Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Nếu như giai đoạn từ tháng 1-4 số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng, đến tháng 5 số mắc tăng lên 556 trường hợp, thì tháng 6 tăng vọt lên 887 trường hợp.

Trước thực trạng số ca mắc cúm A không ngừng gia tăng, lại trước thềm năm học mới do vậy nhu cầu tiêm chủng loại vaccine này tăng cao.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sự gia tăng này diễn ra ở mọi độ tuổi gồm trẻ nhỏ, người trưởng thành, người cao tuổi, đối tượng phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thuyên tắc phổi mãn tính-COPD,...), người bệnh ung thư, người suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, trong hai tháng qua, có hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan đăng ký tiêm vaccine cúm cho người lao động với số lượng 200-2.000 người mỗi đơn vị.

Người lao động được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Ảnh: Quân đội Nhân dân
Người lao động được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Còn theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, một tháng trở lại đây, số người đến tiêm vaccine phòng bệnh cúm tăng cao. Nếu như tháng 6, số người đến tiêm chỉ khoảng gần 200 người thì từ ngày 1 - 18/7, lượng người đến là gần 300.

Hiện nay giá vaccine cúm không tăng so với thời điểm chưa “sốt”, tuy nhiên nguồn cung khan hiếm nên nhiều người phải đi tới 3-4 nơi mới tiêm được.

Việt Nam hiện có 5 loại vaccine phòng cúm gồm: Quadrivalent phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B), sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi, an toàn cho phụ nữ có thai; Vaxigrip Tetra (Pháp) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Influvac Tetra (Hà Lan) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi; GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng và loại Ivacflu-S (Việt Nam) 3 chủng, tiêm cho người từ 18 - 60 tuổi.