Theo Forbes ước tính đến ngày 15/12/2023, hơn một nửa trong số 2.568 tỷ phú trên hành tinh giàu hơn so với thời điểm đầu năm. Tài sản một số tỷ phú tăng hàng tỷ, hàng chục tỷ USD, thậm chí có một tỷ phú khối tài sản tăng hơn 100 tỷ USD.

Nếu 2022 là năm "bi đát" của nhiều ông lớn công nghệ thì năm 2023 là một năm trở lại ngoạn mục của chứng khoán. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 42%, gần gấp đôi với mức tăng 23% của chỉ số S&P 500. Các bluechip như Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Tesla và Meta đều phục hồi ngoạn mục, giúp tài sản của các ông chủ tăng vọt.

Vì sao các tỷ phú thường giữ cổ phiếu rất lâu và ít khi bán ra cổ phiếu?
Thị trường chứng khoán Mỹ giúp nhiều tỷ phú nhân đôi tài sản trong năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

Điểm chung của các tỷ phú giàu có, thành công nhất trên thế giới là họ tập trung xây dựng phát triển doanh nghiệp theo đúng chuyên môn, lĩnh vực mà họ hoặc nhóm của họ rất giỏi, làm ra các sản phẩm dịch vụ có tính thay đổi đột phá đến đông đảo khách hàng, tạo ra giá trị bền vững lâu dài cho xã hội.

Qua đó, giá trị, quy mô của doanh nghiệp họ cũng tăng lên, có thể tăng lên hàng chục lần, hàng trăm lần so với thời điểm ban đầu được niêm yết trên sàn chứng khoán đồng thời làm giá trị mỗi cổ phiếu cũng tăng theo hàng chục hàng trăm lần.

Chính vì vậy, khi những ông chủ doanh nghiệp là những người nắm giữ phần lớn cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp của mình từ đầu, tài sản ròng của họ ghi nhận qua cổ phiếu sẽ tăng lên rất nhiều và họ trở thành các tỷ phú.

Họ chỉ bán ra lượng lớn cổ phiếu khi cần tiền để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, có thể như mua bán các công ty khác để hoàn thiện hơn hệ sinh thái doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch qua đó gia tăng giá trị doanh nghiệp mẹ.

Sau đây là một số ví dụ điển hình.

- Elon Musk: được biết tới là tỷ phú giàu nhất năm 2023 với vai trò là chủ hãng xe điện Tesla, mạng xã hội X, công ty vũ trụ SpaceX cùng nhiều doanh nghiệp khác. Đầu năm nay, Elon Musk chỉ ở vị trí giàu thứ hai thế giới, do mất nhiều tiền nhất năm 2022. Tuy nhiên, ông quay trở lại vị trí đầu tiên với tài sản tăng 108 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất thế giới. Nguồn tài sản: Tesla, SpaceX. Tài sản: 254,9 tỷ USD, tăng 108,4 tỷ USD.

Vì sao các tỷ phú thường giữ cổ phiếu rất lâu và ít khi bán ra cổ phiếu?
Elon Musk là nhà sáng lập Tesla và thường xuyên nắm giữ danh hiệu người giàu nhất thế giới. (Nguồn: Tesla)

Tesla chính là "lá bài may mắn" của Elon Musk. Năm nay, mạng xã hội X, trước đây là Twitter, khiến vị tỷ phú đau đầu vì doanh thu sụt giảm nhưng cổ phiếu Tesla lại khiến khối tài sản của tỷ phú này "nở to".

- Mark Zuckerberg: Năm 2022 là năm khó khăn với Zuckerberg, với giá cổ phiếu giảm, lợi nhuận giảm và các đợt sa thải quy mô lớn. Tuy nhiên, năm nay, tài sản của Mark Zuckerberg tăng thêm gần 75 tỷ USD nhờ Meta ghi nhận mức doanh thu ấn tượng. Cổ phiếu công ty mẹ Facebook cũng đã tăng 178% từ đầu năm trở thành năm kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay của công ty. Nguồn tài sản: Facebook. Tài sản: 118,6 tỷ USD, tăng 74,8 tỷ USD.

