TP HCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội cho công nhân sau dịch
Quyết tâm giải quyết nhà ở cho công nhân
Trong buổi lễ công bố Quyết định Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM, quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thành phố cần rút ra những bài học về quy hoạch đô thị, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người công nhân thuê hoặc mua. Cần huy động nguồn lực của toàn xã hội để làm ngay", ông Bình chia sẻ với các chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, đại diện doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch TP HCM cho rằng, sau đại dịch, TP HCM sẽ phải nghiên cứu giãn mật độ người lao động, xây dựng, chỉnh trang các khu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Các doanh nghiệp đã có sẵn quỹ đất, còn lãnh đạo TP HCM cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các ách tắc về thủ tục, pháp lý để làm nhà ở xã hội.
Dẫn chứng câu chuyện xây dựng các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực hoàn chỉnh với hàng nghìn giường bệnh, trang thiết bị y tế chỉ trong chưa đầy một tháng, ông Lê Hòa Bình cho rằng nếu huy động mọi nguồn lực, có sự đồng lòng giữa chính quyền và doanh nghiệp cùng công nghệ xây dựng hiện đại, TP HCM hoàn toàn có thể xây dựng hàng trăm nghìn nhà ở xã hội cho công nhân.
"Để phục hồi kinh tế sau dịch, TP HCM phải dựa vào doanh nghiệp. Việc cần làm đầu tiên chính là đô thị, giao thông, xây dựng", ông Bình khẳng định. Phó Chủ tịch TP HCM chia sẻ sáng 30/9, lãnh đạo thành phố đã tham quan cầu Thủ Thiêm 2 sau khi hợp long. Sự kiện này đặc biệt ý nghĩa khi TP HCM chính thức bước sang giai đoạn mới, nới lỏng giãn cách, cho phép nhiều hoạt động kinh tế xã hội mở cửa lại từ 1/10.
TP HCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội cho công nhân sau dịch |
Điều chỉnh quy hoạch không làm ảnh hưởng nhà đầu tư
Ông Lê Hòa Bình cho biết TP HCM đang đứng trước thách thức đô thị phát triển nhanh, hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, đề án điều chỉnh quy hoạch sắp tới cần được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển lâu dài của TP HCM. TP HCM còn là trung tâm giao lưu thương mại của các tỉnh thành phía Nam. Do đó, đề án quy hoạch sắp tới phải tính toán để đảm bảo tính liên kết giữa TP HCM và các địa phương, liên kết vùng.
"Chúng tôi rất muốn các chuyên gia tư vấn, kiến trúc sư, nhà đầu tư cùng tham gia góp ý với đồ án quy hoạch chung của TP HCM. Càng nhiều ý kiến tham gia sẽ càng làm cho quy hoạch khả thi", ông Bình chia sẻ.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch TP HCM khẳng định trong thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung cho TP HCM và TP Thủ Đức, chính quyền cam kết không làm ảnh hưởng, tạo ra ách tắc về thủ tục pháp lý với quy hoạch 1/2000 dự án của nhà đầu tư.
Trong lần điều chỉnh quy hoạch này, thành phố cũng tổ chức cuộc thi bình chọn ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. TP HCM tiếp nhận các ý kiến đóng góp ngay trong quá trình thực hiện đề án quy hoạch thay vì đợi đến khi làm xong mới công bố lấy ý kiến như trước đây.
Theo Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP HCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ.
Dự kiến đến năm 2040, quy mô dân số toàn TP HCM khoảng 13 đến 14 triệu người. Với quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 đến 110.000 ha.
Song song đó, quyết định số 1538/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 với mục tiêu đưa TP Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP HCM và quốc gia.
Theo phê duyệt, TP Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TP HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao, trung tâm phía đông của TP HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 212 km2. Dự kiến đến năm 2030, dân số toàn TP. Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người, năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.