Thương vụ đình đám trên thị trường M&A

Ngày 24/5/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) mua 20% vốn cổ phần của Công ty Cổ Phần Phúc Long Heritage (Phúc Long) với giá 15 triệu USD, tương ứng định giá 75 triệu USD. Không lâu sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.

Điều đáng nói, cái giá ông lớn đã bỏ ra cho 31% cổ phần Phúc Long là 110 triệu USD, tương ứng định giá vốn cổ phần công ty này là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ sau khoảng 7 tháng, giá trị của Phúc Long đã được định giá tăng gấp gần 5 lần.

Đáng nói, về mặt thời gian, thương hiệu Phúc Long có từ lâu nhưng Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - sở hữu thương hiệu Phúc Long mới được thành lập lần đầu tiên vào ngày 21/05/2021. Và chỉ vài ngày sau, Masan thực hiện mua 20% cổ phần Phúc Long lần đầu.

Ngày 25/10/2021, công ty cổ phần Phúc Long Heritage thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, theo đó ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lâm Bội Minh (Phúc Long) là Tổng giám đốc.

Thời điểm đó, trên nhiều diễn đàn tài chính, thương vụ này được nhiều người bàn tán sôi nổi. Nhiều người cho rằng, Phúc Long đang được định giá quá đắt khi P/E tính ra rơi vào khoảng 15x, trong khi P/E của ngành nước uống, giải khát hiện đang ở khoảng 25 – 30.

Có người giải thích, đây là mức giá mua kiểm soát, không phải mua cổ phiếu thông thường, giá trị nhận được từ việc kiểm soát Phúc Long ngoài những tài sản trên báo cáo tài chính còn là tập khách hàng sẵn có, thương hiệu,… Phúc Long là mảnh ghép phù hợp trong chiến lược Point of Life (POL) của tập đoàn Masan.

Cũng có ý kiến cho rằng, không cần bỏ nhiều tiền đến như vậy để mua Phúc Long. Với thương hiệu, độ phủ sẵn có và cơ sở vật chất của mình, Masan hoàn toàn có thể gây dựng một thương hiệu đồ uống mới tích hợp vào hệ thống Winmart như hiện nay với chi phí thấp hơn đáng kể.

Hoàn thiện mảnh ghép của chiến lược Point of Life
Masan mua lại Phúc Long để hoàn thiện mảnh ghép của chiến lược Point of Life. Ảnh: Masan

Chia sẻ về thương vụ đình đám này, ông Tuấn Ngô, Giám đốc điều hành khối Ngân hàng Đầu tư (IB) Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC (mã chứng khoán VCI) - đơn vị tư vấn thương vụ cho biết, Phúc Long là một thương hiệu "quốc dân", xây dựng 100% bởi người Việt Nam, chứa đựng những nét tinh túy của văn hóa trà và cà phê ở Việt Nam. Đơn vị này đã phát triển rất nhanh, cũng như chiếm được cảm tình rất lớn của một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam.

Lợi thế cộng hưởng vượt trội của 2 đơn vị này được kỳ vọng phát huy tối đa khi về chung một nhà. Trong đó, Phúc Long là “mảnh ghép hoàn hảo” của Masan trong chiến lược Point of Life: nền tảng tích hợp từ offline đến online cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Trong đó, Phúc Long có thế mạnh là kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trà - cà phê tại Việt Nam, tối ưu chi phí trên 1 ly nước, đưa thương hiệu tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng khó tính với giá thành phải chăng.

Còn với Masan, thì Phúc Long là đối tác góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Masan, đa dạng mặt hàng hơn, đẩy nhanh và mạnh hơn trong ngành đồ uống mà không cần phát triển chuỗi mới, hay xây dựng thương hiệu mới - vốn rất tốn thời gian và chi phí. Bằng việc tích hợp các kios Phúc Long vào các cửa hàng Winmart giúp Masan trẻ hóa tệp khách hàng của mình.

“VCSC nhận thấy ở Phúc Long những điểm độc đáo có thể làm cho thương hiệu phát triển mạnh mẽ và vươn xa hơn nữa. Không ai thích hợp hơn MSN ở thời điểm này để giúp Phúc Long cất cánh”, ông Tuấn Ngô chia sẻ góc nhìn khi quyết định tư vấn cho Phúc Long thương vụ này.

Những trái ngọt đầu tiên cho đôi bên

Trong báo cáo tài chính (BCTC) quý II, Masan báo lãi đậm với lợi nhuận trước thuế đạt 3.335 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đến từ 2 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, phải nói đến việc Masan đã nâng được biên lợi nhuận gộp trong kỳ từ hơn 22% lên 28%, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng trưởng gần 10% bất chấp doanh thu thuần giảm 12,5%. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung. Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm của Masan đạt 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, trong 1.591 tỷ doanh thu hoạt động tài chính, có 1/3 đến từ việc đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây. Masan cho biết, trong kỳ, tập đoàn đã ghi nhận khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage.

Thương vụ đã đem lại cho cả Masan và Phúc Long những trái ngọt đầu tiên. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ
Sau khi về chung một nhà cả Masan và Phúc Long những trái ngọt đầu tiên. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Tương tự, nhờ cộng hưởng với hệ sinh thái của Masan, hiệu quả hoạt động của Phúc Long đã cải thiện đáng kể. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Masan, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Phúc Long đạt 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) cũng đạt 117 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II/2022, Phúc Long có 74 cửa hàng flagship, 19 cửa hàng nhỏ và 971 kiosk đang hoạt động. Các cửa hàng flagship ghi nhận doanh thu 549 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 và 281 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng lần lượt là 22% và 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, biên lợi nhuận sau thuế của các cửa hàng flagship đạt lần lượt 25,0% và 23,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 và quý I/2022. Các cửa hàng này được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long trong nửa cuối năm 2022 khi công ty đặt mục tiêu mở thêm 40-50 cửa hàng flagship. Đối với các kiosk, Phúc Long cũng cho ra mắt thực đơn thử nghiệm với kết quả khả quan, giúp tăng 75% doanh thu của kiosk mỗi ngày dù chưa thực hiện bất cứ hoạt động marketing nào.

Được thành lập năm 1968 tại Lâm Đồng, Phúc Long là một trong các chuỗi trà cà phê hàng đầu cả nước. Trước khi về với Masan, dù doanh thu mỗi năm của Phúc Long đều tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số và đạt 779 tỷ đồng năm 2019 nhưng do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao, hiệu quả sinh lời của Phúc Long chưa đáng kể. Biên lợi nhuận những năm 2017, 2018 của cả chuỗi ở khoảng vài tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế năm 2019 chỉ lên đến 20 tỷ đồng.

Gia nhập hệ sinh thái của Masan, Phúc Long đã hưởng lợi đáng kể từ đây, khắc phục yếu điểm vể chi phí hoạt động và cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh doanh.