Mới đây, tập đoàn tư vấn bất động sản độc lập hàng đầu thế giới - Knight Frank đã phát hành Báo cáo Thịnh vượng hé lộ tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ 1% những người giàu nhất thế giới.

Đáng chú ý, số liệu tại báo cáo này cho biết số người siêu giàu ở Việt Nam, là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên, được ước tính khoảng 752 vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó.

Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu vào năm 2028
Ảnh minh họa

Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%) và Singapore (4%), nhưng lại cao gấp ba lần Thái Lan với chỉ 0,8%.

Dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và đưa Việt Nam nằm trong top 5 châu Á - Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Theo Knight Frank, giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ.

Chỉ số đầu tư xa xỉ của Knight Frank (Knight Frank Luxury Investment Index – KFLII) theo dõi hiệu quả của mười hạng mục đầu tư xa xỉ phổ biến nhất, cho thấy mỹ thuật dẫn đầu với mức giá tăng 11% trong năm 2023, Báo cáo Thịnh vượng 2024 của Knight Frank cho biết.

Kế tiếp trong top 5 tăng giá là đồ trang sức (8%), đồng hồ (5%), tiền cổ (4%) và kim cương màu (2%).

Ngược lại, đứng chót bảng là rượu whisky hiếm (giá giảm 9%), trong khi xe cổ giảm giá 6% và rượu vang chỉ tăng có 1%.

Việc nhập khẩu đồ xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận tăng rất cao, nhất là với xe sang, trang sức,...

Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về nhập khẩu giai đoạn 2018 – 2022 đối với đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang 6% và đồng hồ 8%.

Ông Kevin Coppel, giám đốc điều hành Knight Frank châu Á-Thái Bình Dương, nhận định: “Ấn bản mới nhất của Báo cáo Thịnh vượng cho thấy giới nhà giàu (HNWI) và siêu giàu (UHNWI) châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ. Trên khắp châu lục, các đại gia, tài phiệt không ngừng ưu tiên mua sắm xa xỉ phẩm nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư, cũng như khai thác tiềm năng lợi nhuận to lớn mà những hạng mục tài sản này mang lại".

Tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thế giới và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.

Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD.

Tính đến ngày 13/3, theo dữ liệu từ Forbes, trong danh sách tỷ phú USD thế giới, Việt Nam có 6 đại diện, với tổng giá trị tài sản đạt 14 tỷ USD.

Dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) với khối tài sản 4,4 tỷ USD.

Xếp thứ 2 là Chủ tịch VietJet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản trị giá 2,8 tỷ USD.

Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đứng ở vị trí số 3 với 2,6 tỷ USD.

Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở các vị trí tiếp theo với 1,8 tỷ USD, 1,2 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.