Việc cấp sổ cho condotel, officetel 'dậm chân tại chỗ', Bộ Tài nguyên & Môi trường ra công văn thúc giục các địa phương

Liên quan đến pháp lý căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương triển khai quy định mới của pháp luật về đất đai. Trong đó có đề cập việc cấp sổ đỏ cho các công trình condotel, officetel, biệt thự du lịch.

Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai để tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử bảo đảm hiệu quả, người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh việc sổ đỏ cho người sử dụng đất. Tập trung rà soát, chỉ đạo cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở theo quy định của Nghị đinh 10/2023/NĐ-CP.

Trường hợp tài sản là công trình xây dựng trên đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (như công trình khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú...), các địa phương cấp sổ đỏ theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; khoản 4 điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).

Mục đích, thời hạn sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành quyết định.

Thực tế, trước đây sản phẩm bất động sản không phải là nhà ở với nhiều tên gọi khác nhau như: căn hộ dịch vụ, căn hộ lưu trú, biệt thự biển, biệt thự sinh thái, văn phòng lưu trú, shop thương mại… được các chủ đầu tư dự án phát triển nhiều trên phần diện tích đất thương mại dịch vụ.

Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14.2.2020 của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã xác định thời hạn sử dụng đất với bất động sản không phải là nhà ở xây dựng trên đất thương mại dịch vụ không phải thời hạn lâu dài.

Việc cấp sổ cho các căn hộ condotel, officetel... vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Việc cấp sổ cho các căn hộ condotel, officetel... vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ chưa có quy định rõ ràng về cơ sở, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua bất động sản không phải là nhà ở. Do đó thời gian vừa qua người mua các sản phẩm bất động sản này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Thị trường căn hộ bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gần như bị đóng băng.

Mới đây, tại điều 1 khoản 4 và khoản 11 của Nghị định 10 đã bổ sung cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ lưu trú dịch vụ trên đất thương mại dịch vụ và hồ sơ, trình tự cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ lưu trú dịch vụ từ chủ đầu tư. Dù vậy, việc cấp sổ cho các bất động sản dạng này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng vấn đề quan trọng nhất với các condotel hiện nay là cấp sổ đỏ. Nếu cấp cho chủ đầu tư thì không có vấn đề gì, nhưng khi cấp cho nhà đầu tư thứ cấp lại vướng mắc do chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Ngay cả với Nghị định 10, ông Đỉnh cũng cho rằng chưa đủ để tháo gỡ hoàn toàn vướng mắc đó, vì quy định về hạng mục công trình vẫn có những điểm chưa rõ.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh bất động sản WeLand cũng cho rằng Nghị định 10 mới chỉ đề cập đến việc cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm bất động sản có mục đích “lưu trú du lịch” xây dựng trên đất thương mại dịch vụ mà chưa điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm bất động sản có mục đích không liên quan đến “lưu trú du lịch” như căn hộ dịch vụ, văn phòng lưu trú, shop thương mại, condotel. Đây sẽ tiếp tục là một dấu hỏi cho thị trường và các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục phải chờ đợi phản hồi rõ hơn từ cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ hồng, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50 - 70 năm.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, một thập niên qua, các loại hình bất động sản mới gồm officetel, shophouse và condotel đều đang vướng pháp lý ở khâu cấp giấy chứng nhận. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan vẫn còn nợ người dân câu trả lời này. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua lẫn doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực đến tính minh bạch của thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Châu, do khoản 4 điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP chưa quy định khái quát hóa việc cấp giấy chứng nhận đối với tất cả các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ mà chỉ quy định cấp giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nên phạm vi điều chỉnh của khoản 4 điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP rất hẹp, chỉ quy định cấp giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch. Điều này dẫn đến khoản 4 điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP chưa đồng bộ, thống nhất với khoản 2 điều 6 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP.

Lấy ý kiến thẩm định Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 16/5 cho biết đang xin ý kiến của 10 bộ, ngành và địa phương liên quan để bắt đầu tiến hành thẩm định Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT gửi công văn tới các bộ: Công an; Tài chính; Xây dựng; GTVT; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND TP.HCM về hồ sơ và lấy ý kiến thẩm định Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.

Trong đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho ý kiến về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển.

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về việc đáp ứng quy định của pháp luật về môi trường biển và hải đảo, giao khu vực biển cho tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên biển, việc đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai đối với dự án sử dụng khu vực biển, sự phù hợp của Dự án với quy hoạch không gian biển quốc gia (nếu có).

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT đánh giá sự phù hợp của Dự án với quy hoạch cảng biển, sơ bộ tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ của Dự án, việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận gắn với việc đầu tư Dự án. Bộ Xây dựng cho ý kiến về sơ bộ tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ của Dự án.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn - Ảnh minh họa
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn. Ảnh minh họa

Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến về sự phù hợp với của Dự án với các di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tác động của việc đầu tư xây dựng Dự án tới du lịch TP HCM (xét tổng thể việc với việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận).

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho ý kiến về nguồn vốn vay, hạn mức tín dụng.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP HCM cho ý kiến về sự cần thiết phải đầu tư Dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội do Dự án mang lại, tác động lan tỏa của Dự án tới phát triển chung của Thành phố; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật; hiện trạng khu vực dự kiến thực hiện Dự án, việc lựa chọn nhà đầu tư, việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận gắn với việc đầu tư Dự án.

