Long An đề nghị chuyển Nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị sinh thái

Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã khảo sát hiện trường và làm việc với Bộ Công Thương, Tổng Công ty Giấy, UBND tỉnh Long An và các bộ ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện dự án này đã thể hiện là không khả thi do không còn vùng nguyên liệu (khu vực không còn trồng đay – nguyên liệu để sản xuất của nhà máy). Giải pháp điều chỉnh tính năng sản xuất để phù hợp với các nguyên liệu khác cũng không khả thi, sản phẩm làm ra chủ yếu là giấy in báo cũng khó tiêu thụ. Mặt khác, Tổng công ty Giấy gặp khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính của dự án.

Để xử lý dự án, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai phương án bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên những năm qua, phương án này không triển khai được do không có nhà đầu tư nào tham gia qua 3 lần tổ chức đấu giá, do giá khởi điểm được định giá không phù hợp với thị trường, một số nội dung liên quan tới chủ nợ cũng có vướng mắc.

Báo cáo cũng cho biết, tỉnh Long An đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng quyền sử dụng đất dự án để xây dựng khu đô thị sinh thái gắn với công nghệ cao. Bộ Công Thương đề xuất phương án 3 là dừng thực hiện và bán thanh lý tài sản trên đất của dự án, cấp có thẩm quyền chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù để xử lý những tồn tại của dự án này.

Về mặt kỹ thuật, đại diện Tổng công ty Giấy cho biết, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là không thể khắc phục được vì dây chuyền sản xuất bột giấy từ cây đay là "đặc thù", trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Công nghệ này từ phòng "thí nghiệm đi thẳng ra thực tế", không phù hợp nên không hoạt động được.

Theo đại diện Tổng công ty Giấy, có thể chuyển nguyên liệu sản xuất bột giấy từ đay sang gỗ nhưng cần bổ sung thêm vốn khoảng 1.000 tỷ để cải tạo công năng sản xuất bột giấy từ cây keo và bạch đàn. Tuy nhiên, sản phẩm giấy hóa nhiệt cơ, chủ yếu được sử dụng để in báo (nhu cầu thị trường thấp), thời gian bảo quản không dài nên cũng khó xuất khẩu… Do vậy, phương án "bơm thêm tiền" cải tạo công năng sản xuất bột giấy từ cây đay sang các nguyên liệu khác cũng không khả thi.

Ngoài ra về mặt môi trường, dự án này nằm ngay ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, dòng chảy không lớn nên nguồn nước thải ra khó thoát được nhanh, dễ tạo ra nguy cơ ô nhiễm cho tỉnh Long An và các địa phương trong khu vực. Quan điểm của Tổng công ty Giấy là không nên tiếp tục dự án và đề xuất tổ chức định giá và bán đấu giá theo từng cụm thiết bị, hoặc "nước cùng" thì cho thanh lý.

Long An đề nghị chuyển Nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị sinh thái. Ảnh: Mekongasean
Long An đề nghị chuyển Nhà máy bột giấy Phương Nam thành khu đô thị sinh thái. Ảnh: Mekongasean

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, về thực tiễn các yếu tố bảo đảm cho dự án hoạt động đều không còn. Việc cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo dừng dự án từ 2014 để tránh thiệt hại thêm là chính xác. Tuy nhiên tiến độ xử lý chậm nên gây thiệt hại rất lớn.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, dự án không triển khai được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phương án đề xuất của Bộ Công Thương cần làm rõ các khoản nợ và giải pháp xử lý nợ; xử lý tài sản trên đất và các vấn đề liên quan tới đất đai. Tổng Công ty Giấy phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan.

