Theo UBND Thành phố, hiện nay, Thành phố đang triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo Nghị quyết 15 năm 2023 của HĐND Thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và nghiên cứu các quy định liên quan, Thành phố gặp một số vướng mắc về quy định pháp luật.
Cụ thể, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng phương thức khai thác, sử dụng tạm chưa được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 33/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngoài ra, đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm lòng đường, hè phố ở địa bàn chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Vì vậy, thành phố muốn được hướng dẫn là đơn vị được giao quản lý có phải lập đề án khai thác, trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi cấp phép hay không.
Vì vậy, UBND Thành phố đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn về phương thức khai thác và lập Đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Trước đó, HĐND Thành phố đã ban hành mức phí cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, có hiệu lực từ đầu năm 2024. Các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng phí, gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị...
Mức phí được Thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng mức 20.000-100.000 đồng/m2.
Theo công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, có gần 900 tuyến đường chia theo 5 khu vực đủ điều kiện để thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè.
Trong đó, có 207 tuyến thuộc khu vực 1 ở các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 277 tuyến ở khu vực 2 gồm các quận: 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
248 tuyến thuộc khu vực 3 ở các quận 8, 9 (cũ), 12, Thủ Đức (cũ), Tân Phú, Gò Vấp; 125 tuyến thuộc khu vực 4 ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi; và 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ - khu vực 5.
Theo trình tự cấp phép và thu phí, Sở GTVT TP sẽ đảm nhận những tuyến do cơ quan này quản lý. Quận, huyện sẽ thực hiện với các đường do địa phương quản lý.
Sở GTVT TP tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, bao gồm dải phân cách, đảo giao thông trên các tuyến đường do sở quản lý. Tương tự, các địa phương cũng sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Danh sách gần 900 tuyến đường mà Sở GTVT vừa ban hành chỉ là căn cứ cho các địa phương xác định rõ những tuyến thuộc khu vực trung tâm TP HCM để tính phí. Cũng từ danh sách này, các địa phương sẽ rà soát, sau đó chọn những tuyến đường đủ điều kiện thu phí.
https://sohuutritue.net.vn/tp-hcm-chua-thu-phi-long-duong-cho-van-ban-huong-dan-d206818.html