TP HCM: Thu hai loại phí giao dịch nhà đất theo mức mới từ ngày 1/6

Chiều 8/6, UBND TP HCM đã tổ chức họp báo định kì nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch trên địa bàn TP HCM. Tại đây, Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh cũng đã cung cấp thêm thông tin về việc tăng phí thực hiện thủ tục hành chính giao dịch nhà đất kể từ ngày 1/6.

Theo đó, kể từ ngày 1/6/2023, Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM bắt đầu áp dụng thu hai loại phí theo mức mới. Đó là phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố HCM theo Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND và phí thẩm định cấp giấy chứng nhận trên địa bàn Thành phố HCM theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Tất cả các mức phí mới này đều thực hiện theo qui định của Bộ Tài chính tại Thông tư 85/2019/TT-BTC có hiệu lực từ năm 2020, tuy nhiên giai đoạn 2020 - 2021, Thành phố Hồ Chí Minh chưa nâng mức thu do thực hiện theo chính sách của Bộ Tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường bắt đầu xây dựng đề án thu theo qui định của Bộ Tài chính và được HĐND Thành phố thông qua ngày 18/4/2023, qui định hiệu lực áp dụng từ ngày 1/6/2023.

Theo đó, đối với phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có mức thu mới tăng 20 lần so với trước đây (dao động khoảng 1 triệu đồng/lần, trong khi trước đây là 80.000 đồng/thế chấp, 20.000 đồng/xóa). Nguyên nhân là mức thu trước ngày 1/6/2023 được thực hiện theo qui định cũ của Bộ Tài chính, là áp theo mức trần của hoạt động thế chấp động sản, chưa phân biệt 2 hoạt động đăng ký động sản và đăng ký bất động sản. Bộ Tài chính đã sửa đổi điểm bất cập này, qui định mức thu của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bất động sản tính theo đúng chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định, do đó mức thu tăng lên để bảo đảm chi phí này.

Từ ngày 1-6, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM bắt đầu áp dụng thu hai loại phí giao dịch nhà đất theo mức mới - Ảnh: HỮU HẠNH
Từ ngày 1/6, Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM bắt đầu áp dụng thu hai loại phí giao dịch nhà đất theo mức mới - Ảnh: Tuổi Trẻ

Đối với phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước ngày 1/6/2023, mức thu cũng được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính, là chỉ thu phí cho trường hợp chuyển nhượng (mua bán), loại hình này chỉ chiếm 40% khối lượng đăng ký đất đai. Kể từ ngày 1/6/2023, phí thẩm định thực hiện theo qui định mới của Bộ Tài chính là áp dụng cho tất cả các loại hình đăng ký đất đai, gồm cấp mới, cấp lại , cấp đổi và tất cả các loại biến động gồm chuyển nhượng, chuyển đổi, chuyển quyền... Mức thu phí thẩm định cũng được xây dựng theo chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định cho hoạt động đăng ký. Mức thu mới có tăng so với mức thu chuyển nhượng cũ từ 29 - 40% do tính đến chi phí số hóa và lưu trữ hồ sơ đất đai.

Việc áp dụng các loại mức phí mới trên khi áp dụng sẽ được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với Cách mạng...

"Với việc điều chỉnh mức thu mới theo đúng nguyên tắc bù chi phí cơ bản theo qui định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố có điều kiện bảo đảm cung ứng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức sử dụng; đồng thời tăng cường đảm bảo thực hiện công tác số hóa lưu trữ hồ sơ địa chính theo đúng qui định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn thành phố", đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố cho biết.

Vạn Ninh: Cưỡng chế thu hồi đất 10 trường hợp tại Dự án Khu tái định cư đường 2-9

Sáng 8/6, UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 10 trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng thi công Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đường 2-9 (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) để phục vụ dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, diện tích đất thu hồi của 10 trường hợp gần 16.288m2. Công tác cưỡng chế đã được triển khai thực hiện bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện cưỡng chế đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, thiết bị máy móc; đồng thời giữ ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực. Ngay sau khi cưỡng chế, lực lượng chức năng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để tiếp tục thực hiện dự án.

