Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát tiết lộ tại ĐHCĐ 2024: "“Hòa Phát sẽ nghiên cứu các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, khó, đầu tư lớn, đáp ứng sản xuất ô tô, đóng tàu, quân sự, thép chế tạo...". thép đường ray chất lượng cao, đáp ứng cho tàu chạy vận tốc 800-1.000 km/h. “Sản xuất loại này cực kỳ khó. Hi vọng sau này triển khai đường sắt cao tốc Bắc Nam, Hòa Phát sẽ tham gia,”
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có tổng cộng 179.108 cổ đông, tăng khoảng 18.000 so với ngày chốt quyền dự ĐHĐCĐ năm 2022.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG nhận định, thép là ngành ăn theo bất động sản, đầu tư công. Trong khi đầu tư công đang được đẩy mạnh thì ngành bất động sản vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Long nhận định năm 2024 Hòa Phát sẽ chưa có những đột phát nhưng vẫn sẽ là một năm tốt với hoạt động kinh doanh của công ty.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch mở rộng công suất ống thép và tôn, ông Trần Đình Long cho biết, ống và tôn là những sản phẩm truyền thống, tương đối dễ làm. Trong khi đó, định hướng của Hòa Phát thời gian tới là tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy công ty sẽ chỉ đầu tư quy mô vừa và nhỏ cho sản phẩm này.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát - tỷ phú Trần Đình Long |
“Hòa Phát sẽ nghiên cứu các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, khó, đầu tư lớn, đáp ứng sản xuất ô tô, đóng tàu, quân sự, thép chế tạo...,” ông Long nói. Chủ tịch HPG tiết lộ thêm, công ty đang nghiên cứu sản xuất hai sản phẩm cực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam.
Một là tôn silic - sản phẩm sử dụng trong máy biến áp điện, động cơ và máy phát điện, dùng cho xe điện. Theo ông Long, hiện Việt Nam mới chỉ có một đơn vị làm sản phẩm này nhưng là khâu gia công cuối cùng, còn Hòa Phát sẽ sản xuất từ đầu.
Hai là thép đường ray chất lượng cao, đáp ứng cho tàu chạy vận tốc 800-1.000 km/h. “Sản xuất loại này cực kỳ khó. Hi vọng sau này triển khai đường sắt cao tốc Bắc Nam, Hòa Phát sẽ tham gia,” ông Long chia sẻ.
Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 17% và 46% so với năm 2023.
Ban lãnh đạo dự kiến năm 2024 doanh thu sẽ tăng so với năm 2023 phần lớn từ sản lượng với kỳ vọng sự trở lại của các nhà phát triển bất động sản sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành. Tuy nhiên, mặt khó khăn là giá nguyên liệu xu hướng tăng, giá bán không tăng tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất tiếp tục duy trì trạng thái cao.
Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nói rằng, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn so với mọi năm, tuy nhiên giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, để đạt được con số đó lãnh đạo và toàn thể công ty đã cố gắng nỗ lực rất nhiều.
Ông Thắng cho hay, kết quả kinh doanh năm 2024 chưa thể tăng trưởng đột biến dù năm 2022-2023 là đáy, do nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa "ấm lên". Ở Mỹ và châu Âu, Fed vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao.
Tổng Giám đốc Hòa Phát cũng chia sẻ, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng và tỉ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu, tăng lên từ mức 85-90% những năm qua.
Trước câu hỏi khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nếu bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó khăn thì công ty sẽ bán hàng thế nào, ông Thắng chia sẻ, tập đoàn đang chiếm 35% thị phần thép xây dựng và vẫn luôn duy trì thị phần kể cả lúc khó khăn.
“Thị trường trong nước vẫn là chính và có cả xuất khẩu. Chúng tôi không có khó khăn gì trong vấn đề bán hàng. Trong năm 2024 đầu tư công đang được đẩy mạnh và Hòa Phát đang cung cấp thép cho một loạt dự án trọng điểm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn. Với HRC, khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bộ phận xuất khẩu đã tiến hành đi tìm thị trường để có thể bán được số thép đó", ông Thắng nói.
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát nộp vào ngân sách nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng, được bình chọn Top 1 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và xếp thứ 8 trong Top 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023; Top 10 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 30 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. |
Về nhân sự, HPG bầu thêm hai thành viên vào HĐQT: Ông Chu Quang Vũ (SN 1963) - từng giữ nhiều chức vụ tại HPG và các công ty con của tập đoàn; ông Đặng Ngọc Khánh (SN 1973) - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vĩnh Phát, CTCP Megan Holdings và Tổng giám đốc CTCP MSH Holdings. Hai người đều không có quan hệ lợi ích với HPG.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát, trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát khẳng định: Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện CBPH.
HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 9 thành viên |
"Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước" – Ông Long nói.
Đặc biệt, theo Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát, 30 năm trước, Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.
"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga- Ukraina, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa" – Ông Long nhấn mạnh.
Ông Long nhấn mạnh, Hòa Phát chỉ khởi kiện một vài công ty nước ngoài chống bán phá giá chứ không phải toàn bộ các nhà xuất khẩu. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, thì giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng vì nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường.
Chủ tịch Hòa Phát tiết lộ tình trạng “nguy hiểm” của nạn bán phá giá khi chính các nhà sản xuất thép uy tín trong nội địa Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng và muốn cơ quan quản lý nước này điều tra các nhà sản xuất phá giá thép.
© thitruongbiz.vn