- Jeff Bezos: Cổ phiếu Amazon năm nay đã tăng gần 80%, giúp tài sản của nhà sáng lập Amazon tăng 65 tỷ USD. Amazon xuất phát điểm là website bán sách. Sau đó, họ dần mở rộng sang mọi ngành hàng, tạo ra hệ thống logistics trải khắp toàn cầu và trở thành gã khổng lồ về công nghệ. Trong năm nay, ông cũng đã dành một khoản tiền lớn cho các hoạt động từ thiện. Nguồn tài sản: Amazon. Tài sản: 172,3 tỷ USD, tăng 65 tỷ USD.

- Prajogo Pangestu: Tỷ phú Indonesia có khối tài sản lớn nhờ ngành gỗ và hóa dầu. Năm nay, ông đã niêm yết công ty về khai mỏ và công ty về năng lượng tái tạo lên sàn chứng khoán Indonesia. Cổ phiếu hai doanh nghiệp này đều đã tăng hơn 800% khiến tài sản của tỷ phú Prajogo Pangestu tăng mạnh. Nguồn tài sản: Đa ngành. Tài sản: 52,8 tỷ USD, tăng 47,9 tỷ USD.

- Larry Page: Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ Google, đã tăng 50% năm nay, do nhà đầu tư kỳ vọng vào phần mềm Gemini AI của Google vào năm sau. Tháng 3, Alphabet cũng đã ra mắt chatbot AI Bard. Larry Page và Sergey Brin là hai nhà đồng sáng lập Google năm 1998. Nguồn tài sản: GoogleTài sản: 111,7 tỷ USD, tăng 34,4 tỷ USD.

- Amancio Ortega: Amancio Ortega hiện là người giàu nhất Tây Ban Nha. Cổ phiếu hãng thời trang Inditex, công ty mẹ Zara, đã tăng 57% trong năm nay lên mức kỷ lục mới. Nhu cầu sản phẩm tăng mạnh và Inditex đạt lợi nhuận kỷ lục. Năm ngoái, Ortega đã nhường chức Chủ tịch Inditex cho con gái là Marta Ortega Perez nhưng ông vẫn nắm 60% cổ phần công ty. Điều này khiến tài sản của ông tăng đáng kể. Nguồn tài sản: Zara. Tài sản: 97,4 tỷ USD, tăng 33,2 tỷ USD.

- Sergey Brin: Sergey Brin đã rút khỏi việc điều hành Google từ năm 2019. Nhưng năm nay, ông đã quay trở lại để thực hiện nhiệm vụ mới trong mảng trí tuệ nhân tạo của công ty. Tài sản của ông cũng tăng mạnh nhờ cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google. Nguồn tài sản: Google. Tài sản: 107,3 tỷ USD, tăng 33 tỷ USD.

- Steve Ballmer: Năm nay là năm đầu tư hiệu quả của tỷ phú Steve Ballmer. Đội bóng rổ Los Angeles Clippers của ông được định giá cao hơn 19% so với năm ngoái. Cổ phiếu của Microsoft, tập đoàn ông từng làm giám đốc điều hành, cũng ghi nhận mức tăng 55% nhờ khoản đầu tư vào OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT. Nguồn tài sản: Microsoft. Tài sản: 110,9 tỷ USD, tăng 32,4 tỷ USD

- Larry Ellison: Nhờ làn sóng AI, nhu cầu về trung tâm dữ liệu cũng tăng vọt, kéo cổ phiếu "gã khổng lồ" phần mềm Oracle lên cao. Năm nay, mã này đã tăng 26%, giúp nhà sáng lập Larry Ellison có thêm hơn 30 tỷ USD. Nguồn tài sản: Tập đoàn công nghệ máy tính Oracle. Tài sản: 133,2 tỷ USD, tăng 30,8 tỷ USD.