Bà Ngọc cũng đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương, cần điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh mục đích sử dụng đất…

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Útcho biết, đến thời điểm hiện tại, tính khả thi để triển khai dự án đã không còn. Tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, các bộ ngành, chủ nợ và địa phương "ngồi với nhau, nhìn thẳng vào thực tế" để thống nhất tiếng nói chung xử lý dự án. Từ thực tiễn dự án và địa phương, tỉnh Long An để nghị chuyển đổi dự án thành khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng kết các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, do các phương án của Bộ Công Thương đề xuất chưa rõ nên thời gian qua, việc xử lý vẫn loay hoay, không dứt điểm được.

Phó Thủ tướng cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án còn lại (Bột Giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất) thì Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất.

Tại cuộc họp hôm nay, các ý kiến đều thống nhất dừng thực hiện dự án. Để có phương án hiệu quả, đúng pháp luật, xử lý dứt điểm dự án này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan bàn thảo, phân tích, tính toán, đề xuất phương án cuối cùng, trước ngày 15/4/2023.

Đối với tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt, tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

VCCI đề xuất Nhà nước hỗ trợ trong thu hồi đất cho doanh nghiệp

Theo dự thảo, cơ chế thiết lập quỹ đất cho nhà ở thương mại sẽ đi theo hai hướng. Thứ nhất, với dự án sử dụng đất không phải đất ở, Nhà nước sẽ thu hồi để tạo lập quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án.

Thứ hai, với đất ở và các loại đất không phải đất ở, doanh nghiệp sẽ đi thỏa thuận để chuyển mục đích sử dụng sang đất đô thị, nhà ở thương mại. Trường hợp này Nhà nước không thu hồi đất.

Các doanh nghiệp cho rằng, cơ chế tự thỏa thuận với người dân là không khả thi, khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn để thực hiện. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp, giải phóng mặt bằng bị ách tắc chỉ vì một số ít hộ dân không muốn thỏa thuận hoặc yêu cầu giá quá cao.

"Thực tế, doanh nghiệp không thể đàm phán, thỏa thuận với hàng ngàn người dân trong một dự án lớn", VCCI nêu và nhìn nhận, để có thể triển khai dự án, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà nước trong thu hồi đất.

Theo đó, VCCI đề xuất thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất (ví dụ có thể đặt ra tỷ lệ % đất không thể thỏa thuận được mà Nhà nước phải can thiệp).

Mặt khác, VCCI cho rằng, việc dự thảo phân tách Nhà nước thu hồi đất dựa vào tính chất của đất (đất không phải là đất ở) còn nhà đầu tư thỏa thuận đất ở và các loại đất không phải đất ở, dường như chưa phù hợp.

Vì có trường hợp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở và đất này phù hợp với quy hoạch nhưng không thể thực hiện dự án bởi theo quy định đất đó phải có một phần là "đất ở". Đây cũng là trường hợp vướng mắc lớn trên thực tế mà doanh nghiệp đã phản ánh trong mấy năm vừa qua.

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc cần sớm gỡ vướng đất rừng

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệm ưu tiên xem xét hồ sơ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án) tại Văn bản 431 ngày 15/3/2023, trong quá trình thực hiện dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục xin chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, có tổng diện tích đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án là 106,05 ha thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ các quy định pháp luật về thẩm quyền, điều kiện và trình tự chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, UBND các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã có Tờ trình đề nghị thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến thẩm định các Bộ, ngành liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các ý kiến, có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị tiếp thu, giải trình và làm rõ; theo đó, UBND các tỉnh đã có các báo cáo giải trình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện dự thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng vào tháng 8/2022.

Tuy nhiên, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; ngày 26/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 61/2022/QH15; tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 4/11/2022; trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết nêu trên; trong đó hướng dẫn thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ, thủ tục và ban hành các Nghị quyết, Quyết định đối với việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhà thầu đang tích triển khai dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc qua tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN
Nhà thầu đang tích triển khai dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc qua tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã triển khai thi công trên hiện trường. Tuy nhiên, các gói thầu đều gặp khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng do đặc thù của dự án là địa hình miền núi, phạm vi thi công các gói thầu hầu hết đều có diện tích thu hồi đất rừng. Bên cạnh đó, đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiệp định vay vốn sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2025, theo đó yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024.

