMS (-5%) giảm sâu.

Diễn biến của các nhóm cổ phiếu kể trên xuất hiện trong bối cảnh cơn bão Yagi đã gây ra thiệt hại đáng kể lên cơ sở hạ tầng, tài sản công lẫn tư nhân. Thời tiết cực đoan khiến hoạt động vận tải đường bộ, hàng không lẫn đường biển bị gián đoạn.

Một số doanh nghiệp nằm tại khu vực ảnh hưởng bởi bão như CTCP Cảng Đình Vũ, công ty con của CTCP Gemadept (HoSE: GMD) hay CTCP Cảng Hải Phòng (UPCoM: PHP) mới đây cũng đưa ra những báo cáo sơ bộ về tình hình hiện nay. Nhìn chung, các doanh nghiệp này không ghi nhận quá nhiều ảnh hưởng từ cơn bão và đã khai thác trở lại trong hôm nay.

Thị trường chứng khoán ngày 9/9
Thị trường chứng khoán ngày 9/9

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2409 giảm 1,3 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.307,7 điểm, khớp lệnh hơn 154.450 đơn vị, khối lượng mở gần 45.460 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CHPG2405 có thanh khoản cao nhất với 2,15 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 8,3% lên 13 đồng/cq. Theo sau là CMWG2314 với hơn 1,83 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 1% xuống 1.910 đồng/cq.

Nhận định thị trừng cơ sở, các chuyên gia chứng khoán cho biết, thị trường chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương giảm điểm trong phiên đầu tuần, trong đó thị trường Hồng Kong dẫn đầu mức giảm sau báo cáo việc làm của Mỹ yếu hơn kỳ vọng. Trong nước, VN-Index nhanh chóng trở lại xu hướng giảm trước áp lực bán trên diện rộng.

Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm với volume thấp và hình thành cây nến dạng pinbar có bóng dưới phản ứng với MA20 cho thấy dòng tiền chủ động dù không lớn nhưng vẫn cân bằng được thị trường khi bên bán cũng không tỏ ra quyết liệt. Qua đó VN-Index duy trì trạng thái đi ngang ngắn hạn trong biên 1.262-1.282 điểm. Vùng đi ngang này khiến các tín hiệu trở nên nhiễu, các điểm giao dịch có xác suất đúng không cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên với nến Hammer nhờ sự hồi phục của lực cầu ở phiên chiều. Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung đang giao cắt với đường MA20 và tiệm cận mốc hỗ trợ 1.260 điểm. Chỉ báo RSI đang hướng xuống và tạo đỉnh nhỏ nên việc VN-Index xuất hiện biến động rung lắc với biên độ 10-15 điểm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đường CMF đang hướng lên, đồng thời thanh khoản bán chưa ghi nhận biến động lớn nên hiện tại có thể xóa bỏ đi những rủi ro điều chỉnh mạnh bất ngờ trong ngắn hạn và thị trường sẽ sớm có nhịp hồi phục hướng lên mốc 1.290-1.300 điểm.

Ở khung đồ thị giờ, hai chỉ báo RSI và MACD đang ở vùng thấp và cho tín hiệu hướng lên trở lại giúp củng cố cho nhịp phục hồi của thị trường. Thêm vào đó, dải Bollinger band có xu hướng bo hẹp nên xác suất VN-Index rung lắc ở biên độ rộng cũng được giảm thiểu và mục tiêu hướng lên các mốc điểm cao hơn.

Về chiến lược giao dịch, mặc dù thị trường vẫn xuất hiện diễn biến rung lắc, tuy nhiên với việc lực cầu xuất hiện cho thấy hiện tại tâm lý của nhà đầu tư chưa quá tiêu cực và những kỳ vọng về nhịp hồi phục vẫn còn đó. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng danh mục với các mã thuộc nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng và có thể cân nhắc giải ngân đối với những mã thuộc nhóm ngành nêu trên ở vùng giá chiết khấu.