- Jensen Huang: đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng chip Nvidia, là người hưởng lợi lớn từ làn sóng AI. Các loại chip AI đã giúp cổ phiếu Nvidia tăng hơn 230% năm nay. Vốn hóa hãng này nhờ đó lên 1.200 tỷ USD. Nguồn tài sản: Tập đoàn chip Nvidia. Tài sản: 43,6 tỷ USD, tăng 29,8 tỷ USD.

Vì sao các tỷ phú thường giữ cổ phiếu rất lâu và ít khi bán ra cổ phiếu?
Ông Jensen Huang, đồng sáng lập kiêm CEO hãng bán dẫn giá trị nhất thế giới Nvidia. (Nguồn: Getty Images).

Bên cạnh đó, các tỷ phú chứng khoán thành công do đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể là những nhà quản lý quỹ đầu cơ thành công. Những người có khối lượng cổ phần cá nhân khổng lồ hoặc những nhà quản lý tài chính cá nhân có tài sản hàng tỷ USD.

Với các tỷ phú đầu tư họ phải tìm hiểu, phân tích, đánh giá rất kỹ một doanh nghiệp trước khi đầu tư. Doanh nghiệp đó phải có sự phát triển bền vững trong nhiều năm tới, thậm chí hàng chục năm tới. Nên khi quyết định đầu tư các tỷ phú sẽ giữ cổ phiếu lâu dài và chỉ bán ra khi doanh nghiệp gặp vấn đề về chiến lược kinh doanh dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lâu dài, hoặc họ có thể bán bớt phần nào cổ phiếu để đầu tư vào các doanh nghiệp khác mà họ thấy tốt hơn.

Các tỷ phú là chủ doanh nghiệp hay là các nhà đầu tư hiểu rằng doanh nghiệp cần có thời gian nhiều năm để xây dựng và phát triển để có thể đạt được thành công đột phá trở thành các doanh nghiệp giá trị hàng tỷ USD, nếu họ muốn trở thành tỷ phú đồng nghĩa họ phải nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

- Warren Buffett - 102,2 tỷ USD: Trên thị trường tài chính, Warren Edward Buffett là một nhân vật rất nổi tiếng được gọi là "Oracle of Omaha" (Tiên tri từ Omaha) với phương pháp đầu tư giá trị. Hiện nay, ông đang làm chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway. Ông là một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện thành công của Mỹ là một trong những nhà đầu tư giàu có nổi tiếng nhất thế giới.

Vì sao các tỷ phú thường giữ cổ phiếu rất lâu và ít khi bán ra cổ phiếu?
Warren Buffett mua cổ phiếu đầu tiên năm 11 tuổi. (Nguồn: Reuters)

- Carlos Slim Helu - 82 tỷ USD: Carlos Slim Helu là một doanh nhân người Mexico sở hữu một tài sản trị giá 82 tỷ USD. Là một trong những người giàu nhất thế giới, ông cũng là người giàu nhất Mexico.

- Michael R. Bloomberg - 76,8 tỷ USD: Michael R. Bloomberg là một chính trị gia và doanh nhân của Mỹ. Qua công ty truyền thông Bloomberg LP do ông sáng lập, Michael Bloomberg đã tích luỹ được một tài sản đáng kể.

- Stephen A. Schwarzman - 31,8 tỷ USD: Schwarzman được biết đến là nhà đầu tư đứng vị trí số một trong số những tỷ phú Mỹ kiếm tiền thông qua Quỹ Đầu tư tư nhân (Private Equity). Schwarzman thành lập Tập đoàn Blackstone từ năm 1985, và bắt đầu giao dịch quỹ đầu tư tư nhân từ đó. Sau hơn 35 năm, Blackstone đã trở thành một trong những công ty quản lý tài sản thay thế (alternative asset) lớn nhất thế giới, với tài sản 684 tỷ USD.