Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4/2025, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,65 triệu lượt người, giảm 19,5% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 6,59 triệu lượt người, chiếm 85,9% lượng khách quốc tế đến và tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 924,9 nghìn lượt người, chiếm 12,0% và tăng 7,9%; bằng đường biển đạt 158,3 nghìn lượt người, chiếm 2,1% và tăng 4,5%.
Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong các ngày lễ, Tết và đặc biệt là đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số địa phương có doanh thu 4 tháng đầu năm 2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Đồng Nai tăng 29,7%; Hà Nội tăng 25,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 25,3%; Quảng Ninh tăng 23,5%; Đà Nẵng tăng 22,3%; Bình Dương tăng 19,9%.
Châu Á là khu vực có nhiều khách quốc tế lớn nhất tại Việt Nam với gần 6 triệu lượt khách, tăng 25,9%. Tiếp đến là châu Âu với hơn 1 triệu lượt khách tăng 21,4%; châu Mỹ là 428,1 nghìn lượt tăng 8,7%; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 225,3 nghìn lượt và 17,6 nghìn lượt, tăng 14,7% và giảm 2,3%.
Sự tăng trưởng của ngành du lịch được đánh giá là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm chính sách thị thực ngày càng thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là việc tổ chức thành công các ngày lễ lớn của dân tộc.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện nay Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 1,95 triệu lượt (chiếm 25,4%). Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt 1,58 triệu lượt (chiếm 20,6%). Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ ba (440 nghìn lượt), Mỹ đứng thứ tư (323 nghìn lượt).
Trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản và Campuchia (280 nghìn lượt), Australia (205 nghìn lượt), Ấn Độ (204 nghìn lượt), Malaysia (182 nghìn lượt) và Thái Lan (169 nghìn lượt).
Về động lực tăng trưởng, trong 4 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc tăng mạnh (56,7% so với cùng kỳ năm 2024), Nhật Bản tăng 8,9%, trong khi hai thị trường Đài Loan và Mỹ tăng nhẹ. Một số thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng nhanh, trong đó có Philippines (98,3%), Campuchia (79,6%), Lào (44,7%). Các thị trường còn lại tăng nhẹ, có thể kể đến là Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Thị trường Singapore giảm nhẹ 0,9%. Thị trường tiềm năng Ấn Độ đạt mức tăng 29,0% và Australia tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, ngành Du lịch đang tập trung triển khai các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang tổ chức chương trình phát động thị trường giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Pháp, Italia, Thụy Sĩ từ ngày 3 đến 14-5-2025. Dự kiến trong năm nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức 7 chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam ở nước ngoài với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
URL: https://thitruongbiz.vn/viet-nam-don-767-trieu-luot-khach-quoc-te-trong-4-thang-dau-nam-d28438.html
© thitruongbiz.vn