Lai Châu tính thu hồi hơn 210ha đất để làm dự án

HĐND tỉnh Lai Châu vừa thông qua Nghị quyết số 11 về chấp thuận bổ sung danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng và danh mục các công trình, dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Lai Châu sẽ thu hồi 212,61ha đất để thực hiện 65 công trình, dự án, với mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 50,233 tỷ đồng, tập trung tại 7 huyện.

Lai Châu sẽ thu hồi 212,61ha đất để thực hiện 65 công trình, dự án, với mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 50,233 tỷ đồng.
Lai Châu sẽ thu hồi 212,61ha đất để thực hiện 65 công trình, dự án, với mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 50,233 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, huyện Than Uyên có diện tích thu hồi đất là 22,52ha (thực hiện 21 công trình, dự án); huyện Tân Uyên diện tích đất thu hồi 0,10ha (1 công trình, dự án); huyện Tam Đường diện tích thu hồi đất 12,60ha (3 công trình, dự án); huyện Sìn Hồ diện tích đất thu hồi 18,74ha (11 công trình, dự án); huyện Phong Thổ diện tích thu hồi đất là 18,69ha (1 công trình dự án); huyện Nậm Nhùn diện tích đất thu hồi 112,20ha (24 công trình, dự án); huyện Mường Tè diện tích thu hồi đất 27,76ha (thực hiện 4 công trình, dự án).

Đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất là 80,22ha, để thực hiện 44 công trình, dự án.

Trong đó, huyện Than Uyên có 3,79ha đất trồng lúa; huyện Tam Đường 7,52ha đất trồng lúa; huyện Sìn Hồ 1,98ha đất trồng lúa. Còn huyện Tân Uyên là 3,48ha (bao gồm: đất trồng lúa 0,55ha, đất rừng phòng hộ 1,32ha, đất rừng đặc dụng 1,61ha); huyện Phong Thổ 9,30ha (diện tích đất trồng lúa 8,66ha, đất rừng phòng hộ 0,64ha); huyện Nậm Nhùn 45,88ha (diện tích đất trồng lúa 3,88ha, diện tích đất rừng phòng hộ 42,00ha); huyện Mường Tè là 8,27ha (diện tích đất trồng lúa 0,28ha, đất rừng phòng hộ 7,99ha).

Bộ Tài chính nêu cơ chế gỡ khó cho Đà Nẵng tại Khu Công viên phần mềm số 2

Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.

Bộ Tài chính cho biết, để TP Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau 25 năm xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng, trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như: cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.

Các thách thức về quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế…đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TP.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định bổ sung một số điều Nghị định số 144 đối với Đà Nẵng tạo điều kiện cho TP có thể khai thác được khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Dự án Khu Công viên phần mềm số 2. Điều này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT – truyền thông tháo gỡ vướng mắc về không gian phát triển (hạ tầng và mặt bằng); phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, thực hiện nghiên cứu phát triển chuyển đổi số; bao gồm cả dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngân sách ngoài nhà nước.

Cần tháo gỡ vướng mắc về không gian phát triển cho Đà Nẵng. Ảnh: Minh họa
Cần tháo gỡ vướng mắc về không gian phát triển cho Đà Nẵng. Ảnh: Minh họa

Theo đó, dự thảo bổ sung Điều 9a: "Về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin" như sau: Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển từ nguồn ngân sách của TP là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin theo khoản 2, Điều 4 Phân loại tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

HĐND TP được xem xét, quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin trên địa bàn thành phố từ nguồn ngân sách TP. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là UBND TP Đà Nẵng. UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin.

Đối tượng được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở TT&TT.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất này có tác động về kinh tế là có cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xác định tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Giúp TP tiếp tục đầu tư Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) từ nguồn ngân sách nhà nước để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh để kéo dài gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và đúng kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đó, việc đầu tư hạ tầng Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sẽ tạo ra quỹ đất, giải quyết bố trí địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp CNTT - truyền thông, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cạnh đó, giải quyết được nguyện vọng của các doanh nghiệp, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, giúp TP Đà Nẵng tăng nguồn lực, đảm bảo chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển.

Từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á