Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát hành tổng công 140.550 tỷ đồng tín phiếu, hút về lượng tiền tương ứng, trong khi chỉ có 80.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn.

Tính chung, NHNN đã hút ròng 60.550 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Mặt khác, nhu cầu vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) đã tăng đáng kể và NHNN đã cho một số thành viên vay mới tổng cộng 10.679 tỷ đồng. Trong khi có 229 tỷ đồng khoản vay cũ trong tuần trước đáo hạn. Tổng cộng, NHNN đã bơm 10.450 tỷ đồng qua kênh thị trường mở.

Tính chung trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, Nhà điều hành đã hút khỏi hệ thống ngân hàng 50.100 tỷ đồng trong tuần qua. Trước đó, cơ quan này cũng đã rút về lần lượt 30.178 tỷ và 142.413 tỷ trong 2 tuần trước, qua đó nâng tổng mức hút ròng kể từ đầu tháng 2 lên tới 189.228 tỷ đồng.

Trong một tuần, NHNN phát hành hơn 140.000 tỷ đồng tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước phát hành hơn 140.000 tỷ đồng tín phiếu trong tuần qua. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong tuần qua, NHNN đã đẩy mạnh hút thanh khoản dài hạn bằng tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày (tương đương 3 tháng), với quy mô lên tới 49.000 tỷ đồng bên cạnh 91.550 tỷ đồng tín phiếu 7 ngày. Với kỳ hạn 3 tháng, nhanh nhất phải tới trung tuần tháng 5, 49.000 tỷ đồng bị rút về kể trên mới có thể đáo hạn và quay lại hệ thống ngân hàng.

Việc phát hành thêm tín phiếu 91 ngày cho thấy định hướng "nhốt" tiền lâu hơn của cơ quan quản lý tiền tệ. Ngoài ra, lãi suất trúng thấu tín phiếu cũng tăng từ mức 5 - 5,6%/năm lên 6% cho thấy sự quyết liệt trong hoạt động hút thanh khoản của Nhà điều hành.

Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản mạnh tay của NHNN, lãi suất VND liên ngân hàng đã bật tăng mạnh.

Theo số liệu được NHNN công bố mới đây cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% doanh số giao dịch) trong phiên 23/2 đã tăng mạnh lên 6,15%/năm từ mức 4,64%/năm vào cuối tuần trước. Ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần, lãi suất VND cũng tăng lên lần lượt 6,34% và 6,12%.

Theo các chuyên gia, NHNN đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Fed.a