Trái phiếu Chính phủ lưu hành sụt giảm; thị trường trái phiếu liên tục giảm tốc
Theo đó, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc, ghi nhận trong quý 2 giảm 0,3% so với quý trước đó do lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành sụt giảm.
Cụ thể, một lượng lớn trái phiếu đến hạn và phát hành thấp hơn khiến cho trái phiếu chính phủ quý 2 giảm 1,1%, xuống còn 58,3 tỷ USD vào cuối tháng 3. Tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp chậm lại, đạt 3,3% so với quý trước, với thị trường đạt 12,7 tỷ USD. So với năm 2020, thị trường trái phiếu đã tăng 19% do trái phiếu doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi cùng kỳ. Trái phiếu bằng đồng nội tệ trên thị trường bao gồm 82,1% trái phiếu Chính phủ và 17,9% trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu Chính phủ lưu hành sụt giảm; thị trường trái phiếu liên tục giảm tốc |
Theo ADB, tính chung cả khu vực thị trường Đông Á mới nổi, trái phiếu bằng đồng nội tệ đã đạt 20, 3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2021. Năm nay, trong quý 1, tăng trưởng của thị trường trái phiếu ở mức khiêm tốn, chỉ đạt 2,2% so với mức tăng 3,1% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các chính phủ tìm cách cân bằng chính sách tài khóa và khu vực tư nhân vẫn thận trọng trong bối cảnh các đợt bùng phát mới và việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 không đồng đều.
Ngoài ra, lãi suất trái phiếu tại thị trường Đông Á mới nổi cũng có sự phân hóa, do những yếu tố thị trường, lo ngại dịch Covid-19 chưa có thời điểm kết thúc, cũng như những quan ngại về áp lực lạm phát, dẫn tới tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Nhận định về vấn đề này, ông Yasuyuki Sawada, kinh tế trưởng của ADB nhận định, sự không chắc chắn kéo dài xung quanh Covid-19 và áp lực lạm phát trước mắt đã tác động tiêu cực tới các thị trường trái phiếu mới nổi của Đông Á, dẫn đến biến động và hoạt động trái chiều trên các thị trường tài chính và cổ phiếu.
Trong khi đó, các thị trường trái phiếu bền vững đang mở rộng nhanh chóng, được củng cố bởi sự quan tâm ngày càng tăng tới việc phục hồi xanh và đồng đều, cũng như các chính sách công tạo thuận lợi, sẽ là chìa khóa cho những nỗ lực của khu vực nhằm tái thiết thông minh hơn sau đại dịch.
Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã công bố giảm lãi suất trái phiếu chính phủ cả ngắn hạn và dài hạn, trong khi Hàn Quốc, Malaysia và Philippines lại công bố mức tăng. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất của khu vực, chiếm 77,8% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành của Đông Á mới nổi. Quy mô thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi tương đương 96,4% tổng sản lượng kinh tế của khu vực trong quý 1/2021. Các thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tổng giá trị 301,3 tỉ USD vào cuối tháng 3, tăng 13,2% so với quý trước và 44,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường của khu vực hiện đang chiếm khoảng 20% thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu, khiến nơi đây trở thành thị trường lớn thứ hai chỉ sau châu Âu. |
Trước đó, trong quý I huy động vốn bằng trái phiếu giảm mạnh, nhưng khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng lại tăng cao tới 60% so với quý I năm trước. Cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương ngày 16/4 cho biết, trong quý 1/2021, tổng vốn mà doanh nghiệp huy động được thông qua việc phát hành trái phiếu đạt 22.000 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng lại tăng cao tới 60% so với quý I năm 2020, đạt khoảng 13.000 tỷ.
Vụ phó Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thông tin, thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp.
Thị trường này khi ra đời sẽ giúp trái phiếu có thanh khoản cao hơn, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ nắm bắt đầy đủ thông tin giao dịch như giá, đối tượng nhà đầu tư, phục vụ cho công tác quản lý giám sát.