Tin bất động sản ngày 23/5: Bộ GTVT cho ý kiến về đề xuất của Hà Nội quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô
Bộ GTVT cho ý kiến về đề xuất của Hà Nội quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ GTVT cho biết đã nhận được công văn số 1382/UBND-GT của UBND thành phố Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc tế; đồng thời đề nghị Bộ nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch để UBND thành phố Hà Nội bổ sung vào quy hoạch Thủ đô đang triển khai, bảo đảm thống nhất.
Bộ này cho biết để có đầy đủ cơ sở xem xét, giải quyết, Bộ GTVT đề nghị hai cơ quan trên nghiên cứu nội dung đề xuất của UBND TP Hà Nội, báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý trước ngày 27/5/2023.
Trong văn bản Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn gửi Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất của cảng hàng không thứ hai thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế, UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện tại đồ án quy hoạch toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định sân bay thứ hai của Hà Nội là sân bay quốc nội.
Hà Nội đề xuất thêm phương án về vị trí sân bay tại Ứng Hòa. Ảnh minh họa: Người Lao động |
Trong khi quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất toàn Thủ đô đạt 130 - 150 triệu hành khách/năm đến năm 2050.
Tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đã định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho vùng TP HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành, với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm).
Như vậy, vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng sân bay thứ hai của Hà Nội là sân bay quốc tế.
TP HCM nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế hơn 5 tỷ USD
UBND TP HCM vừa thành lập tổ công tác thực hiện Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tổ công tác có 15 thành viên do ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM làm tổ trưởng tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP HCM trong việc lập, trình đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đồng thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện đề án sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Theo đề án được nghiên cứu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM). Vị trí cù lao nằm ở cửa sông Cái Mép và được bao quanh bởi sông Thị Vải và sông Thuê. Khu vực cù lao Phú Lợi có diện tích rừng phòng hộ khoảng 93,37 ha, trong đó có 82,89 ha đất rừng.
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Porcoast |
Dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, trong đó 6,8 km là bến tàu mẹ (bến chính) và khoảng 1,9 km bến sà lan. Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ có kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 TEU). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu TEU.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.
Ngày 12/5, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… và các cơ quan đơn vị liên quan về triển khai đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế này.
Sở Giao thông Vận tải cho biết đã tiếp thu các ý kiến tại hội thảo và đang hoàn thiện Đề án để trình UBND TP HCM trong tháng 5/2023.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận tăng vốn đầu tư từ 585 tỷ đồng lên 874 tỷ đồng
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chiều 22/5, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 năm 2019.
Dự án có mục tiêu: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Với tổng mức đầu tư là 585 tỷ đồng. đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết số 93. Đến nay Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 874 tỷ đồng. Điều chỉnh thời gian thực hiện thành từ năm 2019-2025 (tăng thêm 01 năm so với chủ trương của Quốc hội).
Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là cần thiết. Tổng mức đầu tư cho dự án tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ việc cập nhật theo các quy định pháp luật mới, do trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình trong quá trình khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt đầu tư dự án. Việc triển khai dự án đã chậm gần 3 năm.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025. Đồng thời, nếu được Quốc hội chấp thuận cho gia hạn, thời gian còn lại để triển khai Dự án không nhiều, do đó đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương, tập trung chỉ đạo phân công, phối hợp triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ điều chỉnh.
Sắp đấu giá loạt lô đất huyện ven Hà Nội, khởi điểm cao nhất 31 triệu đồng/m2
Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt sắp tổ chức đấu giá hàng loạt lô đất của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Ngày 25/5, tại hội trường UBND thị trấn Đại Nghĩa, công ty sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 36 thửa đất ký hiệu LK4. Các thửa đất đấu giá thuộc khu Bãi Vạc và khu Đường Ngang Trên, tổ dân phố Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa.
Diện tích các thửa đất từ 82,5 - 179,2 m2, mức giá khởi điểm từ 16,5 đến 16,8 triệu đồng/m2. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp theo phương thức trả giá lên.
Sáng 2/6, tại hội trường UBND thị trấn Đại Nghĩa, ban tổ chức tiếp tục đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 38 thửa đất ký hiệu LK5.
Các thửa đất cũng nằm tại khu Bãi Vạc và khu Đường Ngang Trên, tổ dân phố Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa. Diện tích dao động 110 - 280 m2/thửa, với mức giá khởi điểm từ 16,5 - 21,5 triệu đồng/m2.
Cũng tại địa điểm đấu giá trên, sáng 9/6, Công ty Lạc Việt sẽ tổ chức đấu giá 55 thửa đất tại khu mạ Cú, tổ dân phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa.
Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp một vòng tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên cho các lô đất có diện tích từ 93 – 250 m2.
Giá khởi điểm từ 20 triệu đồng đến 31 triệu đồng/m2.
Sắp đấu giá nhiều lô đất ở ven Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lê |
Tại huyện Phúc Thọ, Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam thông báo đấu giá 22 thửa đất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phúc Thọ vào sáng 29/5 tới đây.
Theo đó, các lô đất đấu giá thuộc khu Đồng Cầu Lọc, xã Ngọc Tảo có diện tích từ hơn 110 – 251,2 m2. Giá khởi điểm từ 17 – 18,9 triệu đồng/m2, dao động khoảng hơn 1,8 tỷ đồng đến hơn 4,7 tỷ đồng, tùy lô.
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại hội trường Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp và theo phương thức trả giá lên.
Cũng tại địa điểm đấu giá này, sáng ngày 25/5 cũng diễn ra cuộc đấu giá 30 thửa đất ở tại NO-2; NO-3 khu Man Rộm, cụm 8, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ.
Các thửa đất có diện tích từ 75 - 100 m2/thửa; mức giá khởi điểm từ 16 - 18,5 triệu đồng/m2.