Sở Y tế TP HCM tăng cường kiểm soát dịch H5N1

Ngày 24/2, Sở Y tế TP HCM tiếp nhận Công văn 586/PAS-KSBT năm 2023 của Viện Pasteur TP HCM về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do vi rút. Theo thông tin chia sẻ từ Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Cơ quan đầu mối tế quốc tế tại Việt Nam, tại tỉnh Prey Venbg, Campuchia (có đường biên giới với Việt Nam), bước đầu ghi nhận 02 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1), trong đó đã có 01 trường hợp bệnh nhi tử vong và một số trường hợp bệnh nghi ngờ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch cúm gia cầm H5N1, ngày 25/2/2023, Sở Y tế TP HCM đã có Công văn 1277/SYT-NVY năm 2023 khẩn gửi đến các cơ quan, đơn vị về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm A(H5N1).

Tại Công văn 1277/SYT-NVY, Sở Y tế TP HCM đã có chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố như sau:

- Triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm A(H5N1) và phối hợp với các trạm Kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.

- Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng.

- Truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

- Làm đầu mối, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo quy định của Thông tư liên tịch 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổ chức tập huấn cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức về công tác giám sát và phòng, chống dịch cúm A(H5N1) tại cộng đồng.

TP HCM tăng cường kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn cúm gia cầm. Ảnh minh họa: Đại Đoàn kết
TP HCM tăng cường kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn cúm gia cầm. Ảnh minh họa: Đại đoàn kết

Đồng thời, tại Công văn 1277/SYT-NVY, Sở Y tế TP HCM có chỉ đạo với Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức như sau:

- Phối hợp với Phòng Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng. chống dịch cúm A(H5N1) theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

- Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; đặc biệt chú ý đến các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

- Thực hiện các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó Công văn 1277/SYT-NVY, Sở Y tế TP HCM cũng đã có chỉ đạo với các cơ sở khám chữa bệnh như sau:

- Thực hiện nghiêm “Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) ở người” theo Quyết định 30/2008/QĐ-BYT ngày 19/8/2008 của Bộ Y tế.

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; thực hiện hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời.

- Giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A(H5N1) theo đúng quy định. Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

- Giao Phòng Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nội dung văn bản này đến các phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn để biết và thực hiện.

Kiểm soát chặt cửa khẩu biên giới Tây Nam để ngăn chặn dịch H5N1

Ngày 1/3, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang, hàng hóa từ Việt Nam - Campuchia qua lại tấp nập. Tuy nhiên, không có gia cầm hay động vật mà chỉ có hàng hóa, mỹ phẩm và lúa gạo.

"Từ khi dịch bệnh Covid-19 đến nay, các loại gia cầm hay động vật đều không được qua cửa khẩu này. Do đó, hiện nay chúng tôi chỉ kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh từ Campuchia về thông qua máy đo thân nhiệt ở khu vực làm hồ sơ nhập cảnh. Nếu thân nhiệt người nào bất thường sẽ phát hiện nhanh liền", một cán bộ Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu Tịnh Biên nói.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các đoàn kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các huyện biên giới, tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới… để kịp thời ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, lưu ý các huyện biên giới trường hợp phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ phải xử lý theo quy định.

Lực lượng kiểm dịch y tế giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: Tuổi trẻ
Lực lượng kiểm dịch y tế giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Tuổi trẻ

Còn ông Bạch Tuấn Kiệt, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay ngành thú y cơ sở đã thực hiện theo kế hoạch vệ sinh tiêu độc khử trùng từ 1-3 đến 30-3. "Đồng Tháp là một trong những địa phương lân cận với nơi đang có dịch lây lan trên người, vì thế người chăn nuôi nên phối hợp với thú y cơ sở tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình", ông Kiệt khuyến cáo.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết dịch cúm A (H5N1) đã và đang diễn biến phức tạp ở nước bạn Campuchia nên đơn vị đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, cửa sông, vùng biển.

Đồng thời, phối hợp với lực lượng hải quan, kiểm dịch kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa và đặc biệt các hàng hóa là động vật, gia cầm để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm.

"Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và người có uy tín, trụ trì các chùa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ở khu vực biên giới về phòng, chống dịch H5N1. Đơn vị cũng khuyến cáo người dân không nên tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện sự việc trên người dân có thể tố giác, để kịp thời ngăn chặn, xử lý", đại tá Đông nói.

Tại Long An, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch về phòng, chống dịch cúm A nguy hiểm (H5N1, H7N9, H5N6) trên địa bàn, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời...

Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.