Đồng Nai: Nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai được giao 23 dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 16 dự án với vốn đầu tư gần 16.800 tỉ đồng. Đến nay, có dự án phải gia hạn lần thứ 3.

Chẳng hạn như dự án xây dựng Hương lộ 2, giai đoạn 1 (thành phố Biên Hòa) được khởi công từ cuối năm 2020. Tổng vốn đầu tư là hơn 780 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào giữa năm 2022 nhưng được gia hạn đến cuối tháng 4-2023. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 50% tổng giá trị hợp đồng.

Dự án tiếp tục gia hạn hoàn thành đến cuối năm nay. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Địa phương vẫn còn 65 hộ và 1 tổ chức chưa bàn giao đất cho nhà thầu.

Tin bất động sản ngày 11/5: Nhiều dự án hạ tầng tại Đồng Nai chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Dự án đường ven sông Đồng Nai. Ảnh: dongnai.gov.vn

Dự án cầu Vàm Cái Sứt (kết nối từ Biên Hòa đi TP HCM) được khởi công từ tháng 10/2020. Tổng vốn đầu tư gần 390 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, hiện nay, dự án mới đạt khoảng 70% hợp đồng; dự án phải gia hạn (lần 2) là đến tháng 5/2024.

Còn dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) có tổng chiều dài hơn 5 km. Tổng vốn đầu tư là hơn 1.300 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 12/2021. Nhà thầu đang làm thủ tục gia hạn hợp đồng.

TTXVN dẫn lời từ đại diện nhà thầu cho biết, dự án vẫn còn chậm tiến độ thi công là do còn nhiều điểm chưa giải phóng được mặt bằng. Đến nay, còn gần 200 hộ chưa di dời vì chưa được giao đất tái định cư, một số hộ chưa đồng ý về mức giá bồi thường. Ngoài ra, các máy móc, thiết bị đều phải vận chuyển bằng sà lan trên sông mới có thể tiếp cận công trường.

Hà Nội muốn xây đường sắt tốc độ cao đến Vinh

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động số 23 ngày 3/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước nhằm phát triển bền vững hệ thống đô thị và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Cụ thể, cần tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị. Xây dựng đô thị theo hướng phát triển các đô thị vệ tinh; phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.

Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch… Đồng thời sẽ triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, cũng như đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động.

"Nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai)", thành phố nêu.

Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND thành phố phối hợp với các bộ, ngành Trung ương các giải pháp thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Tin bất động sản ngày 11/5: Nhiều dự án hạ tầng tại Đồng Nai chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Hà Nội muốn đầu tư đường sắt cao tốc đến Vinh. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại Thủ đô.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2027 phải hoàn thành tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm, các tuyến còn lại của vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, thành phố cũng tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đồng thời nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi).

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng được giao cải tạo các tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất về 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Ưu điểm của phương án này là sẽ hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới... và nhược điểm là chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.

Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.

Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.

Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.

Đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ xây dựng ít nhất 6.400 căn hộ nhà ở xã hội

Theo kế hoạch, dự thảo của UBND tỉnh Sóc Trăng dựng hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất… Phấn đấu đến năm 2030, tổng số nhà ở xã hội bố trí chung cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt ít nhất 6.400 căn hộ. Đối với nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo các chương trình mục tiêu, giai đoạn đến năm 2025 sẽ hoàn thành hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 3.000 hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh sẽ rà soát, tạo mọi điều kiện cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp, đồng bào dân tộc, công nhân lao động... phải có nhà ở theo nhu cầu.

Tỉnh kêu gọi nhà đầu tư, huy động mọi nguồn lực, kể cả nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, trong năm 2023, Sóc Trăng sẽ tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nhà ở công nhân thuộc Khu dịch vụ và cư xá công nhân Khu công nghiệp An Nghiệp và dự án Nhà ở thuộc khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) với tổng số hơn 2.200 căn nhà và căn hộ chung cư để khởi công xây dựng trong năm 2023 - lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trong Dự án phát triển đô thị và tái định cư Khu 5A, Phường 4, thành phố Sóc Trăng, dự kiến đáp ứng khoảng 900 - 1.000 căn nhà; Khu nhà ở xã hội Phường 4, xây dựng khoảng 500 căn nhà và tiếp tục triển khai dự án nhà ở công nhân ở xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành) trên diện tích gần 5 ha; dự án nhà ở Phường 2, thành phố Sóc Trăng trên diện tích hơn 6 ha...

Sắp ra mắt Dự án khu dân cư Bắc Sông Hương tại Hải Dương

Khu dân cư Bắc Sông Hương có vị trí tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Dự án có phía Bắc giáp khu dân cư mới, phía Nam giáp ruộng canh tác, phía Đông giáp khu dân cư thôn Lam Sơn, phía Tây giáp ruộng canh tác.

Khu dân cư Bắc Sông Hương có diện tích quy hoạch 97.966 m2, mật độ xây dựng khoảng 36,23%. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình phân nô đất nền, cung cấp ra thị trường 300 lô đất nền liền kề và nhà vườn với diện tích từ 80 m2 – 200 m2. Trong đó, các căn liền kề có thiết kế 5 tầng, các căn nhà vườn có thiết kế 3 tầng.

Dự án sở hữu hệ thống tiện ích nội khu với đất liên hợp thể thao, đất nhà trẻ, giáo dục, đất công viên cây xanh, bãi đỗ xe, đất ủy ban nhân dân, công sở. Bên cạnh đó, dự án cò liền kề các tiện ích ngoại khu lân cận trong bán kính 5 km như: UBND xã Tân Việt, nhà văn hóa thôn Vạn Tuế - xã Tân Việt, chợ Tân Việt…

Tin bất động sản ngày 11/5: Nhiều dự án hạ tầng tại Đồng Nai chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Phối cảnh Khu dân cư Bắc Sông Hương.

Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Bắc Sông Hương Hải Dương là Công ty Cổ phần Tập đoàn AH, đơn vị thiết kế liên danh Công ty TNHH Xây dựng Việt Phong Minh và Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Nam Tiến Đạt, đơn vị thi công Công ty Cổ phần Đầu tư HĐ Việt Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn AH, được thành lập ngày 29/02/2016, đặt trụ sở tại thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch, dự án Khu dân cư Bắc Sông Hương được thực hiện và hoàn thành trong 36 tháng, kể từ ngày 08/09/2020.

Tổng mức đầu tư của dự án (tạm tính và chưa bao gồm tiền sử dụng đất) hơn 125,193 tỉ đồng; Sơ bộ chi phí bồi thường, GPMB hơn 33,5 tỉ đồng.

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 15/6/2021, và hoàn thành ngày 15/12/2022.