Trước đó, vào ngày 6/4/2023, Bộ KH&ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A.

Lâm Đồng gia hạn, cho phép điều chỉnh Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất

Theo công văn số 4283 ngày 16/5 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh thống nhất chủ trương cho CTCP Năng lượng tái tạo Đại Dương (đơn vị chủ đầu tư dự án) được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng như đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; Điều chỉnh tiến độ và tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, UBND tỉnh gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng thêm 18 tháng, tính từ 30/6, thời gian triển khai thực hiện hoàn thành dự án đến hết ngày 31/12/2023 (theo thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.559 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 889 tỷ đồng và vốn vay là 1.670 tỷ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương trong thời gian 30 ngày (kể từ ngày có chủ trương này), liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn và thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng đảm bảo thực hiện dự án theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 31 ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương thực hiện nghĩa vụ tài chính cho thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan đến dự án theo quy định.

“Trước khi tiến hành xây dựng các hạng mục công trình còn lại của dự án, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, môi trường và các thủ tục khác có liên quan (nếu có) theo quy định”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.

Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất. Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất. Ảnh: Báo Lâm Đồng

UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình còn lại và đưa dự án vào vận hành phát điện theo đúng tiến độ đã cam kết. Định kỳ hàng quý, 6 tháng báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 29 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Đối với Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị này xác định và thông báo số tiền phải nộp khi được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đối với dự án nêu trên. Đồng thời, truy thu nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định để CTCP Năng lượng tái tạo Đại Dương thực hiện.

Bên cạnh đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư sau khi công ty này hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước về thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng, thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng đảm bảo thực hiện dự án và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Đồng thời, đôn đốc, giám sát công ty khẩn trương đầu tư hoàn thiện sớm đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ đã được cấp.

Dự án nhà máy điện gió Cầu Đất nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 25km về phía Đông Nam. Đây là một trong những dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Lâm Đồng trong dự án 2016 - 2025, xét duyệt đến năm 2035 với quy mô công suất 50MW.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ bổ sung một nguồn điện cực lớn vào hệ thống điện lưới quốc gia đồng thời góp phần đảm bảo cho nguồn điện được ổn định để cung cấp cho toàn quốc cũng như tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Flamingo Golden Hill: Dự án khu đô thị tại Hà Nam

Flamingo Golden Hill có vị trí tọa lạc tại Quốc lộ 21A, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Dự án nằm trong quần thể du lịch tâm linh, đối diện chùa Tam Chúc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 phút di chuyển.

Flamingo Golden Hill có tổng diện tích 6,5 ha, là giai đoạn 1 của dự án có diện tích 130 ha tại Hà Nam. Dự án được thiết kế với mô hình khu đô thị với 181 sản phẩm bao gồm biệt thự và shophouse, được phân làm 2 phân khu The Day và The Night. Trong đó:

The Day: Là phân khu hoạt động kinh doanh thương mại với hoạt động du lịch ban ngày, sở hữu 84 sản phẩm bao gồm 66 căn shophouse và 18 căn biệt thự. Các sản phẩm shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 127 – 144 – 207 m2 và biệt thự từ 180 – 190 m2, chiều cao 3,5 tầng.

The Night: Phân khu hướng đến các tiện ích và dịch vụ phục vụ phát triển về đêm, sở hữu 97 sản phẩm với 68 căn shophouse và 29 căn biệt thự. Mỗi căn shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 154 – 259 m2 và các căn biệt thự có diện tích từ 180 – 312 m2, chiều cao 3,5 tầng.

Phối cảnh dự án  Flamingo Golden Hill.
Phối cảnh dự án Flamingo Golden Hill.

Tại dự án Flamingo Golden Hill, cư dân được thừa hưởng những tiện ích nội khu bao gồm: Hệ thống công viên, khu kinh doanh thương mại ngày và đêm, hệ thống suối cảnh quan, đường dạo bộ, hệ thống giải trí, club house…

Từ dự án, thuận tiện liên kết đến các địa điểm du lịch lân cận khác trong vùng như: Nằm ngay cạnh Khu du lịch chùa Tam Chúc, cách sân golf Kim Bảng Stone Valley Golf Resort 2 km, cách chùa Bà Đanh 6 km, cách Khu du lịch Hang Luồn 9 km, cách chùa Hương 11 km, cách đền Tiên Ông 15 km, cách chùa Long Đọi 24 km, cách Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long 40 km…

Chủ đầu tư dự án Flamingo Golden Hill Hà Nam là Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Flamingo (thành viên Flamingo Group), được thành lập ngày 28/05/2020, đặt trụ sở tại số 55 phố Tôn Thất Thiệp, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngày 11/05/2023, chủ đầu tư và các đơn vị phát triển của dự án tổ chức lễ kick – off dự án Flamingo Golden Hill và lễ ký kết hợp tác với đơn vị phân phối dự án.

Các sản phẩm tại dự án Flamingo Golden Hill có mức giá bán từ 7,1 – 9,6 tỷ đồng/căn shophouse và 10,6 – 12,6 tỷ đồng/căn biệt thự.