Từ trước đến nay, gửi hàng qua xe khách là dịch vụ vô cùng tiện lợi, nhưng hàng hóa gửi qua xe khách lại rất khó kiểm soát.

Không cần giấy tờ hay thủ tục giao nhận, giá thành rẻ, thời gian vận chuyển nhanh nên hình thức ký gửi hàng hóa trên xe khách ngày càng được nhiều người dân lựa chọn.

Tiện lợi là vậy nhưng hình thức này lại nảy sinh nhiều bất cập. Ví như trong số hàng hóa ký gửi có thể có cả những hàng hóa dễ gây cháy nổ. Theo cơ quan chức năng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe thời gian vừa qua.

Từ 1/9, gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp thông tin về tên hoá, họ và tên hàng hóa, địa chỉ, số CMND/CCCD... cho lái xe. Ảnh minh họa
Từ 1/9, gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp thông tin về tên hoá, họ và tên hàng hóa, địa chỉ, số CMND/CCCD... cho lái xe. Ảnh minh họa

Nghị định 47/2022 bổ sung vào điều 11 quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Ngoài ra nghị định này cũng sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô. Theo đó, taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Không sử dụng ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ôtô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.