Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý 3/2022 với nhiều dữ liệu đáng chú ý.

Theo đó, trong quý 3 vừa qua doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 19.520 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 840 tỉ đồng, tương đương giảm gần 17% và 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn này cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do lợi nhuận sau thuế của Công ty Masan MEATLife (kinh doanh thịt heo - gà) và Masan High-Tech Materials (cung cấp vật liệu Vonfram dùng trong ngành điện tử, hóa chất, ô tô...) bị giảm.

Ngoài ra tập đoàn còn bị ảnh hưởng từ khoản lỗ chưa được hiện thực hóa do biến động tỉ giá hối đoái tăng khi đánh giá lại khoản nợ bằng USD (khoảng 168 tỉ đồng), thu nhập từ Techcombank giảm (khoảng 101 tỉ đồng), không còn khoản thu nhập một lần như quý 3 năm trước.

Tổng kết ba quý đầu năm nay, Masan mang về gần 55.550 tỉ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp vẫn còn lại lãi ròng hơn 3.950 tỉ đồng, tăng hơn 32%. Lưu ý năm nay tập đoàn không còn hợp nhất kết quả từ mảng thức ăn chăn nuôi như năm ngoái. Bởi từ cuối năm 2021, Masan đã bán lại mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho đối tác nước ngoài.

Đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Masan là mảng bán lẻ tiêu dùng với 21.844 tỷ đồng, chiếm 39% trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là mảng sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu 18.781 tỷ đồng, chiếm 34%, mảng vật liệu công nghệ cao 11.651 tỷ đồng, chiếm 21%, MeatLife 2.114 tỷ đồng, chiếm 3,8%.

Masan (MSN) lãi sau thuế 841 tỷ đồng trong quý 3, giảm 47% so với cùng kỳ, hạ mục tiêu cả năm 2022
Masan (MSN) lãi sau thuế 841 tỷ đồng trong quý 3, giảm 47% so với cùng kỳ, hạ mục tiêu cả năm 2022. Ảnh minh họa

Dựa trên kết quả kinh doanh 9 tháng, năm 2022, Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000- 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trước lợi ích phân bổ cho cổ đông không kiểm soát từ 4.800 - 5.500 tỷ đồng. Mức ước tính này thấp hơn so với mục tiêu đề ra vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Trong thời gian sắp tới, Masan sẽ tập trung vào các kế hoạch, mở mới hơn 300 cửa hàng WCM trong quý 4, khai trương 50 - 70 cửa hàng WIN và mở rộng chương trình hội viên, ra mắt 23 sản phẩm nhãn hàng riêng mới với giá thấp hơn và biên lợi nhuận thương mại cao hơn.

Đối với MCH, Masan chú trọng hoạt động R&D trong một số ngành hàng chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi, tiếp tục đẩy mạnh đà tăng trưởng hiện tại của mảng đồ uống, cà phê và bia.

Masan cũng dự kiến khai trương 30 cửa hàng Phúc Long flagship, xây dựng hệ thống vận hành và quy trình nhằm thiết lập nền tảng cho việc siêu mở rộng quy mô trong năm 2023, tạm dừng hoạt động các kiosk kém hiệu quả và tập trung phát triển mô hình kiosks tối ưu trong cửa hàng WIN để chuẩn bị cho bước mở rộng quy mô hơn nữa trong tương lai.

MML sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối ngoài hệ thống WCM và MHT tập trung tối ưu hóa chi phí, dòng tiền và tích hợp với Nyobolt.