"Nếu công tác chuyển mục đích sử dụng rừng không được hoàn thành sớm để đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu trong đầu quý II/2023 thì dự án sẽ khó đáp ứng được tiến độ yêu cầu", Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án, UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đang hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp để sớm trình thẩm định, phê duyệt.

"Do tiến độ yêu cầu rất cấp bách, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, ưu tiên xem xét tách hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án để thẩm định, hoàn tất các thủ tục đồng thời với quá trình các địa phương hoàn thiện hồ sơ và hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện để đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho hay, tính đến nay đã có 8/11 gói thầu của dự án đã được triển khai thi công trên công trường. Hiện tiến độ đang bị ảnh hưởng rất lớn vì không có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công.

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc khởi công vào 27/12/2021 gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53 km, đường cấp 4 miền núi.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và tăng cường khả năng kết nối khu vực, đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ; phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và công nghiệp; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Avatar Thủ Đức: Dự án căn hộ tại Thủ Đức

Avatar Thủ Đức có vị trí tọa lạc tại mặt tiền đường Vành Đai 2, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án nằm tiếp giáp với tuyến đường Xa Lộ Hà Nội, cách nhà ga Metro Bến Thành chỉ khoảng 10 phút di chuyển và là khu vực cửa ngõ di chuyển đến các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai.

Avatar Thủ Đức có quy mô gần 3,3 ha, được thiết kế xây dựng theo mô hình khu căn hộ cao cấp. Dự án sở hữu với 6 tòa tháp căn hộ có chiều cao từ 28 – 33 tầng, cung cấp ra thị trường 2.400 sản phẩm.

Các sản phẩm tại dự án Avatar Thủ Đức đa dạng các loại hình, bao gồm căn hộ 1 phòng ngủ đến 3 phòng ngủ và các căn duplex. Các sản phẩm được thiết kế theo phong cách hiện đại, tối ưu ánh sáng tự nhiên hướng về phía trung tâm thành phố.

Dự án Avatar Thủ Đức được quy hoạch đầy đủ với những tiện ích nội khu như: Trung tâm thương mại, cụm rạp chiếu phim, công viên, sân chơi trẻ em, khu vực BBQ, sân thể thao đa năng, hồ bơi, khu sinh hoạt cộng đồng, khu cafe, phòng gym, yoga…

Các sản phẩm tại dự án Avatar Thủ Đức có mức giá dự kiến ban đầu từ 70 triệu đồng/m2.
Các sản phẩm tại dự án Avatar Thủ Đức có mức giá dự kiến ban đầu từ 70 triệu đồng/m2.

Từ dự án, cư dân sinh sống tại Avatar Thủ Đức dễ dàng tiếp cận những tiện ích ngoại khu lân cận, bao gồm: Trong bán kính từ 3 – 5 km di chuyển đến Giga Mall, siêu thị Nguyễn Kim, Coop, chợ đầu mối Thủ Đức, Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, công viên Tam Phú, công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc…

Chủ đầu tư dự án Avatar Thủ Đức là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land, được thành lập vào ngày 17/10/2008, có địa chỉ trụ sở đặt tại 53 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp Hưng Thịnh Land có vốn điều lệ của doanh nghiệp là 9.379 tỷ đồng, do ông Lê Trọng Khương giữ vị trí là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty. Doanh nghiệp với nhiều dự án ra mắt trong những năm gần đây như: Moonlight Residences, Lavita Garden, Lavita Charm…

Dự án Avatar Thủ Đức được chủ đầu tư ra mắt vào tháng 03/2023, các sản phẩm tại dự án sớm được mở bán trong thời gian tới.

Các sản phẩm tại dự án Avatar Thủ Đức có mức giá dự kiến ban đầu từ 70 triệu đồng/m2.