TP HCM ưu tiên giải quyết dứt điểm khó khăn của 38 dự án bất động sản

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 17/2, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết sắp tới, TP sẽ điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp.

Theo ông Cường, thành phố đặt mục tiêu trong năm năm (2021-2025) phấn đấu đạt 50 triệu m2 sàn. Giai đoạn 2021-2022, TP đã đạt khoảng 28% kế hoạch đề ra. Trong hai năm này có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân, nhu cầu phát triển của thành phố.

Phương hướng sắp tới, TP HCM sẽ tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Cụ thể, hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) khởi sắc, lãnh đạo TP HCM cho biết sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.

Theo đó, TP HCM sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án BĐS. Hiện nay khoảng 116 dự án, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

TP.HCM sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Ảnh: PLO.vn
TP.HCM sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Ảnh: PLO.vn

Đồng thời, TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án BĐS có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh BĐS sàn giao dịch.

“Thành phố sẽ tích cực hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của TP, quy hoạch chung TP Thủ Đức dự kiến cuối năm nay sẽ trình. Ngoài ra, về hạ tầng kỹ thuật, TP sẽ đẩy mạnh các dự án kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài...các dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy các dự án lớn” - ông Cường thông tin.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết trong năm 2023, TP Hà Nội quyết tâm phải rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. Hà Nội dự kiến là sẽ phải dừng bốn dự án, thu hồi trên 2.600 ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.

Hiện nay đang thiếu các cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung. TP Hà Nội sẽ thực hiện đấu thầu năm khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế, chính sách về việc này chưa có. Do đó, Hà Nội kiến nghị cần có một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xử lý vấn đề này.

Hải Phòng: Yêu cầu xử lý vụ việc biến 7.500m2 đất phi nông nghiệp thành trung tâm tiệc cưới

Theo ghi nhận của UBND quận Lê Chân (TP Hải Phòng), khu đất hơn 7.500 m2 tại số 307 Nguyễn Văn Linh (phường Kênh Dương, quận Lê Chân) vốn được UBND TP Hải Phòng cho Công ty TNHH may xuất khẩu Minh Thành thuê làm nhà xưởng, nhà văn phòng, trung tâm thiết kế giới thiệu sản phẩm. Tháng 12/2020, doanh nghiệp này chuyển nhượng khu đất cùng tài sản trên đất cho Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát (trụ sở 94 Trần Phú, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng).

Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất. Trong đó, toàn bộ diện tích đất trên khu đất được xác định là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Tháng 6/2022, UBND quận Lê Chân đã cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà xưởng trên đất cho Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, UBND quận Lê Chân, Sở TN – MT TP Hải Phòng đều ghi nhận các hạng mục nhà xưởng có diện tích 1.600m2 đã được cải tạo thành khu hội trường tiệc cưới với tên gọi Trung tâm tiệc cưới W. Jardin. Khu nhà kho, nhà điều hành hơn 600 m2 được cải tạo thành khu dịch vụ áo cưới. Ngoài ra, Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát còn xây dựng khu nhà khung thép hai tầng, rộng vài trăm m2, nhà để xe, những hạng mục không có trong giấy phép sửa chữa để phục vụ trung tâm tiệc cưới.

Đặc biệt, toàn bộ diện tích đất hành lang an toàn lưới điện của trụ điện cao thế trong khu đất không nằm trong diện tích đất được thuê cũng được Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát xây dựng nhà bảo vệ, nhà cấp 4 để xe, làm vườn hoa …

Trung tâm tiệc cưới W. Jardin lớn nhất nhì Hải Phòng tọa lạc trên đất sản xuất. Ảnh: Đại đoàn kết
Trung tâm tiệc cưới W. Jardin lớn nhất nhì Hải Phòng tọa lạc trên đất sản xuất. Ảnh: Đại đoàn kết

Theo xác định của Sở TN & MT TP Hải Phòng, Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát đã có loạt hành vi vi phạm hành chính như tự chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường cho Trung tâm tiệc cưới; xây dựng các công trình không có giấy phép và lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất hành lang an toàn lưới điện.

