Dự kiến 1,18 tỷ lượt hành khách đi lại

“Xuân vận” - cuộc di chuyển của người dân Trung Quốc về quê ăn Tết, được coi là cuộc di dân lớn nhất trên thế giới khi hàng trăm triệu người Trung Quốc học tập và làm việc tại các thành phố di chuyển về quê bằng tàu, xe, máy bay và các phương tiện khác. Đợt du lịch lễ hội mùa Xuân năm 2022 kéo dài 40 ngày, từ ngày 17/1 đến ngày 25/2.

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, năm 2022 sẽ có khoảng 1,18 tỷ lượt hành khách đi lại, tăng 35,6% so với năm 2021 nhưng vẫn giảm 20,3% so với năm 2020.

“Phòng chống dịch bệnh” vẫn là nguyên tắc quan trọng nhất của đợt Xuân vận năm nay. Do đó, mã sức khoẻ, khẩu trang, nước rửa tay, giãn cách xã hội, … là những điều du khách buộc phải tuân thủ khi tham gia giao thông công cộng.

Theo thống kê của ngành đường sắt Trung Quốc, lượng hành khách đi tàu ước đạt 280 triệu lượt người. Trong đợt cao điểm Xuân vận 2022, sẽ có khoảng 29,5 triệu chuyến đi mỗi ngày trên khắp Trung Quốc, tăng 35,6% so với năm 2021. Thậm chí, cũng có tàu chạy vào đêm giao thừa, vé tàu đã được chính thức mở bán từ 17/1, cũng là ngày đầu tiên của đợt Xuân vận.

Trung Quốc: Đợt Xuân vận 2022 căng thẳng vì Omicron
Đợt Xuân vận năm 2022 kéo dài 40 ngày

Phó Chủ nhiệm cơ quan vận chuyển hành khách Tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc Chu Văn Trung nhận định, từ tình hình bán vé trước Xuân vận năm nay, nhu cầu đi lại cơ bản vẫn duy trì ở mức độ nhất định, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự chỉ đạo của các chính sách phòng, chống dịch của địa phương nên lượng hành khách còn nhiều bất ổn và biến động.

Để đảm bảo phòng dịch, những dịch vụ không tiếp xúc cũng sẽ được đẩy mạnh để tạo môi trường đi lại lành mạnh cho hành khách trong đợt Xuân vận 2022. Số lượng thiết bị tự phục vụ tại các nhà ga sẽ được tăng lên, các kênh nhanh để vào ga sẽ được bổ sung, dịch vụ đặt bữa ăn trực tuyến cũng được triển khai. Cùng với đó là các chính sách và phương thức đặt vé đa kênh để đảm bảo hạn chế tiếp xúc tối đa.

Theo ghi nhận của tờ Global Times, các ga xe lửa ở Bắc Kinh đều tăng cường tần suất khử trùng, bao gồm cả việc tăng công suất các hệ thống điều hoà lọc không khí tại các phòng chờ trong nhà. Mốt số ga tàu, đơn cử ga Tây Bắc Kinh, còn bố trí robot khử trùng tại các hành lang chính của nhà ga để phục vụ du khách. Một ga xe lửa tại Thượng Hải còn phân công các công nhân cầm biển nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang đúng cách trong suốt chuyến đi và giữ khoảng cách an toàn.

Mặt khác, về đường hàng không, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ước tính có gần 600.000 chuyến bay chở khách trong thời kỳ Xuân vận đã được lên lịch trình từ sớm. Ngoài ra, còn có khoảng 20.000 chuyến bay bổ sung trong trường hợp nhiều người dân phát sinh nhu cầu đi lại. Như vậy, cả nước sẽ có khoảng 35 triệu chuyến đi bằng đường không, con số này cũng xấp xỉ so với năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 bùng phát ở một số khu vực, các dịch vụ đường sắt, đường hàng không sẽ ngay lập tức bị đình chỉ hoặc cắt giảm để ứng phó linh hoạt theo chính sách chống dịch mới nhất. Đơn cử, theo Cơ quan Quản lý hàng không Trung Quốc, ngay hôm đầu tiên của đợt Xuân vận, 17/1, cơ quan này đã phải đình chỉ 2 chuyến bay từ Mỹ bởi liên quan đến các ca mắc COVID-19.

Siết chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19

Nói cách khác, các chính sách chống dịch dựa trên diễn biến dịch bệnh trong đợt Xuân vận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực vận chuyển của ngành vận tải Trung Quốc và hạn chế sự di chuyển của người dân.

Theo ông Vương Tú Xuân, Vụ phó Vụ dịch vận tải thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc thì Tết nguyên đán cho biết năm nay sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện phòng dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường hóa. Chính vì thế, áp lực lên ngành giao thông vận tải của đất nước tỷ dân này là rất lớn, do vừa phải đảm bảo sự đi lại thông suốt cho người dân, vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Trung Quốc: Đợt Xuân vận 2022 căng thẳng vì Omicron
Phòng chống dịch bệnh là tiêu chí hàng đầu mà du khách phải tuân thủ

Theo Reuters, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về việc thay đổi chiến lược “Không COVID-19” bất chấp tỉ lệ tiêm chủng cao, đạt tới 86,6%. Do biến thể Omicron đã được ghi nhận ở nhiều địa phương tại Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh, giới chức địa phương buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh hạn chế đi lại của người dân.

Một số thành phố yêu cầu du khách báo cáo các chuyến đi nhiều ngày trước khi đến. Đơn cử, thành phố Lạc Dương và Yết Dương thông báo rằng, 3 ngày trước khi đến thành phố, du khách cần báo cáo với khu dân cư, chủ sử dụng lao động hoặc khách sạn về chuyến đi của họ. Thành phố Ngọc Lâm thông báo rằng những người muốn vào thành phố phải điền vào một biểu mẫu kỹ thuật số bao gồm thông tin xác thực về sức khỏe và chi tiết chuyến đi của họ trước một ngày.

Trên thực tế, giới chức nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã khuyến cáo người dân không nên rời đô thị trong các chuyến đi không thiết yếu vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, đặc biệt những địa phương đã phát hiện biến thể Omicron trong cộng đồng. Đến nay, đã có hàng chục chuyến bay quốc tế và nội địa bị tạm ngừng nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Nhìn chung, đợt Xuân vận năm 2022 của Trung Quốc vẫn trong tình trạng căng thẳng khi bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Đáng nói, ngoài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Olympic Bắc Kinh 2022 tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận từ 4/2.