Theo PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết: “Vừa qua, TP đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TPHCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về trường hợp trên”.

Hiện nay, Sở Y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Người nhập cảnh được giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính.

Sau khi điều tra, nếu người nhập cảnh được xác định là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.

TP HCM ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên.
TP HCM ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thì thông báo ngay cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.

Đối với công tác sàng lọc, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được giao phối hợp đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Các lớp tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như phát ban, sốt, đau đầu,…Theo các tài liệu, chủng virus này thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Do virus gây bệnh được phát hiện ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.

Thời gian ủ bệnh có thể từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).

Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.

Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh.

Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không. Cần thêm các nghiên cứu khác để xác định vấn đề này.