Trước hàng loạt các vi phạm của chủ sử dụng đất về quản lý, sử dụng đất, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu Sở TN & MT chủ trì, phối hợp cùng các Sở Xây dựng, UBND quận Lê Chân kiểm tra cụ thể, làm rõ những vi phạm của Công ty cổ phần ô tô xe máy Hồng Phát. Trong đó, Thanh tra Sở TN & MT phải hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; báo cáo, đề xuất UBND TP Hải Phòng đối với các vi phạm không thuộc thẩm quyền, vượt thẩm quyền để TP xử phạt theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông địa phương dừng việc quảng cáo đối với hoạt động Trung tâm tiệc cưới W. Jardin đến khi cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề xuất đưa sân bay Gò Găng vào quy hoạch phát triển cảng hàng không

Ngày 17/2, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc xem xét đưa sân bay Gò Găng vào quy hoạch phát triển cảng hàng không.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét, thống nhất với đề xuất của tỉnh về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đảo Gò Găng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.389 ha. Sân bay Gò Găng được đề xuất quy hoạch tại đảo Gò Găng, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích hơn 248 ha. Ước toán tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.

Sân bay này sẽ có chức năng khai thác, hoạt động là cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ vận chuyển hàng không nội địa, hoạt động bay trực thăng bay taxi, khai thác du lịch, dầu khí được đầu tư xây dựng mới tại khu vực Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

UBND tỉnh cho biết, việc chuyển sân bay Gò Găng từ chức năng chuyên dùng thành chức năng lưỡng dụng sẽ phục vụ tối đa nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, việc bổ sung vào quy hoạch Cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng còn đáp ứng mục tiêu phát triển khu đô thị mới gắn với sân bay theo quyết định số 586/2019 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2076/2017, cũng như các quy hoạch khác có liên quan.

Hiện nay, sân bay Gò Găng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh nghiên cứu đưa vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) trình Chính phủ phê duyệt và đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đảo Gò Găng với chức năng là sân bay lưỡng dụng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông kết nối khu vực xung quanh sân bay đã được tính toán bảo đảm phục vụ nhiều chức năng khác nhau.

Long An: giải phóng mặt bằng dự án truyền tải điện trọng điểm

Hiện tại, những dự án truyền tải điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Long An đang có những vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng cần tháo gỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ thi công.

Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Long An ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong ngày 15/2.

Hiện trên địa bàn tỉnh Long An, SPMB đang khẩn trương thực hiện các dự án Trạm biến áp 500 kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối, Đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành.

Đối với đường dây 500kV Đức Hòa – Chơn Thành, SPMB kiến nghị UBND tỉnh Long An giúp thống nhất chủ trương cho phép SPMB, đơn vị thi công phối hợp cùng UBND các xã và các phòng ban liên quan vận động thi công trước khi phê duyệt phương án bồi thường các vị trí móng trụ mà hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.

SPMB kiến nghị UBND huyện Đức Huệ trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An hệ số điều chỉnh giá bồi thường trong tháng 2/2023 để thẩm định và phê duyệt làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường trong tháng 3/2023 để kịp chi trả cho các hộ dân bàn giao mặt bằng thi công.

SPMB kiến nghị UBND huyện Đức Hòa ban hành Thông báo thu hồi đất, triển khai kiểm đếm, khảo sát giá đất bồi thường cụ thể trong tháng 2/2023 và trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất bồi thường cụ thể trong tháng 3/2023.

Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện trọng điểm trên địa bàn.
Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp

Đối với Trạm biến áp 500 kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối, UBND tỉnh đưa ra hướng giải quyết 9 trường hợp nhà xưởng/nhà ở chưa bồi thường. Các địa phương tổ chức đối thoại vận động các hộ gia đình nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng trong tháng 2/2023, trường hợp vẫn cương quyết không nhận tiền bàn giao mặt bằng thì tiến hành cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2023.

Đối với dự án Trạm biến áp 500kV Long An và đường dây đấu nối; Trạm biến áp 220kV Gò Công và đường dây đấu nối Gò Công - Cần Đước, SPMB kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giúp xem xét rà soát bổ sung các công trình này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và danh mục thu hồi đất năm 2023 của tỉnh Long An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND các huyện còn vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng cần tiếp tục tuyên truyền vận động để hộ dân đồng thuận với dự án. Trong trường hợp đã tính đúng, đủ theo các quy định của pháp luật mà các hộ dân vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng cần xây dựng phương án bảo vệ thi công nhằm giải quyết dứt điểm các vị trí còn vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh Long An cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành có liên quan trong tỉnh tham mưu và sớm trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể trong tháng 2/2023 để có cơ sở thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.