Hiện tại, không có di sản nào của Việt Nam nằm trong danh sách 56 di sản thế giới bị đe dọa. Do đó, thông tin về nguy cơ Vịnh Hạ Long bị loại khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới là không đúng sự thật.
Theo Reuters, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) sẽ triển khai một nhóm chuyên gia để đánh giá những rủi ro tiềm tàng đối với việc bảo tồn vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam), trước những lo ngại về các dự án phát triển có thể đe dọa đến khu vực di sản.
Phía UNESCO cho biết sẽ tổ chức đoàn đánh giá tác động tại khu vực vịnh Hạ Long trong những tháng tới, bao gồm các chuyên gia từ UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN): "Nếu phát hiện ra các mối đe dọa gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của vịnh Hạ Long và các giá trị giúp di sản được đưa vào Danh mục Di sản Thế giới, Ủy ban Di sản Thế giới có thể yêu cầu các biện pháp khắc phục để tăng cường bảo vệ địa điểm này".
Hãng tin Reuters trích dẫn một tuyên bố của Trung tâm Di sản Thế giới (WHC) của UNESCO cho biết đã có những lo ngại từ trước đó rằng "nhiều dự án phát triển du lịch mới và các khu dân cư đô thị dọc theo bờ biển ở thành phố Hạ Long đã được phê duyệt và triển khai" mà không có đánh giá đúng đắn về tác động tiềm tàng của các dự án này.
Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết theo kế hoạch, UNESCO sẽ triển khai một nhóm chuyên gia để đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với việc bảo tồn vịnh Hạ Long tại Việt Nam. Theo dự kiến, nhóm chuyên gia sẽ đến Việt Nam vào tháng 1/2025.
Đại diện Cục Di sản Văn hóa cũng cho biết Việt Nam đã đề nghị, mời chuyên gia UNESCO vào thực địa tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà để xem xét 8 khuyến nghị, đánh giá công tác bảo tồn di sản, phối hợp xây dựng quy chế quản lý di sản giữa hai địa phương Hạ Long - Cát Bà.
Trao đổi với báo chí, đại diện nhóm chuyên gia của Việt Nam là thành viên Ủy ban Di sản thế giới cho biết tại kỳ họp 46 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO hồi tháng 7 vừa qua (ở New Delhi, Ấn Độ), hơn 130 báo cáo được đưa ra xem xét tại kỳ họp này, trong đó có hồ sơ báo cáo bảo tồn di sản vịnh Hạ Long và Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam, cùng 24 hồ sơ mới được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Sau báo cáo tại kỳ họp này, UNESCO đã đưa ra 8 khuyến nghị về việc bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
4 khuyến nghị đầu tiên UNESCO khẳng định họ đã xem xét báo cáo của Việt Nam, báo cáo được thông qua, Việt Nam đã bảo đảm báo cáo hiện trạng bảo tồn và cơ chế phối hợp giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Cũng như hoan nghênh Việt Nam nghiên cứu đánh giá sức chịu tải của di sản, yêu cầu Việt Nam hoàn thành nghiên cứu sớm nhất có thể về sức chịu tải, để hoàn thiện chiến lược phát triển bền vững và hệ thống quản lý tổng hợp khách du lịch…
Khuyến nghị thứ 5, UNESCO lưu ý về kiểm soát thực hiện các dự án ở khu vực bảo vệ di sản, cần đánh giá tác động với di sản theo hướng dẫn của Công ước 1972 của UNESCO…
Cụ thể, các dự án xây dựng phải đánh giá về sự phù hợp của dự án tác động đối với giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo hướng dẫn đánh giá tác động của UNESCO.
Ở khuyến nghị thứ 6, UNESCO ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện các biện pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường nhằm duy trì chất lượng không khí và nước trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý để kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước.
Khuyến nghị thứ 7 UNESCO yêu cầu nộp cho Trung tâm Di sản thế giới bản đồ phân vùng chi tiết khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, sau khi di sản thế giới vịnh Hạ Long được mở rộng thêm quần đảo Cát Bà.
Khuyến nghị thứ 8 là mời đoàn giám sát phản hồi của UNESCO để đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản, đặc biệt là công tác quản trị di sản và hiệu quả tổ chức quản lý bảo vệ di sản.
Đại diện nhóm chuyên gia của Việt Nam là thành viên Ủy ban Di sản thế giới thông tin với Tuổi Trẻ, trong báo cáo mà Việt Nam gửi UNESCO ngày 1/12 vừa rồi, Việt Nam đã chủ động mời chuyên gia UNESCO vào thực địa tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà để xem xét 8 khuyến nghị đã thực hiện như thế nào.
Theo quy trình của UNESCO, việc đưa một di sản thế giới ra khỏi danh sách phải trải qua nhiều bước nghiêm ngặt.
Cụ thể, di sản phải được đưa vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa” trước và chỉ khi không khắc phục được các vấn đề nghiêm trọng trong bảo tồn, UNESCO mới xem xét loại khỏi danh sách.
Hiện tại, không có di sản nào của Việt Nam nằm trong danh sách 56 di sản thế giới bị đe dọa. Do đó, thông tin về nguy cơ Vịnh Hạ Long bị loại khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới là không đúng sự thật.
Theo thống kê, UNESCO hiện công nhận 1.223 di sản thế giới, bao gồm 952 di sản văn hóa, 231 di sản thiên nhiên và 40 di sản hỗn hợp.
Trong đó, Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà tiếp tục là niềm tự hào của Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới.
© thitruongbiz.vn