Đó là lời khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh với báo Tuổi trẻ. Ông Nguyễn Văn Lanh cũng cho biết nói sẽ tiếp tục chủ trương thu phí tham quan bởi đó là việc thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hội An được UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới, người đứng đầu UNESCO Việt Nam lúc đó đã dành nhiều lời khen ngợi cho cách quản lý bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Hội An.

"Hội An là một hình mẫu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản", ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, từng nhận định.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh, Hội An là thành phố di sản, nhưng là di sản sống. Một quần thể hơn 1.000 căn nhà cổ đang được bảo tồn rất tốt nhờ ý thức cộng đồng và nguồn lực rất lớn từ tiền bán vé thu được rồi trích quay lại trùng tu.

Nhiều độc giả ủng hộ chuyện thu phí tham quan vào phố cổ Hội An để cải thiện hành vi du lịch của du khách và nâng cao chất lượng du lịch cho địa phương (Ảnh: Sinh Lê).
Nhiều độc giả ủng hộ chuyện thu phí tham quan vào phố cổ Hội An để cải thiện hành vi du lịch của du khách và nâng cao chất lượng du lịch cho địa phương. Ảnh: Sinh Lê

Có thể nói Hội An đã thực hiện tốt mô hình "lấy di tích nuôi di tích", không thể có phố cổ đẹp, độc đáo tận ngày nay nếu không có khoản tiền đóng góp thông qua mua vé vào tham quan từ khách.

Đây cũng là cách làm chung nhiều nơi trên thế giới.

Lâu nay Hội An đang giao cho hai đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An đảm đương giữ ấm, duy trì phố cổ.

Nguồn kinh phí hoạt động đều trích từ vé tham quan.

Chia sẻ với báo Lao Động, ông Nguyễn Sự, cả lãnh đạo UBND TP, Phòng Văn hóa thể thao Hội An đều phát ngôn chưa rõ ràng, thống nhất về phương án tăng cường công tác bán vé, kiểm soát thu phí ở khu phố cổ. Vì vậy đã gây hiểu nhầm, khiến cộng đồng phản ứng rất căng thẳng trên mạng xã hội.

"Tôi xin nói rõ, từ xưa nay, Hội An đã bán vé, thu phí tham quan đối với khách du lịch đến Khu phố cổ - vùng lõi của Khu Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, chứ không phải bán vé, thu phí với tất cả những ai ra vào đô thị Hội An, thành phố Hội An (người dân). Đô thị cổ Hội An là 'di sản sống', có dân sinh, nên chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có việc dự hàng rào cứng, tạo ra khu vực cấm kể cả vùng lõi của di sản. Do đó không có việc bán vé tất cả cho người vào phố cổ, thu triệt để. Trước hết, trên hết, Hội An xác định là điểm đến văn hóa, rồi mới là điểm du lịch.

Sau thời gian nới lỏng việc quản lý, kiểm soát vé đối với du khách, nhất là giai đoạn dịch Covid-19, chính quyền Hội An mới lập phương án này để tăng cường công tác quản lý các hoạt động hướng dẫn, tham quan. Trong đó có đề cập đến việc thu phí đúng giá trở lại (tức không miễn giảm như hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua) cũng như tăng cường công tác kiểm soát vé. Nhưng cách công bố phương án, phát ngôn không rõ ràng của lãnh đạo chính quyền đã gây nên 'làn sóng' phản ứng. Khi bị phản đối thì lại lúng túng, trả lời bất nhất", ông Sự nói.

Khu vực 1 vùng khoanh đỏ là nơi khách mua vé để vào tham quan - Ảnh: Di sản văn hóa Hội An.
Khu vực 1 vùng khoanh đỏ là nơi khách mua vé để vào tham quan. Ảnh: Di sản văn hóa Hội An.

Theo ông Nguyễn Sự, phương án tăng cường công tác quản lý hướng dẫn hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An là việc làm cần thiết, phải làm. Tuy vậy UBND thành phố Hội An cần phải lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện, các góp ý. Từ đó, phải có điều chỉnh, xây dựng phương án kiểm soát mua bán vé tham quan phố cổ thật rõ ràng, chặt chẽ, khoa học, nhân văn.

Đồng thời phải xin ý kiến Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực HĐND, Thường trực UBMTTQVN Thành phố Hội An, thậm chí ý kiến của tỉnh trước khi thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân, các công ty du lịch, các doanh nghiệp trên địa bàn… Trong trường hợp chủ trương đưa ra nhận được sự đồng thuận cao thì mới làm thí điểm.